Blockchain giúp ngân hàng thực hiện giao dịch L/C chỉ trong 24 giờ thay vì 10 ngày được hoạt động thế nào?

29/07/2019 19:44 PM | Kinh doanh

Việc giảm thời gian xuống 24 giờ thay vì 5 – 10 ngày như trước đây là một bước tiến quan trọng nhằm đơn giản hóa quy trình tài trợ thương mại, được đánh giá là mở ra thời kỳ mới trong quy trình thương mại giữa các nước.

HSBC vừa thực hiện thành công giao dịch Tín dụng thư (LC) trên nền tảng chuỗi khối (Block chain) giữa Công ty Cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân của Việt Nam – là bên mua và công ty INEOS Styrolution Korea của Hàn Quốc – là bên bán, hai doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất nhựa với thời gian trao đổi chứng từ chỉ mất 24 giờ, thay vì 5 – 10 ngày như trước đây.

Đây là giao dịch LC ứng dụng công nghệ Block chain thử nghiệm đầu tiên mà HSBC thực hiện tại Việt Nam và Hàn Quốc, và là giao dịch thứ 7 mà ngân hàng này tiến hành trên toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Giám đốc Tài chính của Duy Tân, giao dịch này có ý nghĩa rất quan trọng vì nó sẽ mở ra thời kỳ mới trong quy trình thương mại giữa các nước, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin giữa người mua và người bán với tốc độ ngày càng nhanh. Lợi ích từ thành công này đối với một doanh nghiệp có hoạt động thương mại quốc tế là rất lớn.

Còn theo ông Dirk Arhelger, Giám đốc Quản lý dòng vốn và Quan hệ Đầu tư của Tập đoàn INEOS Styrolution, ứng dụng công nghệ chuỗi khối nhằm đơn giản hóa quy trình tài trợ thương mại là bước đi hợp lý. Tính minh bạch của giao dịch này trên nền tảng Voltron có khả năng khiến các quy trình, vốn nặng về sử dụng giấy tờ như trước đây, trở nên rõ ràng và đơn giản. Nền tảng này sẽ giúp giao dịch Tín dụng thư trở nên nhanh và dễ dàng hơn.

Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam thì cho biết, giao dịch đột phá này đã minh chứng cho cam kết mạnh mẽ và khả năng của ngân hàng trong việc hỗ trợ thương mại xuyên quốc gia thông qua những nền tảng công nghệ.

Giao dịch được thực hiện ra sao?

HSBC cho biết, giao dịch được tiến hành từ đầu tới cuối trên một ứng dụng chia sẻ duy nhất là Voltron, một nền tảng sử dụng công nghệ Corda của R3, được thiết lập bởi 8 ngân hàng thành viên, bao gồm Ngân hàng Bangkok, BNP Paribas, CTBC, HSBC, ING, Natwest, SEB và Standard Chartered, cùng hợp tác với Bain, CryptoBLK và R3. Mục tiêu của nền tảng này là cung cấp một kênh duy nhất được đơn giản hóa nhằm hỗ trợ quá trình số hóa tài trợ thương mại, từ lúc phát hành LC cho tới xuất trình/trao đổi chứng từ.

Quy trình Tín dụng thư trên nền tảng Voltron mô phỏng theo quy trình Tín dụng thư hiện tại (thỏa thuận các điều khoản của LC, đề nghị, phát hành, thông báo, yêu cầu và chấp thuận sửa đổi, trình bộ chứng từ, giải quyết bất hợp lệ và yêu cầu thanh toán bộ chứng từ). Nhu cầu đối chiếu giấy tờ không còn nữa vì tất cả các bên được kết nối trên cùng một nền tảng duy nhất, với thông tin luôn được cập nhật tức thời, bởi vậy toàn bộ thời gian để trao đổi chứng từ được tiến hành trong vòng 24 giờ, thay vì 5 – 10 ngày như các giao dịch LC truyền thống.

Blockchain giúp ngân hàng thực hiện giao dịch L/C chỉ trong 24 giờ thay vì 10 ngày được hoạt động thế nào?  - Ảnh 1.

Công nghệ block chain thúc đẩy giao dịch L/C như thế nào?

Công nghệ Block chain liên quan đến cơ sở dữ liệu phân tán được lưu giữ trên một mạng lưới các máy tính liên kết trên cơ sở ngang hàng, các bên tham gia có thể chia sẻ và giữ các ghi chú giống nhau, được mã hóa theo cách thức phi tập trung. Công nghệ này, cuối cùng, là một tập hợp không ngừng gia tăng của các ghi chú ghi nhận toàn bộ các giao dịch, trong đó mỗi giao dịch tài chính là một ‘khối’. Với mỗi giao dịch mới, một khối được thêm vào, tạo nên một chuỗi thông tin vĩnh viễn. Không như sổ cái của ngân hàng, vốn tập trung và riêng tư, công nghệ Block chain có thể công khai hoặc riêng tư và được cấp quyền.

Công nghệ Block chain được cấp quyền hàng đầu dành cho tài trợ thương mại hiện nay có Hyperledger Fabric và R3 Corda. Cả hai đều dựa trên ý tưởng dữ liệu chỉ được chia sẻ với người tham gia trên cơ sở cần biết, thay vì truyền thông tin cho toàn bộ hệ thống. Công nghệ chuỗi khối cơ bản (Hyperledger Fabric, R3 Corda) cũng tương tự như hệ điều hành trên máy tính cá nhân (Mac OS, Windows,…) chỉ hỗ trợ những ứng dụng được phát triển cho nó.

Liên quan đến hoạt động LC, lý do chính khiến thời gian xử lý kéo dài trong các giao dịch Tín dụng thư truyền thống là nhu cầu trao đổi chứng từ thực, bao gồm cả việc thay đổi quyền sở hữu hàng hóa và giao tiếp riêng lẻ giữa các bên tham gia, các công ty vận tải, ngân hàng.… Những bước này có thể được chuyển đổi hoàn toàn thông qua công nghệ Block chain.

Theo đó, Block chain giúp giảm thời gian giao dịch LC bằng cách cho phép chuyển giao điện tử các chứng từ sở hữu hàng hóa và kết nối các bên trong một mạng lưới chuỗi khối duy nhất, cho phép cập nhật thông tin tức thời và loại bỏ thời gian xử lý kéo dài do quá trình trao đổi qua lại giữa các bên trong giao dịch LC.

Vì sao dùng Block chain trong giao dịch LC lại là bước tiến quan trọng?

Mặc dù hiện tại đã có giải pháp số hóa đối với chứng từ thương mại, bản chất tách biệt của chúng dẫn đến sự hình thành của cái mà Phòng Thương mại Quốc tế gọi là ‘các đảo kỹ thuật số’ (digital islands). Đó là do những giải pháp kỹ thuật số này vẫn cần được kết nối bằng giấy tờ. Công nghệ mới hứa hẹn sẽ cải thiện tốc độ, quy trình và hoàn toàn loại bỏ giấy tờ. Tuy nhiên, những lợi thế rõ ràng này đòi hỏi một mạng lưới phi tập trung, thể hiện bản chất phi tập trung của thương mại quốc tế. Đây chính là khi công nghệ Block chain được ứng dụng nhằm giúp quá trình này nhanh hơn, an toàn và đơn giản hơn.

Thành công của giao dịch do HSBC thực hiện giữa hai doanh nghiệp nhựa của Việt Nam và Hàn Quốc lần này đã giúp quá trình số hóa thương mại có một bước tiến quan trọng, nâng cao tính minh bạch và an toàn, giúp hoạt động kinh doanh đơn giản và nhanh chóng hơn, chứng minh tính khả thi về mặt vận hành và chi phí của công nghệ chuỗi khối nhằm thay thế cho những thủ tục giấy tờ truyền thống.

Trên thế giới hiện nay, ngoài Voltron còn có các dự án khác ứng dụng công nghệ Block chain trong giao dịch thương mại toàn cầu như eTradeConnect và we.trade.

Trong đó, eTradeConnect là một nền tảng Block chain vừa mới ra mắt, được tài trợ bởi 7 ngân hàng và được tạo điều kiện hoạt động bởi Cục Quản lý Tiền tệ Hồng Kông. Nền tảng này nâng cao hiệu quả và tính minh bạch thông qua việc số hóa chứng từ thương mại và tự động hóa quy trình tài trợ thương mại sử dụng đặc tính của công nghệ chuỗi khối. Thời gian từ lúc yêu cầu đến khi phê duyệt được rút ngắn trong giao dịch thử nghiệm – giảm từ 1,5 ngày còn 4 giờ. Dự kiến eTradeConnect cũng sẽ liên kết với các nền tảng thương mại khác trong những năm tới.

Còn we.trade là một liên doanh được thành lập bởi 12 ngân hàng, trong đó có HSBC, nhằm cung cấp một mạng lưới chuỗi khối cho các giao dịch thương mại trên tài khoản mở giữa các công ty tại các thị trường chính của châu Âu. Nền tảng này được giới thiệu thành công vào tháng 6/2018 với 7 giao dịch thương mại của 10 công ty ở 5 quốc gia được hoàn tất vào tháng 7/2018.

Theo Hằng Kim

Cùng chuyên mục
XEM