Bình Dương: Xây dựng thành phố thông minh từ mô hình Ba Nhà

06/08/2017 10:02 AM | Xã hội

Để xây dựng Bình Dương thành đô thị thông minh, Bình Dương đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm dựa trên nền tảng mô hình Ba Nhà, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, từ năm 2015, Bình Dương đã hợp tác với thành phố Eindhoven – Hà Lan để triển khai ý tưởng phát triển kinh tế xã hội theo mô hình hợp tác Ba Nhà ở Bình Dương, đồng thời xây dựng Đề án Chiến lược phát triển kinh tế xã hội hướng đến thành phố thông minh của Bình Dương. Đến ngày 21/11/2016, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Đề án “Thành phố thông minh Bình Dương”.

Chủ trương của tỉnh Bình Dương là tiếp thu và triển khai mô hình Ba Nhà ở Bình Dương, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của địa phương. Mô hình Ba Nhà tạo điều kiện cho sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước – Nhà Doanh nghiệp – Nhà trường. Mô hình Ba Nhà được xem là chìa khóa cho sự đổi mới và phát triển trong nền kinh tế trí thức và xã hội tri thức.

Nhà trường là nền tảng của xã hội tri thức, nhà trường nhận nhiệm vụ đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất mới và quảng bá nền kinh tế trí thức. Nhà nước và doanh nghiệp là cơ sở quan chủ yếu của xã hội công nghiệp. Doanh nghiệp là nhân tố chính tạo ra sản phẩm,, doanh nghiệp không ngừng đổi mới phát triển nhân lực đến một mức độ cao hơn. Nhà nước là tổ chức đảm bảo cho quá trình hợp tác và chuyển giao diễn ra một cách nhanh nhất và ổn định nhất. Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp dù có vai trò riêng nhưng đều có sự tương tác, cộng gộp trong mối liên kết Ba Nhà.

Bình Dương đang hướng đến xây dựng thành phố thông minh, hiện đại, xanh, sạch và thân thiện môi trường. Đồng thời Bình Dương tập trung cải cách hành chính toàn diện, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bình Dương đã và đang phát triển hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Tỉnh Bình Dương định hướng về xây dựng và phát triển đô thị thông minh được thông qua một Chương trình Chiến lược đột phá Bình Dương 2021 tầm nhìn đến năm 2030 mang tên Bình Dương Navigator 2021. Đây là một Chương trình hướng dẫn cụ thể cho việc triển khai Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, trong đó xác định và phân công cụ thể từng chương trình hành động cần thiết trong các lĩnh vực: Lực lượng lao động, nghiên cứu và phát triển, doanh nghiệp, quan hệ doanh nghiệp, môi trường, chất lượng cuộc sống và cơ sở hạ tầng. Trong đó con người là yếu tố trọng tâm của Đề án này.

Theo kế hoạch Bình Dương sẽ phát triển thành đô thị loại 1 trước năm 2020, mặc dù số dân không nhiều nhưng tỉnh đã xây dựng sẵn một cơ sở hạ tầng quy mô, tiên tiến, kể cả về công nghệ thông tin truyền thông. Tỉnh đã quy hoạch thành phố mới Bình Dương theo chuẩn quốc tế, phù hợp để trở thành một đô thị trung tâm hiện đại trong tương lai, nơi đáng sống và làm việc, thu hút nguồn nhân lực trí thức, chuyên gia. Thành phố mới Bình Dương được xây dựng để gắn kết người dân, chính quyền địa phương, viện trường, doanh nghiệp. Thành phố cũng là trung tâm liên kết các đô thị, các khu công nghiệp, các dịch vụ trong vùng.

Trước năm 2021, Vùng Thông minh Bình Dương (bao gồm 1 thành phố và 4 thị xã phía Nam của tỉnh) sẽ là khu vực tập trung phát triển nhằm giành được danh hiệu Smart21 – trở thành 1 trong 21 khu vực thông minh tiêu biểu trên thế giới trong năm đó, do Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới ICF công nhận.

Để xây dựng Bình Dương thành đô thị thông minh, Bình Dương đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp thu và triển khai một cách hiệu quả mô hình Ba Nhà, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp. Đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, gắn liền với thực tiễn, thúc đẩy kinh tế, công nghệ.

Xây dựng thương hiệu và xác lập vị thế của tỉnh Bình Dương, quảng bá, thu hút FDI trong các ngành sản xuất tiên tiến, có giá trị gia tăng cao. Thúc đẩy hợp tác trong chuỗi cung ứng, nhằm giải phóng tiềm năng của một lớn các ngành công nghiệp để tăng cường giá trị đóng góp cho các ngành này.

Tăng cường và nâng cao tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo, đặc biệt trong giới trẻ, bằng cách thiết lập các cơ sở hạ tầng cho vườn ươm doanh nghiệp, không gian sáng tạo, không gian thực nghiệm công nghệ, không gian thực nghiệm chế tạo và các không gian để có những thử nghiệm thực tế các ý tưởng sáng tạo.

Theo Khôi Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM