Bí quyết sống một đời hạnh phúc của GS Nguyễn Lân Dũng: “Sống khoẻ, Chết nhanh, Ít của để dành, và Nhiều người thương tiếc”

29/06/2017 10:48 AM | Nhân vật

Bài viết là chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng gửi tới cuộc thi "Hành trình Hạnh phúc" được tổ chức bởi Liên đoàn Lãnh đạo và Doanh nhân trẻ Hà Nội – JCI Hanoi, cùng với Dự án Sách và Hành động. CafeBiz là đơn vị truyền thông chính thức cho cuộc thi này.

BTC Cuộc thi đã nhận được sự chia sẻ từ GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng về “Bí quyết để sống một đời hạnh phúc hơn”. Xin kính mời độc giả cùng thưởng thức và chiêm nghiệm.

[Xem bài trước] Năm ấy là năm 1963, tôi 17 tuổi, bị cướp sạch tài sản trong đêm đầu tiên du học Pháp, hành trình hạnh phúc bắt đầu...


PV: Thưa Giáo sư, nghe nói Giáo sư có một bí quyết gồm 3 từ để sống một đời hạnh phúc, Giáo sư có thể chia sẻ về điều này không ạ?

- GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ cuộc sống thật là đơn giản. Cuộc sống như chiếc gương rộng mở. Đứng trước gương nếu ta cười thì thấy mình cười, nếu ta nhăn nhó thì thấy khuôn mặt thật đáng ghét. Vì vậy hãy yêu thương mọi người và nhìn mọi người ở những khía cạnh mà mình có thể học hỏi được.

Khổng Tử nói: “ Trong ba người cùng đi, tất có người là thầy ta. Hãy học theo cái hay, mà tránh cái dở”. Vì vậy phương châm sống của tôi là không ghét ai. Tôi cũng từng bị không ít người “ném đá”. Ví dụ khi bênh vực cô bé Huyền Chíp (nay đang là nghiên cứu sinh Thạc sĩ ở đại học danh tiếng Stanford) hay là khi bị ai tự đặt ra Facebook mang tên mình rồi tự đăng bài của người khác làm mình bị mang tiếng là mạo danh…

Tôi không bao giờ tìm cách hại lại người cố tình hại mình, chỉ coi đó là một kinh nghiệm mà thôi. Danh ngôn có câu: “Dù trong bất kỳ tình huống nào cũng không nên nói xấu người khác. Nếu cần chỉ trích thì nên nhớ chỉ những người quan trọng với mình mới xứng đáng với những nhận xét chân thật ấy”.

Suy ra thật đơn giản, chỉ cần “Không ghét ai” là tự thấy cuộc sống thêm thanh thản biết bao. Tất nhiên đừng suy luận với cả những kẻ thù của dân tộc, những kẻ tà tâm, ác ý với mọi người.”

- Nói về hạnh phúc, Giáo sư nhớ nhất đến khoảnh khắc hay câu chuyện nào?

- Đối với tôi thì rất nhiều giờ phút hạnh phúc. Đó là ngày cưới, ngày thành công khi tham gia cứu chữa thành công thương binh bị nhiễm trực khuẩn mủ xanh tại chiến trường đường Chín Nam Lào, ngày vợ tôi mang thai cháu Lân Hiếu mà an toàn trở về sau khi tham gia chiến trường Quảng Trị, ngày cháu Lân Hiếu trúng cử Quốc hội Khoá 14…

Nhưng nếu chỉ kể một chuyện thôi thì có lẽ là buổi tham dự bảo vệ bằng Tiến sĩ của cháu Nữ Thảo tại Đại học Utah (Hoa Kỳ). Bố thường cưng con gái và lại được chứng kiến cháu thực hiện một luận án thuộc lĩnh vực của mình mà nói thật tình là mình không hiểu hết nội dung (!). Cháu tổng hợp ra một hợp chất sinh học hoàn toàn mới mà tôi hỏi GS hướng dẫn là dùng để làm gì thì rất ngạc nhiên khi ông trả lời: “Đó là nhiệm vụ của các công trình nghiên cứu khác” (!). Tôi cảm động khi thấy trước một Hội đồng toàn các chuyên gia đúng chuyên ngành từ nhiều tiểu bang và cả một GS từ Nhật sang mà cháu đã bảo vệ một cách bình tĩnh, rành rọt. Sau một thời gian ngắn họp Hội đồng, các thầy vui vẻ thông báo cháu đã hoàn thành rất tốt và ngay tối hôm ấy Thầy hướng dẫn mở tiệc chiêu đãi (khác hẳn với ở nước ta).

Cháu về nước và cùng làm việc tại Viện mà tôi đã rất cố gắng để xây dựng thành một viện nghiên cứu cấp Quốc gia. Niềm vui to lớn của tôi đúng như lời các cụ thường nói: “Con hơn cha là nhà có phúc!”.

PV: Giữa thời nay và thời cách đây 20 – 30 năm, Giáo sư thấy xã hội thời nào hạnh phúc hơn?

- Tất nhiên là xã hội hiện nay rồi. Mặc dầu không ai có thể bằng lòng với các bất cập đang làm xói mòn lòng tin của không ít người trước sự lúng túng về con đường đi theo một định hướng không rõ rệt và ít giống ai. Nhưng so với vài thập kỷ trước đây nước ta đã có vị trí địa chính trị khác hẳn trên bình diện quốc tế. Tất cả các mặt giao thông, xây dựng đô thị, sản xuất hàng hoá, văn hoá, giáo dục, y tế… đều có những bước phát triển rõ rệt. Tuy chưa đủ làm hài lòng dân chúng, nhưng không ai có thể phủ nhận những tiến bộ rất rõ rệt trong đời sống so với thời bao cấp.

Tôi làm Chủ nhiệm “Chương trình tự nguyện đưa tiến bộ KHKTvào hộ nông dân” và tham gia cố vấn cho chương trình truyền hình “Sinh ra từ làng” cho nên tôi thấy rất rõ sự thay đổi trong mức sống của nông dân, mặc dầu họ vẫn luôn còn là tầng lớp thấp nhất và thiệt thòi nhất trong xã hội. Những tỷ phú chân đất là niềm kiêu hãnh của tất cả chúng ta và là những tấm gương sáng để đông đảo bà con nông dân noi theo.

- Tuy đã 79 tuổi, nhưng Giáo sư vẫn nhận lời mời của dự án Sách và Hành động để dành rất nhiều thời gian đi Bắc Ninh, Bắc Giang, thậm chí Thanh Hóa, Quy Nhơn để chia sẻ với hàng chục ngàn học sinh và giáo viên tại các trường cấp Trung học phổ thông. "Chia sẻ" có phải một trong những điều mang lại hạnh phúc cho Giáo sư?

- Thực sự đó là một niềm hạnh phúc mới mẻ và lớn lao đối với tôi. Tôi không ngờ mỗi buổi có từ hàng trăm đến hàng nghìn em chịu ngồi yên lặng để lắng nghe các câu chuyện tôi kể. Rất nhiều buổi nắng hay mưa nhỏ các em vừa ngồi che ô vừa nghe tôi kể chuyện. Sang phần đối thoại các em tranh nhau chạy lên tham gia, có em tuột cả dép, có em tôi phải từ chối vì kéo bạn chạy trước mình (!). Những cuốn sách tôi tặng các em nào có giá trị kinh tế gì đâu nhưng các em rất thích thú vì có chữ ký của tác giả. Rất nhiều em muốn chụp ảnh cùng và tôi vui vẻ đồng ý chụp chung với từng nhóm nhưng đành từ chối việc quá nhiều em xin chữ ký.

Tôi nhận ra để thực hiện các chương trình Kỹ năng sống hoặc ra mắt các Câu lạc bộ Sách và hành động các Thầy Cô tránh rao giảng đạo đức mà chỉ nên dùng hình thức kể chuyện mà thôi. Đông như thế thì khi các em đã không thích nghe sẽ không có cách nào giữ được trật tự đâu. Tôi chỉ băn khoăn là chưa tìm được các bạn sẵn sàng thay thế cho mình khi có các trường yêu cầu mà mình không có đủ thời gian để nhận lời.”

GS. Nguyễn Lân Dũng giao lưu với các em học sinh trường THPT Bá Thước – Thanh Hóa
GS. Nguyễn Lân Dũng giao lưu với các em học sinh trường THPT Bá Thước – Thanh Hóa

- Gần đây, Giáo sư có gặp gỡ ai hoặc đọc một câu chuyện nào mà mang lại sự tươi vui, hạnh phúc?

- Trong suốt tháng 6 tôi có dịp đi thăm nhiều trường Đại học và cơ sở văn hoá ở Canada và Hoa Kỳ, tôi thấy họ phần lớn thực sự hạnh phúc. Cơm áo gạo tiền không còn là nỗi lo của số đông dân chúng. Hàng hoá phong phú với sản phẩm của khắp thế giới. Trường học từ vỡ lòng đến Đại học đều được quản lý chặt chẽ để học sinh, sinh viên cảm thấy học thực sự là cho mình, cho tương lai của chính mình. Các nghiên cứu sinh có điều kiện đầy đủ để phát huy hết khả năng của mình. Với những thư viện đồ sộ như vậy thì sinh viên đâu cần viết vào phần Tài liệu tham khảo những bài báo mà mình thực ra đâu có được đọc (!).

Tất nhiên xã hội nào cũng có những mặt trái, ví dụ vẫn còn người ngồi ở bến xe, bến tầu ăn xin, vẫn đôi khi xảy ra trộm cướp… Nhưng nhìn chung là những xã hội an toàn vì hầu như không thấy mặt cảnh sát, trừ khi có sự cố nào đó xảy ra. Tất nhiên việc sử dụng súng tự do ở Mỹ và đôi khi có vụ bắn giết dã man là chuyện không ai chấp nhận được.

Theo tôi chúng ta cần phải suy nghĩ về bản chất của nền kinh tế thị trường để áp dụng những quy luật đúng đắn và tránh đi những cản trở thực tế còn tồn tại. Thấy họ thanh toán hàng hoá tự động trên máy, nộp phí giao thông tự động, mua xăng dầu tự động, mua vé giao thông tự động, ai cũng dùng điện thoại thông minh… thì càng thấy rõ chúng ta không thể đứng ngoài cuộc Cách mạng khoa học lần thứ tư (cách mạng 4.0) lâu hơn nữa.

Tác giả Thomas Friedman viết cuốn “Thế giới phẳng” nổi tiếng nghe nói đã viết tiếp cuốn “Thế giới nhanh” rồi. Chậm trễ trong thế giới nhanh khác gì tự trói mình lại?


Phương châm sống của tôi là: “Sống khoẻ, Chết nhanh, Ít của để dành, và Nhiều người thương tiếc”

Phương châm sống của tôi là: “Sống khoẻ, Chết nhanh, Ít của để dành, và Nhiều người thương tiếc”

- Những người quen biết đều nói rằng Giáo sư có lịch làm việc dày đặc mặc dù đã về hưu từ rất lâu rồi. Tuy bận rộn vậy nhưng Giáo sư luôn giữ được nét hạnh phúc trong cuộc sống. Mong được Giáo sư chia sẻ thêm 3 bí quyết dành cho những người bận rộn để có cuộc sống hạnh phúc?

- Có bí quyết gì đâu? Muốn thanh thản đừng có quá nhiều tham vọng vượt quá khả năng của mình. Sức khoẻ còn quý hơn vàng nhưng đừng nghĩ rằng nghỉ ngơi hoàn toàn sẽ có lợi cho sức khoẻ. Mình đã tích luỹ cả đời rồi mà bây giờ không sử dụng một cách có ích những kiến thức, những kinh nghiệm cho các bạn trẻ, cho bà con nông dân thì thực là phí phạm.

Sau khi đã hoàn thành các bộ giáo trình và các sách tham khảo cho sinh viên tôi tự cảm thấy về chuyên môn sâu các bạn trẻ ở Viện chúng tôi đã thực sự giỏi hơn mình rồi. Giờ thì chỉ tư vấn cho các bạn ấy về kinh nghiệm và hỗ trợ về các mối quan hệ mà thôi. Vì vậy tôi chuyển sang viết sách phổ biến khoa học cho các nhà xuất bản Trẻ, Nông nghiệp, Phụ nữ và đã viết được trên 50 cuốn rồi. Tôi rất vui vì được bạn đọc hưởng ứng nên nhiều cuốn đã phải tái bản đến 5-10 lần (!).

Bận rộn là niềm vui, là cách làm cho đầu óc không trì trệ và buộc mình phải thường xuyên cập nhật, bổ sung thêm vốn kiến thức mới mẻ. Tuy nhiên cần giữ nguyên tắc là không làm việc quá sức và uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bệnh viện (tôi đã có hai stent trong động mạch vành ở tim rồi). Bất cứ lúc nào tôi thấy hơi mệt là nghỉ ngay dù đang có dở dang công việc và luôn tránh các công việc cần gắng sức (không đi nhanh, không bước nhanh lên cầu thang…).

Về ba cẩm nang sống mà nhiều bạn cho là của tôi thực ra là tôi đọc được ở đâu đó mà cảm thấy rất đúng. Đó là: “Sống khoẻ, Chết nhanh, Ít của để dành, và Nhiều người thương tiếc”. Chết nhanh là đừng kéo dài đời sống thực vật mà làm khổ cho người thân và tốn công cho thầy thuốc. Có ít của để dành cho con cháu cũng tốt, nhưng đừng ky cóp để lại quá nhiều mà làm hư con cháu. Ông bà Bill Gates giàu nhất thế giới qua suốt 14 năm qua vậy mà đã viết di chúc để lại cho mỗi con chỉ có 10 triệu USD đấy thôi. Các con ông bà sẽ rất hạnh phúc khi biết phần lớn của cải làm ra ông bà ấy đã cống hiến cho các lợi ích lớn lao của nhân loại.

Cuộc sống hạnh phúc chủ yếu là do mỗi chúng ta tự tạo nên và khi mỗi người đều tự cảm thấy hạnh phúc thì cả đất nước sẽ hạnh phúc.

PV: Xin trân thành cảm ơn Giáo sư về những chia sẻ rất tuyệt vời vừa rồi. Xin kính chúc Giáo sư luôn mạnh khỏe và hạnh phúc!

Cuộc thi viết “Hành trình Hạnh phúc” được tổ chức bởi Liên đoàn Lãnh đạo và Doanh nhân trẻ Hà Nội – JCI Hanoi, cùng với Dự án Sách và Hành động. Cuộc thi diễn ra từ ngày 20/3/2017 đến ngày 31/8/2017 với gần 30 giải thưởng, tổng giá trị lên tới 145 triệu VNĐ tiền mặt. Cuộc thi là nơi để mọi người dân Việt Nam sẻ chia những khoảnh khắc, kể lại những cảm nhận, hoặc đưa ra những quan điểm, góc nhìn đóng góp vì một cộng đồng hạnh phúc hơn!

CafeBiz là đơn vị truyền thông chính thức cho cuộc thi này.

Thông tin cuộc thi xem thêm tại Website: www.hanhtrinhhanhphuc.org, hoặc trang Facebook: www.facebook.com/hanhtrinhhanhphuc.org

Hành trình Hạnh phúc

Cùng chuyên mục
XEM