Bộ Giao thông Mỹ vừa đưa ra một quyết định có thể làm thay đổi thế cục của ngành hàng không Mỹ

29/04/2016 08:13 AM | Kinh doanh

Bộ Giao thông Mỹ vừa phê duyệt cho Hãng hàng không quốc tế Na Uy (Norwegian Air International - NAI) được mở tuyến bay tại Mỹ. Đây là hãng hàng không có nhiều lợi thế về luật pháp do đặt trụ sở tại Ireland.

Cuộc cạnh tranh không lành mạnh

Quyết định của Bộ Giao thông Mỹ bị các hãng và hiệp hội hàng không của Mỹ kịch liệt phản đối. Họ cho rằng việc cho phép NAI, một công ty con của Norwegian Air, thanh gia vào thị trường Mỹ sẽ gây nguy hại tới ngành hàng không Mỹ và những lao động làm việc trong ngành.

Căn nguyên vấn đề nằm ở việc lựa chọn địa điểm để đặt trụ sở chính của NAI. Khác với những công ty con khác trong hãng – ví dụ như Norwegian Air Shuttle – NAI không đặt trụ sở tại Na Uy mà đặt tại Dublin, Ireland.

Theo những người phản đối, điều này cho phép hãng hàng không Na Uy hưởng lợi thế từ luật lao động của Ireland, nơi có luật lao động dễ dãi hơn so với Na Uy. Dẫn đến NAI có thể tuyển dụng phi công và tiếp viên có mức lương thấp từ châu Á để bay các tuyến vượt Đại Tây Dương.

Đây là lợi thế cạnh tranh mà các hãng hàng không Mỹ như Delta, United hay American Airlines không thể có được do các hãng này không thể dễ dàng di chuyển trụ sở làm việc của mình.

“NAI đã tìm nơi có mức thuế thấp và pháp luật ưu đãi để đặt trụ sở,” trích tuyên bố của cơ trưởng Tim Canoll, chủ tịch hiệp hội phi công, “Kết quả là, NAI có được lợi thế cạnh tranh lớn so với các hãng hàng không Mỹ, những doanh nghiệp phải hoạt động theo các quy định pháp luật của Mỹ. Đó là một cuộc cạnh tranh không lành mạnh.”

Các hãng hàng không Mỹ đã phóng đại nguy cơ

Ở chiều ngược lại, ý kiến ủng hộ quyết định của Bộ Giao thông Mỹ lại cho rằng, hãng hàng không Na Uy chỉ có khoảng 100 máy bay, nên hãng sẽ mất nhiều chi phí mà chỉ giành được một thị phần nhỏ bé trong việc vận chuyển qua lại giữa châu Âu và nước Mỹ. Ngoài ra, mô hình hoạt động gọn nhẹ, chi phí thấp của họ chỉ thực hiện được với những chiếc máy bay nhỏ, chứ không phải với những chiếc máy bay lớn để bay vượt Đại Tây Dương như Boeing 787 Dreamliner.

Đó là lý do tại sao hãng hàng không Na Uy có thể cạnh tranh tốt bằng các máy bay Boeing 737 tại châu Âu nhưng không thể thu được lợi nhuận với các chuyến bay vượt Đại Tây Dương. Minh chứng cho điều này là những hãng khác từng thiết lập tuyến hàng không giá rẻ vượt Đại Tây Dương đều không thu được kết quả tốt, ví dụ như Laker Airways Skytrain hay People Express.

Người phát ngôn của Hãng hàng không Na Uy Anders Lindström cho biết hãng đã báo cáo với Bộ Giao thông Mỹ rằng mình sẽ không sử dụng bất cứ thành viên phi hành đoàn nào từ châu Á cho các chuyến bay vượt Đại Tây Dương. Ngoài ra, một thành viên khác của Norwegian Air là Norwegian Air Shuttle gần đây đã thực hiện các chuyến bay vượt Đại Tây Dương với phi hành đoàn châu Âu và hãng này nói họ không có ý định thuê các phi hành đoàn giá rẻ từ châu Á.

Thêm vào đó, Lindström cũng cho biết NAI sẽ chỉ sử dụng phi hành đoàn từ EU và Mỹ trong các chuyến bay vượt Đại Tây Dương, và hãng này sẽ trả lương cho phi công “tương đương” với các hãng khác.

Hơn nữa, Lindström biết rằng điều hấp dẫn khiến họ lựa chọn Ireland để đặt trụ sở là do nước này là thành viên của EU, tổ chức mà Na Uy chưa tham gia.

Đòn hiểm ẩn giấu

Thế nhưng, Vinay Bhaskara, chuyên gia phân tích kinh tế cao cấp của Airways News, cho biết, một phi hành đoàn lương thấp chỉ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của một chuyến bay vượt Đại Tây Dương khoảng 2% - 3%.

Trong khi đó, nhiên liệu, các phi công nhiều kinh nghiệm hơn, các chi phí phụ trội mới là thứ làm các chuyến bay bằng máy bay lớn trở nên đắt đỏ.

Bhaskara cho rằng nguy cơ Norwegian Air tạo ra với các hãng hàng không Mỹ không phải từ mức lương họ trả cho phi hành đoàn mà là ở lựa chọn chiến lược. Thay vì sử dụng những chiếc máy bay lớn như Boeing 787 Dreamliner cho tuyến bay từ London tới New York, họ có thể sử dụng các máy bay nhỏ hơn để bay tới các thành phố nhỏ hơn. Hành khách từ các thành phố nhỏ ở Mỹ sẽ không cần phải bay hoặc lái xe tới các thành phố lớn như Boston hay New York để bắt chuyến bay tới châu Âu.

Hãng này có sẵn 200 chiếc Airbus A320neo và Boeing 737 MAX với tầm bay tối đa là 4.600 dặm và 4.000 dặm. Hai loại máy bay này có thể thực hiện các chuyến bay từ Tây Âu với bờ Đông nước Mỹ. Chiến lược này giúp họ tránh mức phí phụ trội đắt đỏ phát sinh khi dùng chiếc máy bay lớn cũng như mức phí bến bãi đắt đỏ tại các cảng hàng không quốc tế lớn.

Mặc dù vậy, chiến lược này nếu có ảnh hưởng có lẽ cũng không quá nghiêm trọng với các hãng hàng không lâu năm của Mỹ. Hành khách lựa chọn bay với hãng hàng không giá rẻ bởi vì họ không thường xuyên bay hoặc họ không đủ khả năng chi trả cho các hãng hàng không cao cấp hơn.

“Những hành khách mang lại doanh thu chính cho các hãng hàng không của Mỹ là những hành khách thường xuyên đi công tác bằng máy bay,” Harley Manning, Phó chủ tịch Forrester Research cho biết. “Mất đi một hành khách tìm kiếm giá vé rẻ nhất cho những chuyến bay hiếm hoi của họ sẽ không gây thiệt hại đáng kể cho American Airlines, Delta Airlines hay United Airlines.”

Trường Sơn

Cùng chuyên mục
XEM