Bí thư Hà Nội: Cứ làm cái gì khó là đổ lỗi cho ý thức người dân thì không được

15/03/2017 19:33 PM | Xã hội

“Vì các đồng chí biết đổ khách quan dễ nhất. Tôi vẫn nói, thường chúng ta làm gì khó chúng ta vẫn bảo đấy là do ý thức người dân. Thế là không được, thế thì anh thay dân cho tôi nhờ!”.

Đây là ý kiến của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy-HĐND-UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, quý 1-2017 diễn ra ngày 15/3.

Người dân đòi hỏi sự công bằng

Về công tác “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đánh giá bước đầu được nhân dân đồng tình, tuy nhiên trong quá trình thực hiện có mấy luồng thông tin.

“Cụ thể, đại bộ phận người dân ủng hộ, tuy nhiên có một số ý kiến phản ánh là vì cái chung thì chấp hành nhưng họ cũng đòi hỏi yêu cầu sự công bằng. Có nghĩa là dưới cơ sở, vẫn còn có những địa điểm người ta cho là của người này, người kia vẫn còn tồn tại… Do vậy, các đồng chí phải rà soát kỹ lưỡng, và chúng ta phải thực hiện một cách nghiêm túc” – Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo người đứng đầu chính quyền Thành phố, vẫn có một số người dân nghèo có tâm tư, nguyện vọng là trước mắt họ chấp hành, nhưng về lâu dài, Thành phố cần quy hoach chọn những tuyến phố, hoặc ngõ xóm để tổ chức bán hàng một cách trật tự quy củ để giải quyết những khó khăn trong cuộc sống gia đình.

“Vấn đề này, chúng tôi đề xuất đồng chí Bí thư giao cho một số Sở phối hợp với các quận huyện để rà soát đưa ra việc này sớm” – Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Trước đó, báo cáo trước hội nghị, ông Lê Văn Dục (Giám đốc Sở Xây dựng) cũng đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, như tại một số địa bàn đơn vị chưa tìm được giải pháp thực sự hiệu quả trong việc sắp xếp các hộ kinh doanh trên hè phố, lòng đường một số nơi vẫn bị lấn chiếm. Khi tổ chức ra quân thì xử lý tốt nhưng sau đó vẫn còn tình trạng tái phạm. Một bộ phận người dân vẫn còn vứt bỏ rác thải không đúng giờ và không đúng nơi quy định gây mất vệ sinh môi trường.

Chỉ ra nguyên nhân của tồn tại trên, ông Dục cho rằng đó là do công tác tuyên truyền mặc dù được chú ý nhưng còn có nơi, có chỗ người dân còn chưa tự giác thực hiện, thậm chí cố tình vi phạm các quy định về trật tự dựng, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán.

“Việc kiểm tra giám sát của các cơ quan đơn vị có nơi chưa được thường xuyên, thậm chí còn buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm không kịp thời xử lý. Chế tài xử phạt ở một số hành vi chưa đủ răn đe đối với người vi phạm”- ông Dục nhấn mạnh.

Bổ sung thêm về vấn đề này, ông Đinh Văn Toản, Phó GĐ CA TP Hà Nội cho biết thêm, mặc dù đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, Thành phố thành lập cả Ban chỉ đạo 197 về việc giữ trật tự lòng đường, vỉa hè…Theo đó, công tác tuyên truyền đã được quan tâm thực hiện, ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT, TTĐT, vệ sinh môi trường của người dân, cơ quan, DN đã có nhiều thay đổi, đa phần đều đồng tình ủng hộ chủ chương này.

Vẫn có trường hợp cố tình vi phạm

Tuy nhiên, vẫn theo ông Toản thì một bộ phận người dân ý thức chấp hành còn hạn chế (nhất là các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng ăn uống, trông giữ phương tiện liên quan đến hè phố, lòng đừng…). Số người này vì lợi nhuận nên vẫn cố tình vi phạm mặc dù được nhắc nhở, xử phạt nhiều lần.

“Khi phát hiện có đoàn kiểm tra thì chấp hành hoặc đóng cửa, tạm dừng hoạt động, khi không có đoàn kiểm tra thì hoạt động trở lại và tiếp tục vi phạm. Mặc khác, tại một số địa bàn, vệc thực hiện tuyên truyền, ký cam kết còn chưa đảm bảo yêu cầu, còn xảy ra tình trạng một số hộ dân phản ứng việc thi hành của lực lượng chức năng.

Điển hình vụ việc tại số nhà 168 Tây Sơn, Thịnh Liệt, Đống Đa một số người dân phản ứng yêu cầu của Tổ công tác Phường Trung Liệt. Cùng ngày BCĐ 197 quận Đống Đa đã tổ chức xác minh, họp rút kinh nghiệm về nội dung này” – ông Toản nhấn mạnh.

Kết luận hội nghị, Bí thư Hoàng Trung Hải đã bảy tỏ lời cảm ơn đối với người dân của TP đã đồng thuận, cùng chính quyền sắp xếp vỉa hè, hi sinh quyền lợi cá nhân vì sự nghiệp chung. Đối với công tác thực hiện Năm kỷ cương hành chính của Ban chỉ đạo 197, Bí thư Thành ủy đánh giá “vừa rồi làm hết sức bài bản, tôi đánh giá cao các bước chúng ta thực hiện. Khi các đơn vị ra quân nhiều nơi không phải làm nhiều vì dân tự sắp xếp lại. Nhận thức như thế là rất tốt, là điều chúng ta mong. Khi nhận thức của người dân nâng lên, cùng với nỗ lực của chính quyền thì mới đảm bảo thực hiện văn minh đô thị bền vững nếu không cũng chỉ mang tính hình thức”.

“Chúng ta đã làm điều này trong lịch sử ở Hà Nội không biết bao nhiêu lần rồi, chúng ta nghe những câu chỉnh trang đô thị, văn minh đô thị bao nhiêu lần rồi… nhưng phải bền vững. Tôi biểu dương UBND TP, các sở, ngành, lãnh đạo quận, huyện, xã, phường đã nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, Chỉ thị 08 và Ban chỉ đạo 197”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Bên cạnh những mặt tích cực, Bí thư Thành ủy cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà theo Bí thư thì “cũng còn rất nhiều”. Đó là, một số cấp ủy đảng, chính quyền trách nhiệm còn chưa thực sự được đề cao, chưa thực sự vào cuộc, chưa thực sự coi đó là việc của mình, vẫn đổ cho nguyên nhân khách quan nhiều.

“Vì các đồng chí biết đổ khách quan dễ nhất mà. Tôi vẫn nói, thường chúng ta làm gì khó chúng ta vẫn bảo đấy là do ý thức người dân. Thế là không được, thế thì anh thay dân cho tôi nhờ!” – Bí thư Hoàng Trung Hải nói.

Bí thư Thành uỷ cũng đánh giá, việc kiểm tra xử lý vi phạm còn chưa thường xuyên và chính điều này gây ra tình trạng lặp đi lặp lại, “bắt cóc bỏ đĩa”. Đặc biệt là, tình trạng tái chiếm lòng đường vỉa hè làm nơi kinh doanh vẫn còn xảy ra. “Có người nói, đầu phố Đoàn 197 đi thì cuối phố họ lại lao ra, lại vứt rác. Cho nên phải kiên trì, phải nhẫn nại, phải thường xuyên thì chúng ta mới đảm bảo được thành quả, kết quả chúng ta đã làm được” – Bí thư Hà Nội nói.

Bí thư Hà Nội đề nghị các cấp quận, huyện kiểm tra cấp phường xã, cấp Thành phố kiểm tra các quận huyện, đưa ra những tấm gương điển hình, có đánh giá và phê phán xử lý những cấp ngành thực hiện không tốt nhiệm vụ này.

Ông Đinh Văn Toản nêu: Sau ngày đầu ra quân (10/3), tình hình TTATGT, TTĐT trên địa bàn TP, nhất là tại 12 quận nội thành cơ bản đã có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã giảm rõ rệt. Tại các tuyến phố việc sắp xếp phương tiện đã gọn gàng, đúng quy định, các cửa hàng không còn bày hàng hóa ra hè phố, lòng đường, chỉ bày bán trong khuôn viên cửa hàng. Các bục bệ, mái che, mái vảy vi phạm hành lang giao thông, gây mất mỹ quan đô thị đã được người dân và các lực lượng chức năng tháo dỡ, phá dỡ đảm bảo “đường thông hè thoáng.

Tuy nhiên, do nhu cầu kinh doanh buôn bán, nhu cầu gửi, trông giữ phương tiện của nhân dân là rất lớn, đặc biệt là trong các quận nội thành, ở các khu vực phố cổ, phố cũ, bệnh viện, khu vui chơi giải trí cùng với cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nên việc rà soát, hướng nghiệp cho nhân dân, bà con lao động còn chưa đáp ứng được yêu cầu; một số đơn vị trong công tác kiểm tra, giải quyết vi phạm lòng đường hè phố chưa tập trung xử lý vi phạm về mái che, mái vẩy; công tác tuyên truyền chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên nên nguy cơ tái diễn vi phạm TTĐT còn rất cao.

Theo N.Huyền

Cùng chuyên mục
XEM