Blockchain không phải chuyện đùa: Nhờ Ethereum, Brazil muốn đưa cả hệ thống bầu cử lên màn hình điện thoại, ai cũng gửi được kiến nghị chỉ trong 'vài nốt nhạc'!

08/01/2018 19:27 PM | Xã hội

145 triệu cử tri trên cả nước có thể sắp được sử dụng công nghệ nói trên. Bất kỳ người dân nào cũng có thể gửi kiến nghị với chi phí rẻ và nhanh chóng, Brazil có vẻ như sẽ tiếp nối Nga trong việc đưa Blockchain vào ứng dụng cấp Chính phủ

Tại Nga, Blockchain đã 'không còn là chuyện đùa'' khi mà đất nước có diện tích lớn nhất thế giới đã bắt đầu cho ứng dụng công nghệ này ở cấp Chính phủ. Giờ đây, Chính phủ đất nước có nền kinh tế đang dần khẳng định tiếng nói trên trường quốc tế là Brazil cũng đang học tập theo Nga và rục rịch ứng dụng Blockchain cho những công việc thiết yếu của mình.

Cụ thể, Chính phủ Brazil đang tìm cách đưa hệ thống bầu cử và đơn kiến nghị của toàn bộ đất nước lên hệ thống Blockchain của đồng Ethereum - đồng tiền mã hóa hiện xếp thứ 3 thế giới. Nói về mục tiêu, đất nước Nam Mỹ muốn tận dụng sự ưu việt của Blockchain để xử lý hàng trăm triệu phiếu bầu theo cách minh bạch nhất.

Bài toán khó với 145 triệu cử tri trên cả nước

Thông thường ở Brazil, Chính phủ sẽ cho phép hơn 145 triệu cử tri trên cả nước cùng tham gia quyết định vào một vấn đề nào đó của quốc gia. Vì thế, đơn kiến nghị, cũng như hệ thống bình bầu, được xem như những phần quan trọng trong nền chính trị ở đất nước này. 

Blockchain không phải chuyện đùa: Nhờ Ethereum, Brazil muốn đưa cả hệ thống bầu cử lên màn hình điện thoại, ai cũng gửi được kiến nghị chỉ trong vài nốt nhạc! - Ảnh 1.

Thông suốt bầu cử, bỏ phiếu tại Brazil là một bài toán khó giải

Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ qua, các chuyên gia chính trị đã đặt câu hỏi về tính logic của hệ thống bầu cử vốn cũ kỹ và tồn đọng quá nhiều vấn đề này. Thậm chí một số cử tri còn cho rằng hệ thống bầu cử của đất nước mình là "không có thật",  "không hiệu quả".

Gabriel Barbosa, một nhà nghiên cứu về chính trị tại Brazil thì cho biết thêm một vấn đề với bầu cử truyền thống là "Chi phí tham gia vào công việc mang tính chính trị ngày càng cao". Từ cả 2 yếu tố trên, lựa chọn Blockchain có vẻ như là một quyết định đúng đắn.

Blockchain: mỗi người đều có thể gửi riêng kiến nghị của mình, minh bạch, hiệu quả, không tốn chi phí

Mới đây, nhà báo Joon Ian Wong đến từ tờ Quartz cho biết, các nhà lập pháp Brazil đang được cố vấn lập pháp của Quốc hội là ông Ricardo Fernandes Paixao và giáo sư đại học là ông Everton Fraga đề xuất chuyển hệ thống bầu cử sang sử dụng Blockchain của Ethereum. 

Việc này sẽ giúp lưu trữ và xử lý các phiếu bầu một cách dễ dàng hơn. Đồng thời, giải pháp này cũng mang lại tính minh bạch, giải quyết được một lượng lớn công việc bàn giấy phức tạp cũng như chi phí mà hệ thống bầu cử hiện tại còn vướng mắc.

Để sử dụng hệ thống Blockchain trong việc xử lý đơn kiến nghị và phiếu bầu cử, người ta sẽ cần mã hóa các phiếu bầu lên Blockchain, qua đó đảm bảo các dữ liệu cụ thể sẽ không thể bị thay đổi và không bị điều khiển bởi bất kỳ ai.

Việc xử lý các đơn kiến ​​nghị trên Blockchain của Ethereum cũng đòi hỏi phải thiết lập các 'hợp đồng thông minh'. Từ đây, hệ thống sẽ hoạt động tương tự như các ứng dụng khác tồn tại trên Blockchain của Ẹthereum. 

Blockchain không phải chuyện đùa: Nhờ Ethereum, Brazil muốn đưa cả hệ thống bầu cử lên màn hình điện thoại, ai cũng gửi được kiến nghị chỉ trong vài nốt nhạc! - Ảnh 2.

Blockchain giải quyết bào toán đó

Nói chung, mục tiêu là hệ thống bầu cử của Brazil sẽ hoạt động như một sự phân quyền đến tất cả cộng đồng, mọi người đều bình đẳng như nhau, ai cũng có thể tham gia vào nhưng không ai có thể thay đổi một kết quả chung. 

Đây cũng chính là chía khóa giải bài toán bầu cử tại Brazil. Lý do vì trong hệ thống bầu cử của Brazil, mọi đơn kiến nghị đều cần chữ ký của 1% dân số đất nước, và cần được trình bày ở Quốc hội. Tuy nhiên, vì thiếu một nền tảng xử lý vấn đề này, thông thường nhóm đề ra đơn kiến nghị đều phải tìm một nhà lập pháp để thông qua.

Do đó, xác suất đơn kiến nghị được trình bày trong Quốc hội ngày một giảm đáng kể. Dù nhiều đơn đã thu thập đủ chữ ký nhưng vẫn không có cơ hội được báo cáo."Không hề có nền tảng nào để thu thập chữ ký của 1% cử tri, chúng tôi đã trải qua một loại khủng hoảng liên quan đến tính pháp lý - Ông Costa, giáo sư luật Đại học Universidade de Brasilia, nói.

Cả nền bầu cử với Blockchain trên chiếc điện thoại di động

Đi xa hơn thế, Chính phủ Brazil còn dự kiến tạo ra một ứng dụng điện thoại cho bầu cử trên Blockchain của Ethereum để cho toàn bộ cư dân sử dụng. Họ mong muốn thông qua việc này, công dân có thể gửi đơn kiến ​​nghị mà không phải mất quá nhiều thời gian và chi phí. Và vì các ứng dụng này xuất hiện trên điện thoại thông minh, người ta có thể nói rằng cả hệ thống bầu cử và kiến nghị của Brazil cũng có khả năng hoạt động sẽ được đưa lên trên 1 màn hình điện thoại.

Fraga, một trong hai cố vấn hàng đầu của dự án, cho rằng tích hợp Ethereum vào hệ thống bầu cử không hiệu quả của Brazil là một ý kiến đúng đắn. Giờ đây, họ hy vọng đề xuất này được Quốc hội chấp thuận và được thực hiện càng sớm càng tốt.

Blockchain không phải chuyện đùa: Nhờ Ethereum, Brazil muốn đưa cả hệ thống bầu cử lên màn hình điện thoại, ai cũng gửi được kiến nghị chỉ trong vài nốt nhạc! - Ảnh 3.

Ông này nói: "Nếu được chấp thuận, toàn dân sẽ ăn mừng lễ kỷ niệm dân chủ của Brazil. Với dự án này, chúng tôi cực kỳ hy vọng nó sẽ hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chưa xảy ra vì còn cần thông qua nhiều quá trình thủ tục phức tạp khác."

Nói chung, đây là một ứng dụng to lớn cho công nghệ Blockchain mang tầm Chính phủ. Tuy nhiên, nhược điểm của giải pháp này là mọi người tham gia hệ thống có thể sẽ bị quá đại trà, dẫn đến một số kiến ​​nghị phù phiếm, vô ích sẽ được đệ trình.


Nhất Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM