”Biến” mới trên thị trường ô tô Việt: Cơ hội sở hữu ô tô giá rẻ năm 2018 đã khép vì giải thích về thuế TTĐB của Bộ Tài chính?

09/01/2018 16:47 PM | Xã hội

Trong tờ trình mới đây, Bộ Tài chính bày tỏ quan điểm không đồng thuận với đề xuất trước đó của Bộ Công thương về việc không tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với phần linh kiện ô tô sản xuất trong nước.

Tại khoản 1 Điều 6 Luật thuế TTĐB quy định: Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra.

Với quy định này, Bộ Công thương cho rằng chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chưa tạo điều kiện cho hàng sản xuất trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Do vậy, ngày 28/4/2017, Bộ Công thương đã có báo cáo số 34/BC-BCT về đánh giá ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam và các giải pháp phát triển, trong đó có báo cáo liên quan đến tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp so với mục tiêu đề ra.

Theo đó, để khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu, Bộ Công thương đề xuất thay đổi giá tính thuế TTĐB đối với xe sản xuất trong nước theo hướng không tính thuế TTĐB đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng) nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩn sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã đề xuất 2 phương án.

Phương án 1: Giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống được thực hiện theo quy định hiện hành. Theo đó, giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra (không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước).

Phương án 2: Thực hiện theo phương án đề xuất của Bộ Công thương, theo đó, giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, ở phương án 2, Bộ Tài chính thấy chưa phù hợp với các Quy tắc đối xử quốc gia NT nêu tại Điều III, Hiệp định GATT. Cụ thể:

Điều III khoản 1: Các bên ký kết thừa nhận rằng các khoản thuế và khoản thu nội địa, cũng như luật, hay quy tắc yêu cầu tác động tới việc bán hàng, chào bán, vận tải, phân phối hay sử dụng sản phẩm trong nội địa cùng các quy định định lượng trong nước yêu cầu có pha trộn, chế biến hay sử dụng sản phẩm với một khối lượng tỷ trọng xác định, không được áp dụng với sản phẩm nội địa hoặc nhập khẩu với kết cục là bảo hộ hàng nội địa.

Điều III khoản 5: Không một bên ký kết nào sẽ áp dụng hay duy trì một quy tắc định lượng nội địa nào pha trộn, chế biến hay sử dụng sản phẩm tính theo khối lượng cụ thể hay theo tỷ lệ, trực tiếp hay gián tiếp đòi hỏi một khối lượng hay tỷ lệ nhất định của bất cứ một sản phẩm nào chịu sự điều chỉnh của quy tắc đó phải được cung cấp từ nguồn nội địa. Thêm vào đó, không một bên ký kết nào sẽ áp dụng quy tắc định lượng trong nước theo cách nào khác trái với các nguyên tắc đã quy định tại khoản 1.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án 1, nghĩa là sẽ không có ưu đãi cho xe sản xuất trong nước sử dụng linh kiện làm ra trong nước. Vì vậy, cơ hội giảm giá xe do xe sử dụng linh kiện “made in Vietnam” khó trở thành hiện thực.

Trên thực tế, dù đã bước qua năm 2018 nghĩa là thuế suất nhập khẩu về 0% nhưng giá ô tô vẫn không giảm như kỳ vọng.

Nghị định 116 về điều kiện nhập khẩu, kinh doanh ô tô chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 được nhiều chuyên gia cho là sẽ tạo hệ luỵ trực tiếp, ảnh hưởng đến kinh tế, quyền lợi, quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Đơn cử như yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu khiến chi phí của doanh nghiệp đội lên khoảng 10.000 USD mà phần nhiều trong đó, đánh thẳng vào túi người mua.

Sự khan hiếm xe, ngay từ khi Nghị định chưa đi vào hiệu lực đã có ảnh hưởng nhất định khi lần lượt Ford Vietnam, Toyota Vietnam hay Honda Vietnam thông báo không rõ ngày xe về.

Nói với Trí Thức Trẻ, Chuyên gia Ngô Trí Long tỏ ra không bất ngờ với những diễn biến giá trên thị trường xe ô tô. Từ đầu năm 2017 đến nay, ông luôn giữ quan điểm: Người Việt Nam đừng mong mua xe giá rẻ, chỉ cần giá hợp lý.

Theo ông, đầu năm nay, tuy giá xe tuy có giảm đôi chút nhưng chỉ là hoạt động kích cầu vì quý I là quý người dân có nhu cầu cao nhất. Về lâu về dài, với những chính sách hiện có ô tô vẫn là mặt hàng xa xỉ so với đại bộ phận người Việt Nam.

Theo Nam Dương

Cùng chuyên mục
XEM