Biến động tỷ giá “phả hơi nóng” vào doanh nghiệp điện

08/11/2018 10:08 AM | Xã hội

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết năm 2019 có thể sẽ tăng giá điện do chi phí sản xuất gia tăng đặc biệt là khoản lỗ tỷ giá...

Áp lực đầu tư nguồn điện, nỗi lo tỷ giá luôn đè nặng các doanh nghiệp ngành điện, cùng với chi phí đầu vào tăng đẩy nguy cơ tăng giá điện đến gần hơn.

Theo dữ liệu tỷ giá của Vietcombank, tính từ đầu năm 2018 đến nay, tỷ giá VND/USD đã tăng tương ứng gần 2,7%, đồng VND/Yen Nhật tăng 2%,…

Với mức tăng giá này, những tập đoàn, doanh nghiệp có nợ ngoại tệ lớn sẽ chịu áp lực lỗ tỷ giá mạnh. Theo thống kê, tính đến 30/6/2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVM) đang vay nợ tài chính khoảng 397.466 tỷ đồng. Chỉ 6 tháng đầu năm 2018, lỗ tỷ giá của tập đoàn lớn nhất Việt Nam vượt 3.600 tỷ đồng; cùng kỳ 2017, EVN cũng gánh phần lỗ tỷ giá 4.951 tỷ đồng.

Cuối năm 2016, EVN cũng cho biết phần chi phí lỗ tỷ giá gần 9.000 tỷ đồng vẫn "treo" chưa được phân bổ vào giá điện. Theo đó, khoản lỗ tỷ giá này sẽ được phân bổ dần đến năm 2020. Như vậy, chưa phân bổ hết lỗ tỷ giá cũ, EVN đã và đang phải gánh thêm khoản lỗ tỷ giá mới.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) - đơn vị sản xuất điện lớn thứ hai cả nước chỉ sau EVN mới đây cũng công bố khoản lỗ tỷ giá 395 tỷ đồng trong quý 3/2018. Theo đó nguyên nhân là ngoài khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo quy định trong kỳ hoạt động quý 3, PV Power còn ghi nhận thêm khoản lỗ này trong giai đoạn 6 tháng đầu năm do Công ty TNHH MTV - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam bàn giao sang theo quy định về xử lý tài chính tại thời điểm chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần.

"Tổng công ty thực hiện đánh giá lại khoản mục tiền tệ có nguồn gốc ngoại tệ với số lỗ chênh lệch tỷ giá 124 tỷ đồng. Số lỗ này lại không được hạch toán vào kỳ kế toán 6 tháng đầu năm 2018 và được bàn giao cho công ty cổ phần. Khoản tiền này được hạch toán vào kỳ kế toán này nên làm giảm lợi nhuận trong kỳ", PV Power cho hay.

Chênh lệc tỷ giá cũng khiến một số công ty con của PV Power rơi vào thua lỗ như Công ty Cổ phần Thuỷ điện Dak Drink, Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Bắc Cạn…

Công ty Cổ phần Nhiệt điện Cẩm Phả - TKV trong quý 3/2018 tiếp tục lỗ thêm 102 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 69 tỷ. Luỹ kế 9 tháng, công ty này lỗ 303 tỷ đồng. Công ty giải thích nguyên nhân lỗ là do chênh lệch tỷ giá, chi phí khấu hao, lãi vay…

Cùng cảnh, Nhiệt điện Hải Phòng trong quý 3/2018 cho biết, chênh lệch tỷ giá đã "thổi bay" 142,7 tỷ đồng khiến công ty lỗ 148 tỷ đồng. Dù giá điện tăng cao, song doanh thu của Nhiệt điện Hải Phòng lại giảm 10% xuống 1.761 tỷ đồng.

Trong khi đó, Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết, sự biến động mạnh về tỷ giá VND/USD, tăng 2,79% so với đầu 2018 khiến lỗ tỷ giá tăng cao đạt 145 tỷ đồng. Khoản lỗ này đóng góp đáng kể vào số lỗ 311 tỷ đồng của Nhiệt điện Quảng Ninh trong quý 3.

Được biết, đến hết quý 3/2018, nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn của Nhiệt điện Quảng Ninh lần lượt ở mức 1.852 tỷ đồng và 6.232 tỷ, chiếm 58% tài sản doanh nghiệp này.

Doanh nghiệp điện khác là Nhiệt điện Ninh Bình trong quý 3 cũng báo lỗ 3,6 tỷ đồng còn Nhiệt điện Bà Rịa - Vũng Tàu cũng lỗ 19,3 tỷ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp ngành điện đều dùng đòn bẩy tài chính lớn bởi nhu cầu đầu tư nguồn điện cần dòng vốn lớn. Do đó, áp lực tỷ giá luôn đe dọa lợi nhuận, thậm chí "thổi bay" hàng ngàn tỷ khiến công ty rơi vào thua lỗ.

Mới đây trong cuộc họp Ban chỉ đạo Điều hành giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tiết lộ, theo chỉ đạo của Thủ tướng giá điện sẽ không tăng cuối năm 2018 nhưng  có thể được điều chỉnh trong năm 2019.

Lý giải cho việc dự tính giá điện phải điều chỉnh tăng trong 2019, ông Hải cho hay, do tổng chi phí bị tăng lên năm 2018 và 2019 của EVN khoảng 20.735 tỷ đồng. Trong đó, năm 2018 chi phí tăng thêm trong cơ cấu tính giá điện khoảng 5.483 tỷ đồng, gồm chênh lệch tỷ giá năm 2017 là 3.071 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ và giá khí trong bao tiêu theo thị trường tăng thêm 1.910 tỷ.

Dự kiến trong 2019, ngành điện ước tính phát sinh chênh lệch tỷ giá năm 2018 là 3.516 tỷ, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ, giá khí bao tiêu thực hiện theo thị trường năm 2019 tăng thêm khoảng 10.500 tỷ đồng...Tổng chi phí đội lên năm 2019 sẽ là 15.252 tỷ đồng. Cùng với đó là khoản chênh lệch tỷ giá treo lại từ năm 2015 dự kiến phân bổ cho năm 2019 khoảng 734 tỷ đồng.

Hiện giá điện bán lẻ bình quân đang là 1.720,65 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT). Lần tăng giá điện gần nhất là đầu tháng 12/2017 với mức tăng 6,08%.

Theo Bạch Dương

Cùng chuyên mục
XEM