Bộ Kế hoạch Đầu tư nêu phương án huy động 10 triệu tỷ đồng cho đề án tái cơ cấu nền kinh tế

14/06/2017 20:39 PM | Kinh tế vĩ mô

Đẩy mạnh đầu tư từ khu vực tư nhân, huy động vốn mạnh mẽ qua thị trường chứng khoán là những nội dung nổi bật được Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước Quốc hội chiều nay liên quan đến kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế.

Huy động thông qua thị trường vốn

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, tổng vốn đầu tư xã hội dự kiến khoảng 32 – 34% GDP, tương đương 9 – 10 triệu tỷ đồng. Cơ cấu vốn đầu tư thay đổi mạnh mẽ theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn nhà nước, trong đó có ngân sách nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là đầu tư của khu vực tư nhân trong nước.

Theo đó, vốn nhà nước dự kiến giảm từ 39,1% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 31-34% trong giai đoạn 2016-2020; vốn khu vực tư nhân trong nước dự kiến tăng từ 38,3% lên 45-48% tổng đầu tư toàn xã hội.

Để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra các nhóm giải pháp nhằm huy động từng nguồn vốn cụ thể: Đối với nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân; khu vực nhà nước; nguồn vốn đầu tư nước ngoài và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức.

Ngoài các nguồn lực nêu trên, báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng lưu ý các nhóm giải pháp thúc đẩy huy động vốn thông qua thị trường vốn.

Giai đoạn 2011- 2015, thị trường vốn đã huy động được hơn 1.211 nghìn tỷ đồng, gấp gần 4 lần giai đoạn 2006- 2010, đóng góp bình quân 23% vào tổng đầu tư toàn xã hội. Khối lượng vốn huy động được cho NSNN thông qua phát hành TPCP tăng mạnh, đạt khoảng một triệu tỷ đồng (gấp 13 lần so với giai đoạn 2005- 2010). Thị trường trái phiếu doanh nghiệp huy động được hơn 211 nghìn tỷ đồng thông qua công tác cổ phần hóa.

Tuy nhiên, vai trò của thị trường vốn như là một kênh huy động (và cả phân bổ) nguồn lực tài chính chính thức cho đầu tư phát triển vẫn còn chưa thực sự rõ nét. Thị trường vốn nói riêng và thị trường tài chính nói chung vẫn dựa đáng kể vào hệ thống ngân hàng thương mại, trong khi sự tham gia của các định chế phi ngân hàng còn tương đối hạn chế.

Mục tiêu của giai đoạn 2016- 2020 là nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường vốn đặc biệt là thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bảo hiểm. Đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.

Khai thác nguồn lực từ tài nguyên

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng đề cập đến việc khai thác nguồn lực từ đất đai như: Thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; các loại thuế, phí, lệ phí liên quan đến sử dụng đất...

Bộ cho biết, nguồn thu từ đất có vai trò quan trọng, do thu NSNN từ nhà đất có xu hướng tăng nhanh hơn so với tổng thu NSNN nói chung. Trung bình giai đoạn 2000- 2015, thu NSNN từ nhà đất tăng trung bình 19,9%/năm. Tuy nhiên, thu NSNN từ nhà đất giảm trong các năm 2012- 2014, và chỉ tăng trở lại vào năm 2015 (tăng 28,0%).

Dù vậy, việc khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai vẫn còn nhiều hạn chế, cả về quy mô nguồn thu cho NSNN, tốc độ tăng thu vào NSNN, dư địa để tăng thu trong thời gian tới. Tình trạng thất thoát nguồn thu từ nhà đất còn phổ biến do định giá đất không theo cơ chế thị trường. Cơ chế giá đất khác nhau cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau cũng tạo ra nhiều méo mó về giá, phân bổ đất đai.

Do đó, giai đoạn 2016- 2020, Bộ cho rằng cần có các công cụ thị trường để phân bổ và khuyến khích sử dụng hiệu quả đất đai và tài nguyên như đấu giá, thuế đất đai và tài nguyên; Đưa đấu giá, đấu thầu thành phương thức mô hình chính cho việc phân bổ đất công, sử dụng tài nguyên cho các lợi ích tư và công bố mức giá và các điều kiện thắng đấu giá.

Theo N.D

Cùng chuyên mục
XEM