Bộ Kế hoạch và đầu tư chỉ ra 5 nguyên nhân chủ yếu khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm

21/08/2017 11:49 AM | Kinh tế vĩ mô

Đại diện Bộ kế hoạch và đầu tư cho rằng nguyên nhân dẫn tới giải ngân chậm có rất nhiều nguyên nhân. Với một dự án đầu tư, giải ngân được tính từ thời điểm đồng vốn được chuyển từ kho bạc nhà nước sang nhà thầu.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào đấu tháng 8, năm 2017, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi có khả năng giải ngân khoảng 4,6 tỉ đô la Mỹ. Trong 6 tháng đầu năm, đã giải ngân được 1,5 tỉ đô la Mỹ, bằng 32,6% dự kiến cả năm.

Trước con số giải ngân mới đạt 32,6%, Thủ tướng nhấn mạnh trong năm 2017, với những dự án chưa giải ngân được, chưa làm thủ tục thì phải điều chuyển vốn để làm sao giải ngân hết số vốn kế hoạch đã thông qua. Từng chủ dự án phải xem lại năng lực, trách nhiệm, phải tự rút lui khi thấy khả năng không thể triển khai được dự án hoặc tìm được nguồn khác mà không cần đến vốn vay ODA.

Trong một buổi tọa đàm trực tuyến mới đây, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ tổng hợp Kinh tế quốc dân, Bộ kế hoạch và đầu tư một lần nữa cho biết tính đến hết tháng 7 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công có tín hiệu tích cực so với 7 tháng đầu năm 2016. Tuy nhiên so với yêu cầu của Chính phủ đầu trước mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2017 thì tốc độ giải ngân được xem là thấp và chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay chỉ mới đạt được trên 30%.

Đại diện Bộ kế hoạch và đầu tư cho rằng nguyên nhân dẫn tới giải ngân chậm có rất nhiều nguyên nhân. Với một dự án đầu tư, giải ngân được tính từ thời điểm đồng vốn được chuyển từ kho bạc nhà nước sang nhà thầu. Để đồng vốn được chuyển đến nhà thầu thì dự án phải trải qua rất nhiều quy trình công đoạn khác nhau, những khâu khác nhau từ thẩm định phê duyệt dự án cho đến khi được giao vốn, thực hiện dự án, thanh quyết toán. Sự chậm trễ giải ngân là tổng hợp của nhiều nguyên nhân.

Sau khi tổng hợp báo cáo của Bộ ngành địa phương và thẩm định các báo cáo, Bộ kế hoạch và đầu tư có thể đưa ra một số nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tốc độ giải nhân chậm.

Thói quen ‘xấu’

Quy luật của rất nhiều năm trở lại đây là "giai đoạn đầu năm rất chậm, tập trung vào cuối năm". Lý giải cho hành động này có rất nhiều thứ. Một là liên quan đến phong cách làm việc của nhà thầu. Thường đầu năm tập trung vào công tác chuẩn bị, chưa có các động thái để dồn dập làm việc ngay mà dồn vào thời điểm cuối năm. Thứ 2, giai đoạn đầu năm có rất nhiều thủ tục phải hoàn thiện ví dụ các thủ tục đấu thầu các gói thầu, thủ tục giải phóng mặt bằng, giấy tờ cần thiết để có thể giải ngân tại kho bạc.

Nguyên nhân đề cập rất nhiều năm mà vẫn còn tồn tại: Giải phóng mặt bằng

Đặc biệt với các dự án sử dụng diện tích đất càng lớn thì công tác giải phòng mặt bằng càng phức tạp và tốn rất nhiều thời gian. Do vậy công tác giải phóng mặt bằng tốn rất nhiều thời gian của công tác giải ngân.

Sự phối hợp giữa các bên

Nguyên nhân nữa liên quan đến các công việc hoàn thiện thủ tục và sự phối hợp giữa chủ đầu tư và các cơ quan liên quan, giữa nhà thầu trong việc hoàn thiện giấy tờ. Các thủ tục này chỉ cần trễ một vài ngày một vài tháng sẽ kéo theo sự chậm trễ của các thủ tục tiếp theo.

Thời tiết

Ngoài ra, ông Phương còn nên ra một nguyên nhân nữa được xem là khá lớn ảnh hưởng đến công tác giải ngân là thời tiết. Hiện nay với nước ta các vùng khí hậu khác nhau dẫn tới các công trình thi công trong điều kiện mùa mưa không thể thực hiện được. Đối với mỗi giai đonạ như vậy sẽ phát sinh khối lượng thủ tục cần hoàn thiện hồ sơ giải ngân tại kho bạc.

Công tác giao vốn

Đây là nguyên nhân được nhiều cơ quan thông tấn báo chí quan tâm trong thời gian gần đây. Theo đánh giá của ông Phương, giao vốn cũng là một trong những lý do dẫn tới đồng vốn được giải ngân bị hạn hẹp. Về khách quan, công tác giao vốn phụ thuộc vào quy định của pháp luật. Một dự án được giao vốn phải đầy đủ hồ sơ và quan trọng nhất chính là quyết định phê duyệt dự án. Để ra quyết định phê duyệt dự án để giao vốn cũng phải trải qua quá trình rất dài trong đó chủ đầu tư phải đi thuê tư vấn, lập báo cáo tư vấn khả thi, sau khi hoàn thiện báo cáo khả thi phải hoàn thiện báo cáo thẩm định. Một phần gây ra chậm giao vốn.

Về phía Bộ Kế hoạch và đầu tư đều có báo cáo hàng tháng báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ công tác điều hành giải ngân vốn đầu tư công. Đầu tháng 8, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Hay mới đây, ngày 25/7 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "phê bình gắt gao" 13 chủ tịch tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng đơn vị chậm giải ngân vốn đầu tư công. Các đơn vị này có tỷ lệ giải ngân tính đến ngày 15/6 vẫn dưới 20%.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM