Bị vỡ đầu nhưng không chết và bất ngờ trở thành thiên tài? Chuyện tưởng đùa hóa ra lại hoàn toàn có thực

13/07/2017 11:25 AM | Khoa học

Chỉ sau một chấn thương ở đầu, một người bình thường bỗng nhiên trở thành một con người hoàn toàn khác. Điều này được các nhà khoa học lý giải bằng một hội chứng kỳ lạ, mà người mắc phải có được khả năng tỏa sáng trên một lĩnh vực, nhưng phải trả một cái giá rất đắt.

Anh nhân viên bán hàng bỗng chốc thành thiên tài toán học

Jason là một nhân viên bán hàng ở Washington, ít quan tâm đến khoa học và cũng không có hứng thú với toán học. Trở về nhà sau một chấn thương ở đầu, gia đình hoàn toàn bất ngờ với tình trạng của anh.

Từ một người năng động, Jason thường xuyên rơi vào trạng thái suy nhược nặng, dễ nóng giận, và không thân thiện. Bên cạnh đó, Jason thường xuyên có những suy luận, giải thích về các sự vật xung quanh.

"Sau tai nạn năm đó, trong đầu tôi xuất hiện toàn những công thức, hình học. Mọi sự vật trước mắt tôi đều được phân tích dưới dạng hình học, các phương thức góc", Jason chia sẻ.

Từ đây, Jason thích thú với các mô hình phức tạp, mặc dù không qua bất kì trường lớp đào tạo hay lớp học nào liên quan. Jason trở thành một nhà nghiên cứu toán học và nổi tiếng với bức vẽ bàn tay hình học.

Tuy nhiên, Jason Padgett không phải là trường hợp duy nhất trên thế giới có khả năng thiên tài khi bị gặp vấn đề bất thường ở não.

Người đàn ông tự kỷ sở hữu trí nhớ siêu phàm

Kim Peek - một người mắc bệnh tự kỷ, luôn gặp khó khăn với những khái niệm đơn giản trong cuộc sống, nhưng lại sở hữu bộ não có khả năng ghi nhớ, phân tích tuyệt vời.

Ông thuộc lòng hàng ngàn quyển sách, lịch sử của các quốc gia trên thế giới, thậm chí là số điện thoại, mã vùng, tên đường... Kim Peek còn có biệt tài nghe những bản nhạc giao hưởng và biết được từng phân khúc được chơi bằng nhạc cụ gì, bè của các loại nhạc cụ ra sao.

Hình tượng của ông cũng được phát triển thành bộ phim Rain Man. Nhưng tới năm 2009, ông qua đời do nhồi máu cơ tim.

Anh chàng câm có khả năng ghi nhớ, vẽ lại dù chỉ nhìn qua 1 lần

Được biết đến với biệt danh "máy ảnh sống", Stephen Wiltshire nổi tiếng với khả năng ghi nhớ và vẽ lại các cảnh quan chính xác đến từng chi tiết dù chỉ nhìn qua 1 lần.

Năm 3 tuổi, ông gặp một chấn thương ở đầu và không thể nói. Nhưng ông đã nổi tiếng khi có những tác phẩm đầu tiên vẽ về quê hương mình.

Giải mã hội chứng khiếm khuyết - thiên tài

Berit Brogaard, một giáo sư tại Florida đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu rất nhiều về các trường hợp trên. Những hình ảnh quét não của Jason - anh chàng thiên tài toán học, đã từng khiến họ rất bất ngờ.

Hình ảnh từ máy quét cho thấy lưu lượng máu và oxy tuần hoàn trong não của Jason cao hơn người thường nhiều lần, não trái hoạt động rất mạnh. Đặc biệt là các khu vực có chức năng kết hợp hợp thông tin, tất cả đều hoạt động trên mức bình thường một cách kì lạ.

Dù đã có nhiều năm kinh nghiệm, nhưng Berit khẳng định chưa từng gặp trường hợp như vậy. Ông kết luận rằng sau chấn thương vùng đầu, Jason mất đi một số khả năng bình thường nhưng bù lại phần vỏ não lại hoạt động mạnh hơn.

Ông gọi đó là hội chứng bác học (Savant Syndrome), một hội chứng hiếm gặp và khác thường trên thế giới.

Trong đó, những người mắc hội chứng này thường có khiếm khuyết về tâm lý, tổn thương ở não khiến họ gặp khó khăn trong cuộc sống, như tự kỉ giống trường hợp của Kim Peek hay không thể nói như Stephen Wilshere, hay như Beethoven trở thành huyền thoại khi bị điếc.

Nhưng đồng thời, vùng não khác của họ phát triển vượt trội, giúp họ trở nên xuất chúng ở một lĩnh vực nào đó. Và đây được xem là "chứng bệnh" mà các thiên tài nghệ thuật, toán học hay khoa học không gian thường mắc phải.

(Tham khảo Livescience)

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM