Bill Gates ngạc nhiên vì có ít người Mỹ trong vụ Panama Papers

14/04/2016 20:12 PM | Kinh doanh

“Tôi ngạc nhiên khi có ít người Mỹ đến thế trong vụ này”, Bill Gates nói...

Sự thiếu vắng các công dân Mỹ trong vụ rò rỉ tài liệu mật gây chấn động Panama Papers đã khiến nhà sáng lập hãng phần mềm Microsoft, tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates cảm thấy hơi nghi ngờ.

Panama Papers là vụ rò rỉ 11,5 triệu tài liệu nội bộ được mã hóa từ Mossack Fonseca, một công ty luật ở Panama. Được Hiệp hội Nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ) phanh phui, vụ việc này đưa ra ánh sáng những giao dịch tài chính bấy lâu được che giấu của nhiều chính trị gia, cá nhân siêu giàu và người nổi tiếng trên thế giới.

Giới truyền thô đã “mổ xẻ” kỹ vụ việc, nhưng hầu như chưa đặt ra câu hỏi vì sao lại có ít công dân Mỹ được đề cập trong vụ này đến vậy.

“Tôi ngạc nhiên khi có ít người Mỹ đến thế trong vụ này”, Bill Gates nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC tại Qatar.

“Bất kỳ khi nào làm hồ sơ hoàn thuế, bạn đều được yêu cầu kê khai tài khoản ngân hàng ở nước ngoài và tài sản mà bạn có. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người đều trả lời chính xác tuyệt đối những câu hỏi này”, Bill Gates nói.

Thông tin ban đầu cho thấy có hơn 200 người có địa chỉ ở Mỹ được đề cập trong Panama Papers, tạp chí Forbes cho biết tuần này. Tuy nhiên, ICIJ nói có hơn 214.000 công ty bình phong xuất hiện trong vụ rò rỉ tài liệu, liên quan đến các nhân vật ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho việc vì sao có ít người Mỹ trong “danh sách đen” này - bản danh sách có sự góp mặt của bạn bè Tổng thống Nga Vladimir Putin, người thân của Thủ tướng Anh David Cameron, cựu Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson...

Trong đó, có giả thiết nói rằng Mossack Fonseca không phải là một công ty luật được người Mỹ ưa chuộng.

Một số khác nói Mỹ có cấu trúc doanh nghiệp linh hoạt và các chương trình miễn giảm thuế của riêng mình.

Cũng có học giả nói công dân Mỹ rất dễ thành lập công ty bình phong ở một số bang ở chính nước này.

Trong khi đó, Bradley Birkenfeld, cựu giám đốc quản lý tài sản của ngân hàng Thụy Sỹ UBS, cho rằng vụ tấn công mạng nhằm vào Mossack Fonseca dẫn tới rò rỉ tài liệu có thể đã được thực hiện bởi một cơ quan tình báo của Mỹ.

“Cục Tình báo Trung ương (CIA), tôi tin chắc là họ đứng sau vụ này. Quan điểm của tôi là thế”, ông Birkenfeld nhận định.

Quan điểm này cũng tương tự như những gì mà truyền thông Trung Quốc và Nga nói về Panama Papers. Báo chí hai nước này cho rằng vụ rò rỉ tài liệu này có thể do phương Tây “đạo diễn” nhằm đánh vào uy tín của các nhà lãnh đạo không thuộc thế giới phương Tây.

Theo Thăng Điệp

Cùng chuyên mục
XEM