Biến đổi khí hậu và cách các quốc gia làm truyền thông: “Tuổi nhỏ” làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình

02/10/2019 14:07 PM | Sống

Các nhà nghiên cứu đến từ bang Kansas, Hoa Kỳ và Việt Nam tiến hành phân tích hơn 37.000 bài báo từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng các thuật toán máy tính đã chỉ ra rằng yếu tố tác động mạnh nhất đến cách truyền thông của một quốc gia đưa tin về biến đổi khí hậu là tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người (GDP/người) của nước đó.

Những đợt nắng nóng kỷ lục, những trận mưa bão dữ dội, cháy rừng diễn ra với tần suất ngày càng dày đặc, cuộc khủng hoảng khí hậu không chừa bất kỳ mảnh đất nào trên thế giới. Tuy nhiên đi vòng quanh thế giới có thể nhận ra cách truyền thông về vấn đề nóng lên toàn cầu và những hệ quả của nó ở mỗi nước lại có sự khác biệt. 

Yếu tố số 1 tác động đến cách truyền thông một nước nói về vấn đề này là gì? 

Sự giàu có.

Theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Global Environmental Change, các nước giàu có xu hướng chính trị hóa vấn đề trong khi các nước nghèo thường xuyên đề cập đến biến đổi khí hậu như mối lo chung của quốc tế. Các nhà nghiên cứu đến từ bang Kansas, Hoa Kỳ và Việt Nam tiến hành phân tích hơn 37.000 bài báo từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng các thuật toán máy tính đã chỉ ra rằng yếu tố tác động mạnh nhất đến cách truyền thông của một quốc gia đưa tin về biến đổi khí hậu là tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người (GDP/người) của nước đó. 

Nói ngắn gọn: Cách truyền thông của một quốc gia đưa tin về biến đổi khí hậu phụ thuộc vào nguồn lực sẵn có của quốc gia để đối phó với nó. 

Các nước giàu: “Có chuyện gì à?”

Tin tức tại những nước giàu có bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc, Ireland, New Zealand và Tây Ban Nha tập trung vào các cuộc tranh luận chính trị về việc có nên sử dụng các nguồn tài nguyên dồi dào của quốc gia để giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu hay không.

Các nước giàu cũng có xu hướng coi hiện tượng này như một vấn đề khoa học và điều này khiến cho việc họ đổ nhiều tiền hơn vào các công trình nghiên cứu khoa học trở nên có lý. Nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra rằng không phải lúc nào khoa học cũng được mô tả một cách chính xác. Các hãng truyền thông ở các nước giàu thường nhấn mạnh tiếng nói của những người phản đối ý kiến được phần đông giới khoa học tán đồng rằng biến đổi khí hậu đang diễn ra và nguyên nhân của nó là do con người. (Sự đồng thuận này trong giới khoa học theo ghi nhận đã đạt ngưỡng trên 99%). 

Những người này cho rằng đây là hiện tượng mang tính định kỳ: Một nghiên cứu mới trên tạp chí Nature Communications chỉ ra trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2016, những cá nhân có tiếng nói nhất trong việc không tán đồng với phần đông giới khoa học trong vấn đề biến đổi khí hậu xuất hiện trên báo chí nhiều hơn 50% so với các nhà khoa học. 

Truyền thông ở những quốc gia phát triển “rất thích mâu thuẫn xảy ra” và có xu hướng “khắc họa biến đổi khí hậu như một vấn đề chưa được giải quyết ổn thỏa”, Vũ Tiến Hồng, tác giả chính của nghiên cứu so sánh các quốc gia giàu và nghèo đồng thời là trợ lý giáo sư chuyên ngành báo chí Đại học Kansas chia sẻ.

Biến đổi khí hậu và cách các quốc gia làm truyền thông: “Tuổi nhỏ” làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình - Ảnh 1.

Các nước nghèo: “Chúng ta phải cùng chung tay”

Trái lại, các nước nghèo như Gambia, Nigeria, Sri Lanka không đủ giàu có để phủ nhận biến đối khí hậu hay dễ dàng thích nghi với nó như cách các nước phát triển đang làm. Họ dựa vào các khoản viện trợ từ các nước giàu có hơn để tăng sức cho nỗ lực ngăn chặn những hệ quả của sự nóng lên toàn cầu, một xu hướng mà báo đài thường nhắc đến. Một bài xã luận trên Thời báo Fiji đầu năm nay nói rằng việc kiềm chế những tác động của biến đổi khí hậu đòi hỏi “nỗ lực toàn cầu”. Bài viết cũng phân tích những dòng tiền từ các công ty nước ngoài đổ vào khu vực Thái Bình Dương để giúp các nước này thích nghi với biến đổi khí hậu.

Yêu cầu các nước giàu có đóng góp nhiều hơn trong các biện pháp nhằm nỗ lực giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu mới nghe có vẻ mang hơi hướng từ thiện nhưng ban đầu những nước phát triển này cũng “đóng góp” nhiều CO2 vào môi trường hơn là các nước nghèo. Ngoài ra thì các nước phát triển nhìn chung có xu hướng hưởng lợi nhiều hơn khi trái đất nóng lên. Một nghiên cứu từ Đại học Stanford đầu năm nay chỉ ra rằng biến đổi khí hậu đang làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia, khiến cho các nước giàu thêm giàu và các nước nghèo càng nghèo hơn. 

Biến đổi khí hậu và cách các quốc gia làm truyền thông: “Tuổi nhỏ” làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình - Ảnh 2.

Mọi người: Quá ít giải pháp

Các nhà nghiên cứu tìm ra một số xu hướng khi tiến hành phân tích cách truyền thông các nước đưa tin. Sau khi đọc hàng nghìn bài báo, nhóm nghiên cứu của Vũ Tiến Hồng rút ra kết luận rằng chủ đề quen thuộc nhất khi truyền thông các nước đưa tin về biến đổi khí hậu là các quan hệ quốc tế, kế đến là ảnh hưởng của nó lên nền kinh tế. Chủ đề ít phổ biến nhất là gì? Tiến bộ xã hội. Chỉ 4% các bài báo đưa tin về sự thay đổi trong thói quen sống hay tiến bộ về mặt nhận thức trước tình hình trái đất nóng lên.

“Nhìn lại thì biến đổi khí hậu được đưa ra công luận bàn bạc đã 30 năm nay nhưng chúng ta vẫn chưa làm tốt công tác tuyên truyền,” Vũ Tiến Hồng chia sẻ. Tác giả hy vọng truyền thông có thể tìm ra biện pháp tuyên truyền để mọi người hiểu rằng đây là vấn đề cấp bách cần có sự vào cuộc của các chính sách thiết thực đồng thời khuyến khích mọi người ý thức được vai trò của mình trong việc khắc phục tình trạng hành tinh đang phải đối mặt, ngay cả khi điều này có thể gây ra nhiều tranh cãi. 

Phương Thảo

Cùng chuyên mục
XEM