‘Bí quyết’ khởi nghiệp thành công của các nữ cường nhân (phần 2)

21/04/2019 10:02 AM | Kinh doanh

Theo các nữ doanh nhân thành đạt, khởi nghiệp ngay sau khi ra trường chẳng có gì sai, chỉ là khả năng thành công sẽ không cao, nhất là trong vài ngành đặc thù như lĩnh vực logistics. Tốt nhất, hãy làm thợ trước khi làm thầy.

Trong vài năm gần đây, phong trào khởi nghiệp đang nở rộ ở Việt Nam. Sau khi ra trường, không ít bạn trẻ, thay vì đi làm công ăn lương như anh cha ta trước đây, đã vội làm ông chủ. Theo nhiều nữ doanh nhân thành đạt, đều này không hẳn đã sai, nhưng khả năng thất bại cao.

Bởi, rõ ràng ta chưa tích lũy đủ kinh nghiệm sống lẫn làm việc để có thể khởi nghiệp và thành công . Lý tưởng nhất vẫn là nên đi làm công vài năm trong lĩnh vực mà mình định khởi nghiệp và khi đã chuẩn bị đủ tâm lực lẫn kiến thức rồi, hãy bắt đầu hành trình tạo sự nghiệp riêng cho bản thân.

Chị Nguyễn Thị Thùy Trinh – CEO Công ty PT Transport Logistics là một trong những người đã khởi nghiệp thành công theo công thức kể trên.

Cách đây khá lâu, sau 8 năm đi làm cho các công ty về dịch vụ logistics khác nhau, chị Thùy Trinh đã đứng ra thành lập PT Transport Logistics. Ngay từ những ngày đầu thành lập công ty, nữ doanh nhân này đã tự đặt cho mình 3 nhiệm vụ: tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho nhiều người, mang về nhiều doanh thu và lợi nhuận, xây dựng và phát triển thương hiệu PT Transport Logistics lan tỏa ra khắp cả nước và quốc tế.

Trong những ngày đầu lèo lái con thuyền PT Transport Logistics, dù kinh nghiệm trong lĩnh vực này rất dồi dào, song chị vẫn gặp rất nhiều khó khăn và khó khăn lớn nhất là làm sao thuyết phục được khách hàng tin vào chị - tin vào PT Transport Logistics.

"Với những công ty startup trong lĩnh vực dịch vụ logistic, nhiệm vụ khó khăn nhất trong những ngày đầu thành lập là làm sao khiến khách hàng có thể tin tưởng mình để giao những món hàng trị giá hàng tỷ đồng cho mình vận chuyển. Vì lúc đó, ngoài niềm tin, các startup chẳng có gì để bảo đảm cho khách hàng. Ngoài ra, phải khi đối tác tin mình thì mình mới có cơ hội phục vụ họ, để chứng minh dịch vụ của mình tốt hơn đối thủ khác như thế nào", chị Thùy Trinh chia sẻ.

Thế nên, với chị, trong giai đoạn khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu cá nhân là quan trọng nhất. Ngoài liên tục trau dồi kiến thức, chúng ta cần phải không ngừng rèn luyện khả năng ăn nói, hoàn thiện dáng vẻ bên ngoài – phong cách ăn mặc…, ngày càng nâng cấp bản thân. Chúng ta phải thật sự đam mê với lĩnh vực mà mình kinh doanh cũng như tin vào sức mạnh của bản thân, chỉ có như thế chúng ta mới có thể truyền những điều đó cho khách hàng và khiến họ tin tưởng vào chúng ta, sử dụng dịch vụ của công ty.

Thiếu vốn hay kinh nghiệm, chúng ta đều có thể nhờ sự trợ giúp từ xã hội, chỉ có thương hiệu cá nhân là thứ chúng ta phải tự mình xây dựng và nếu chưa trải đời, chưa "nằm gia nếm mật" với nghề thì rất khó để nói đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Thế nên, trong lĩnh vực dịch vụ logistics, khởi nghiệp ngay khi mới ra trường sẽ rất khó thành công.

Là người đã 3 lần khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics, chị Phạm Thị Bích Huệ - Chủ tịch cảng Quốc tế Long An, hoàn toàn đồng ý với quan niệm của chị Thùy Trinh.

‘Bí quyết’ khởi nghiệp thành công của các nữ cường nhân (phần 2) - Ảnh 1.

Chị Phạm Thị Bích Huệ - Chủ tịch cảng Quốc tế Long An

Theo chuyên gia kỳ cựu trong ngành logistics này, thì không phải ai cũng có khả năng làm chủ, khi chúng ta chưa am hiểu lĩnh vực mà mình yêu thích thì nên làm thợ trước khi làm chủ, nên lập nghiệp trước khi khởi nghiệp, nếu không sẽ trả giá đắt. Bởi, với hành trình khởi nghiệp, nhiều khi đam mê thôi chưa đủ!

Bên cạnh đó, bà cũng cho rằng, logistics là một lĩnh vực thú vị để khởi nghiệp, vì " ngành logistics chính là nhiệt kế đo sức mạnh kinh tế của một quốc gia trong từng thời kỳ". Muốn khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực logistics ở thời điểm hiện tại, chúng ta cần phải tìm những mô hình kinh doanh hoặc là ngách thị trường mà chưa ai làm. Như chúng ta đều biết, lợi thế của người đi tiên phong là vô cùng lớn!

Tất nhiên, đầu kiện tiên quyết vẫn là chúng ta phải rất am hiểu thứ mà chúng ta chọn để khởi nghiệp, bà Bích Huệ lần nữa nhấn mạnh.

Để làm rõ hơn vấn đề, chị Lê Hoàng Uyên Vy – CEO ESP Capital, đã kể lại những ngô nghê của bản thân trong buổi đầu khởi nghiệp, để thấy sự thiếu hiểu biết hay kiến thức trong nghề đáng sợ như thế nào.

CEO ESP Capital tiết lộ, ngay từ năm 13 tuổi, khi học lớp 8, chị đã bắt đầu tập tành kinh doanh, đầu tiên là làm website – flash, sau này là hosting – dịch vụ lưu trữ dữ liệu online.

Lúc đó, nghĩ là dịch vụ cho thuê hosting đang nóng, chị Uyên Vy đã gom hết tiền thuê lại host của một công ty Mỹ có trụ sở tại Ấn Độ. Tuy nhiên, sau khi thuê về, chị mới biết mình ngây thơ, vì đúng là nhu cầu thị trường rất nhiều, nhưng chẳng ai dám thuê host của một người vô danh như chị. Vì host là nơi lưu trữ dữ liệu, nên khách hàng chỉ tin vào những doanh nghiệp có tên tuổi.

Rồi do không có tiền làm thương hiệu, chị Uyên Vy nghĩ ra cách làm ít tốn tiền mà hiệu quả là cho miễn phí cho học sinh – sinh viên và tự viết ra một script – kịch bản chia host, giúp họ có thể đăng ký tự động. Sau đó, một ngày nọ, có báo đăng về dịch vụ cho thuê host miễn phí của chị Uyên Vy; 5 giờ chiều cùng ngày báo ra, hệ thống host của chị Uyên Vy bị đánh sụp, vì có ai đó ‘vui tay’ vào viết một script khác. Nhiều khách hàng trả tiền và cả không trả tiền gọi điện đến hỏi: tại sao họ lại không vào được host?

Email cho bộ phận dịch vụ của công ty mà chị thuê host ở Ấn Độ nhờ họ hỗ trợ, thì bên đó báo lại rằng: chị Uyên Vy đang làm việc bất hợp pháp, người thuê không được tự ý chia nhỏ host ra như thế. Trong 3 ngày, chị Uyên Vy không dám nghe điện thoại vì quá sợ hãi không biết phải giải quyết hậu quả như thế nào. Tuy nhiên, đến ngày tư, chị đã gượng dậy, email lại cho bên Ấn Độ, trình bày hoàn cảnh, năn nỉ họ khôi phục lại host và mọi chuyện đã được giải quyết.

"Kinh nghiệm mà tôi rút ra sau cú vấp đầu đời này là: nếu mình gây ra lỗi phải tự đứng ra giải quyết vấn đề, vì nếu tôi không nghe máy hay không chịu email lại cho bên Ấn Độ, thì mọi chuyện chẳng bao giờ giải quyết được. Và thật ra, mọi chuyện không quá tệ như tôi tưởng tượng trong 3 ngày trốn ở nhà.

Khi làm bất cứ lĩnh vực nào, phải trang bị đầy đủ kiến thức, đừng chết vì thiếu hiểu biết. Sau này, mỗi khi đụng tới hosting, việc đầu tiên của tôi nghĩ đến là phải bảo mật. Với tôi, khởi nghiệp thất bại là chuyện như kiểu mình chơi game rồi bỏ đi đâu đó và nhân vật bị quái vật đánh, hết máu nên chết, thế thôi. Khi chúng ta quay lại, sẽ hồi sinh nhân vật – tiếp tục chiến đấu để lên level cao hơn", chị Uyên Vy ví von.

Linh Đan

Cùng chuyên mục
XEM