Biết trước thủ đoạn lừa đảo nhưng vẫn bị sập bẫy, 6 tài khoản ngân hàng "bay" luôn hơn 20 tỷ đồng

25/01/2024 17:04 PM | Xã hội

Thủ đoạn lừa đảo ngày càng diễn ra tinh vi, song thực tế, nhiều người dân dù được cảnh báo vẫn "sập bẫy", mất tiền trong tài khoản ngân hàng.

Bằng một cuộc gọi tự xưng là "công an" hay "cán bộ phường" yêu cầu người dân cập nhật dữ liệu cá nhân, nạn nhân truy cập vào đường link lạ theo hướng dẫn. Ít phút sau, tài khoản bay tiền tỷ. 

Hay thậm chí, không ít nạn nhân nhận được cuộc gọi video call. Đối tượng lừa đảo giả danh người thân, công an,… và sử dụng giọng nói giả để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền gấp. Đó chỉ là 2 trong rất nhiều hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hiện nay.

Các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng công nghệ cao hiện diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn về tài sản, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Tuy nhiên, nhiều người dân dù được cảnh báo nhưng vẫn "sập bẫy".

Biết trước thủ đoạn lừa đảo nhưng vẫn bị sập bẫy, 6 tài khoản ngân hàng "bay" luôn hơn 20 tỷ đồng - Ảnh 1.

Những vụ lừa đảo chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng diễn biến phức tạp và gia tăng. (Ảnh minh họa)

Theo Công an Thành phố Hà Nội, mới đây, tài khoản chứng khoán của một người dân tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) "bay" 3 tỷ đồng vì thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo tự dưng là "công an" để cập nhật phần mềm Dịch vụ công. 

Hay một người phụ nữ trú tại Tây Hồ, Hà Nội đã nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói bà N có liên quan đến vụ rửa tiền và buôn bán ma túy. Để phục vụ điều tra, đối tượng yêu cầu bà phải kê khai tài sản để chứng minh mình không liên quan. Do lo sợ nên bà N. đã chuyển 4,5 tỷ đồng vào tài khoản của đối tượng. Sau đó, bà N biết mình bị lừa nên đã cơ quan Công an trình báo.

Theo thống kê của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội, chỉ riêng trong tháng 01/2024, đơn vị này đã tiếp nhận đơn trình báo của 6 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 20,6 tỷ; bị hại bị chiếm đoạt nhiều nhất 15,3 tỷ đồng; ít nhất là 252 triệu đồng.

Trước diễn biến phức tạp và gia tăng các vụ lừa đảo trên không gian mạng, công an khuyến nghị người dân rằng: "Tất cả các cuộc gọi tự xưng là công an (ngoại trừ cảnh sát khu vực có số điện thoại công khai cho người dân biết) yêu cầu làm theo hướng dẫn đều là lừa đảo".

Người dân không nên hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân, thông báo có liên quan đến các vụ việc, vụ án…

Đồng thời không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận "phi thực tế" mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ "việc nhẹ lương cao"...

Người dân không kết bạn với người lạ. Khi có người lạ mặt trên mạng xã hội kết bạn làm quen, mời tham gia các hội nhóm mà không rõ là ai, mục đích thì không nên kết bạn, bắt chuyện, tham gia; không được cung cấp các yhông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng.

Đặc biệt, không chuyển khoản, khi các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền hay làm một số việc thì tuyệt đối không được làm theo.

Phía Công an các tỉnh cũng khuyến cáo, người dân phải thường xuyên cảnh giác, chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: thông tin thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội...

Đặc biệt, hãy liên hệ với công an khi có nghi ngờ, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở khẳng định nội dung thì các cá nhân phải báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý.


Theo Tùng Lâm

Cùng chuyên mục
XEM