Biệt đội giải cứu thức ăn tại Singapore

17/06/2019 15:12 PM | Kinh doanh

Cứ 2 lần mỗi tuần, Gary Lee lại tìm đến một nhà trẻ gần nhà ở trung tâm Singapore. Giám đốc hậu cần 36 tuổi tìm đến đây vì một lý do đặc biệt: thực phẩm. Anh thu gom lượng thức ăn mà lẽ ra nhà trẻ sẽ bỏ đi.

Trong một chuyến đi, Gary Lee thu được 2 thùng lớn gồm ngũ cốc, canh rau, và một hộp cá tuyết thái lát kèm nước sốt.

Lee, có mức lương ổn định và khả năng chi trả các bữa ăn, ước tính lượng thức ăn này có thể đủ cho gia đình anh trong từ 5 đến 9 bữa ăn, kéo dài khoảng 3 ngày. Anh thuộc một nhóm người ở Singapore đang nỗ lực theo cách riêng để giảm thiểu lượng đồ ăn lãng phí ở thành phố này.

Singapore thải ra 763.000 tấn thức ăn thừa trong năm 2018, tăng 34% so với 568.000 tấn năm 2008. Tỷ lệ tái chế đồ ăn thừa vẫn giữ ở mức thấp, dưới 17%.

Trong khi chính phủ Singapore coi đây là vấn đề quốc gia, các biện pháp toàn diện, như phương pháp của Lee, đang ngày càng được nhiều người đón nhận.

Các cá nhân tập hợp nhau qua mạng xã hội, tìm những cách sáng tạo - thậm chí có phần kỳ cục – để giảm thiểu lượng đồ ăn thừa. Với Lee, đó là thu gom thức ăn đã được chế biến để ăn, hoặc đem cho.

Giảm lãng phí đồ ăn

Lee biết đến nhà trẻ thông qua một nhóm có tên Food Rescue Singapore. Nhóm này tương tác chủ yếu qua ứng dụng trò chuyện Telegram, hoạt động với mục tiêu thu gom thức ăn thừa đã được chế biến từ các quán ăn và sự kiện lớn.

Mỗi ngày, thành viên sẽ đăng thông tin về những nơi có thức ăn thừa mà họ biết, hy vọng rằng sẽ có người đến thu gom chúng.

Một bài đăng ngày 22/5 chụp các bức ảnh thức ăn thừa gồm bánh mỳ kẹp, nem cuốn, bánh pizza và cánh gà nướng trong bữa tiệc buffet của một công ty. Người đăng bài ghi kèm địa điểm, cùng với lời nhắn: “Hãy mang theo thùng chứa riêng. Thức ăn sẽ được dọn sạch lúc 18h”.

Nhóm Telegram bắt đầu với chỉ 10 người năm 2017. Đến nay, nhóm đã có hơn 2.540 thành viên. Nhà sáng lập và trưởng nhóm Den Teo cho biết anh thường thấy đồ ăn thừa ở các hội nghị, sự kiện và đám cưới bị bỏ đi. Anh muốn thiết lập một nền tảng giúp người dân Singapore trao đổi các thông tin như vậy.

Anh đã chứng kiến những nỗ lực tương tự tại các trường đại học địa phương nhằm báo cho học sinh biết về lượng đồ ăn thừa miễn phí trong khuôn viên trường. Nhưng chưa có kênh thông tin nào đáp ứng được quy mô quốc gia, và Teo, một chuyên gia công nghệ thông tin ở tuổi 40, đã tìm cách thu hẹp khoảng cách này. Mục đích ban đầu của anh khá khiêm tốn.

“Đôi lúc những thực phẩm thừa có chất lượng không được cao, nên không thể đem tặng cho các trung tâm từ thiện. Nhưng những người trong nhóm có thể mang về sử dụng hoặc phân phối qua mạng lưới riêng của họ. Mục tiêu của chúng tôi là cứu lấy thức ăn và không lãng phí chúng – chừng nào thức ăn không bị vứt đi, thế là tốt rồi”, anh nói.

Lượng thức ăn thừa cũng không cố định – khi thì chỉ đủ bữa ăn cho một người, khi thì đủ cho hàng tá lao động ở nơi làm việc. Sự không thể đoán trước là một trong những thách thức chính trong nỗ lực giải cứu đồ ăn vì không có một kế hoạch rõ ràng – thức ăn thay đổi theo từng ngày, về chủng loại và số lượng.

Đã có trường hợp các tình nguyện viên thu được hàng túi cơm trắng tại một nhà hàng. “Những thành viên của chúng tôi chế biến lại, thêm trứng, rau và thịt để biến nó thành một bữa ăn hoàn chỉnh, sau đó đem tặng cho các lao động nhập cư tại một công trường”, Teo nói.

Một thách thức nữa là hiệu quả của việc giải cứu đồ ăn phụ thuộc phần lớn vào thời gian và địa điểm – nhóm nhận được lượng tương tác lớn mỗi cuối tuần, và các địa điểm thuộc trung tâm thành phố thường nhận được nhiều sự chú ý hơn.

Biệt đội giải cứu thức ăn tại Singapore - Ảnh 1.

Singapore có763.000 tấn thức ăn thừa trong năm 2018. Ảnh: SCMP.

Teo đang dần phát triển phương án thu gom có kế hoạch nhằm hạn chế vấn đề phát sinh bất ngờ. Anh khuyến khích người trong nhóm thông báo trước về sự kiện, để một số thành viên có thể chuẩn bị sẵn sàng.

Nhà trẻ là một ví dụ cho việc thu gom đồ ăn theo kế hoạch – cứ mỗi cuối tuần, sẽ có những người chờ sẵn để đến lấy thức ăn thừa. Người quản lý nhà trẻ cho biết từ khi có hoạt động này, cô không còn phải bỏ đi thức ăn thừa nữa.

Teo cũng đã tìm đến Eunice Leow, một người hướng dẫn 39 tuổi vừa mới kết hôn vào tháng 3 năm nay. Cả 2 người đều là thành viên của một nhóm trên Facebook hướng tới lối sống không lãng phí. Leow rất muốn giữ lại đồ ăn thừa tại đám cưới của cô, nhưng không biết làm cách nào.

“Den tìm đến tôi và giải thích việc anh ấy đang làm, sau đó hỏi tôi liệu có muốn nhóm của anh ấy thu gom đồ ăn tại đám cưới của tôi. Tôi trả lời: ‘Tất nhiên! Tôi không phiền chút nào’”, Leow nói.

Cô đã đặt buffet cho cả 2 bữa ăn trưa và tối, tổ chức tại nhà hàng và quán café, để dễ thu dọn đồ ăn. 2 tình nguyện viên đứng chờ ở mỗi bữa, có mặt tại địa điểm khi phần lễ kết thúc với các thùng đựng đồ ăn mang về.

Trong khi cô dâu chú rể rất hài lòng vì tránh được lãng phí đồ ăn tại lễ cưới, nhà hàng và quán cà phê lại không mấy thích thú với ý tưởng này. Trên thực tế, nhà hàng còn bắt các tình nguyện viên ký một cam kết miễn trừ trách nhiệm.

“Cả 2 địa điểm đều không ủng hộ ngay lập tức. Có vẻ như họ thà vứt đồ ăn đi còn hơn là để người dân đóng gói chúng và đem về nhà”, cô nói.

Chịu trách nhiệm cá nhân

Phản ứng này càng làm nổi bật vấn đề xử lý đồ ăn thừa. Các nhà cung cấp thực phẩm – kể cả những người thật lòng muốn cho đi thức ăn thừa thay vì đem bỏ chúng – sẽ không làm vậy do lo ngại các vấn đề về trách nhiệm.

Nhưng Daniel Tay, 41 tuổi, điều hành một dự án tình nguyện xử lý đồ ăn tập trung vào rau củ quả, đề xuất một giải pháp: chính phủ có thể ban hành luật Good Samaritan để bảo vệ các cơ sở quyên góp đồ ăn thừa.

“Nhưng người tiêu dùng cũng cần sáng suốt và thử nhìn-ngửi-nếm trước khi ăn bất kỳ thứ gì. Nếu bạn tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc này, nhiều khả năng bạn sẽ an toàn”, anh nói. “Chúng ta phải chịu trách nhiệm cá nhân nhiều hơn với thực phẩm mình ăn”.

Thành viên được đề cử của Nghị viện, Athena Ong đã đưa ra một để xuất tương tự tại quốc hội Singapore vào tháng 2.

Bà cho rằng luật pháp có thể khiến việc bỏ đi thức ăn vẫn còn dùng được trở nên tốn kém, buộc các cơ sở phải tìm ra giải pháp thay thế cho vấn đề thức ăn thừa. Đồng thời, họ nên được khuyến khích việc quyên góp thức ăn thừa, ví dụ như được giảm thuế khi quyên góp thực phẩm.

Tay, người được biết đến như một “freegan” của thành phố (người chỉ ăn và sử dụng thực phẩm hoặc đồ bỏ đi), đang điều hành SG Food Rescue.

Các tình nguyện viên thường tới các chợ bán buôn để thu gom rau củ quả ế thừa – kể cả các loại “xấu mã”, mà theo Tay là lý do chính dẫn đến lãng phí thực phẩm thương mại – để phân phối tới các tủ lạnh trong nhà dân hoặc tổ chức cộng đồng.

Nhóm của Tay đã thu được hơn 100.000 kg rau củ quả trong năm ngoái.

“Đây chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Chúng tôi chỉ xử lý rau quả, nhưng còn nhiều loại thức ăn khác bị lãng phí – trái cây, rau, thịt, thức ăn chín, thức ăn đóng hộp, thức ăn quá hạn và thức ăn gần hết hạn”, anh nói.

“Nhóm của tôi chỉ đi thu thức ăn từ một số quầy. Thử nghĩ xem ngay bây giờ có bao nhiêu đồ ăn đang bị lãng phí trong các khu chợ khắp đất nước”.

Ong nói những hành động này cho thấy sự thay đổi nhận thức giữa những người dân Singapore. “Tôi nghĩ sự thay đổi nhận thức bây giờ còn sâu sắc hơn là ‘Tôi sẽ không lãng phí đồ ăn’ hay ‘Tôi sẽ gọi đồ ăn vừa đủ’”.

“Bằng hành động của mình, các nhóm xử lý đồ ăn thừa đã giúp nâng cao nhận thức về chuỗi cung ứng và những lỗ hỗng tạo điều kiện cho sự lãng phí xảy ra một cách có hệ thống. Nhận thức này sẽ mang đến sự thay đổi trong tư duy dựa trên sự hiều biết rõ ràng về nguồn gốc thực phẩm mà chúng ta thường sử dụng”.

Biệt đội giải cứu thức ăn tại Singapore - Ảnh 2.

SG Food Rescue giải cứu được hơn 100.000 kg rau củ trong năm 2018. Ảnh: SCMP.

Dù SG Food Rescue quan tâm đến việc xử lý rau quả, nhóm này cũng tình cờ bắt đầu một mô hình kinh doanh nơi mọi người trao đổi thực phẩm qua lại – gồm cả thức ăn dở và thức ăn hết hạn.

Nhóm Facebook của SG Food Rescue đáng lẽ được dùng để lưu lại các hoạt động của họ, nhưng giờ đây được dùng chủ yếu như một nền tảng cho tặng. Thành viên sẽ đăng bài về các loại thức ăn họ không sử dụng nữa, và những ai có hứng thú sẽ liên lạc với họ.

Lướt qua nhóm Facebook có thể thấy mọi người cho đi các túi ngũ cốc, yến mạch ăn liền, chocolate, lon cá ngừ, đậu nướng và sữa tươi.

Một vài sản phẩm đã hết hạn, nhưng điều này không ngăn cản mọi người lấy chúng. Trong một bài đăng được ghim trên nhóm, Tay giải thích rằng hạn sử dụng của một sản phẩm có nghĩa là sản phẩm sẽ không được bày bán sau thời hạn đó, dù chúng vẫn còn an toàn để sử dụng.

“Đó là điều cơ bản nhất một người có thể làm về lãng phí thực phẩm – cố cho đi những thứ mình không dùng đến trước khi vứt chúng đi”, Tay nói.

“Việc này cũng giúp mọi người nhận ra rằng sẽ luôn luôn có người cần những nhứ bạn bỏ đi”.

Theo Minh Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM