Bí quyết chê nhân viên mà vẫn được họ yêu quý, thậm chí làm việc máu hơn (P2)

10/09/2016 10:37 AM | Kinh doanh

[Xem bài trước: Khen thì dễ, chê mới khó, nhà quản lý phải làm sao để chê nhân viên hiệu quả?]

Chê nên hướng tới việc cho người khác thấy đó là hành động phổ biến, người chê và người bị chê đều có thể cùng mắc phải

Câu thường dùng:

Việc này trước đây anh cũng từng mắc phải, …

Việc này có thể xảy ra với bất kỳ ai….,

Chuyện này không khó hiểu nhưng anh cần mình nói chuyện để làm rõ,…

Khi chúng ta đứng cùng phía và thừa nhận lỗi này là phổ biến thì sự thừa nhận lỗi từ phía người nghe sẽ dễ dàng hơn.

Chê nên dùng những tính từ từ nhẹ tới nặng

Cái này tùy thuộc vào thái độ phục thiện của người nghe, tránh trường hợp do dùng từ nặng quá ngay từ đầu mà thành ra khơi dậy sự hận thù cá nhân không cần thiết. Tùy theo thể hiện biết lỗi hay không của người nghe, người nói sẽ có những tính từ tăng dần.

Ví dụ: Không phải việc anh mong đợi/Anh không dự kiến sẽ gặp việc này/ Việc này không ok cho lắm/Việc rất không hay/Cái đó không ổn/….

Chê nên đi được liền sau đó là hành vi đúng để cá nhân bị chê chỉnh sửa

Cuối cùng, chê cũng là để người khác khá hơn lên và cho họ cơ hội chỉnh sửa chứ không phải là để “đoạn tình tuyệt nghĩa”.

Do đó chê xong thì phải cho họ thấy nên làm gì tiếp theo, và theo ý của cá nhân tôi thì tốt nhất là để họ ghi lại hoặc chuẩn hóa thành quy trình để tránh việc lỗi đó lặp lại ở các lần tiếp theo.

Trong một số trường hợp, chê là hành vi kích thích tinh thần chứ không phải để hướng tới hành động cụ thể

Ví dụ: sếp muốn tạo ra sự thân thiết với nhân viên, khi đã biết chắc nhân viên nể và quý mình, thì có thể ra lời hơi nặng một chút, vì chỉ có “thân nhau thì mới nói như thế!”. Đội sales hay áp dụng cách này: Ơ, thằng này, sao mày làm dốt thế em?

Chê cũng là để đối tượng cân bằng lại

Nghe khen thì thích thật,nhưng nghe nhiều quá thì có nhiều người có xu hướng trở nên chán các lời khen và coi đó là điều hiển nhiên. Do vậy mà họ sớm trở thành sao và thường là “sao chổi”.

Xen lẫn trong các lần khen, chê làm cho người nghe thích thú vì thấy thay đổi cảm giác và thấy chúng ta thật lòng nhiều hơn. Sau cùng, thỉnh thoảng ”Đổi món” làm cho lần khen sau sẽ trở nên hiệu quả hơn!

Nếu lỗi chưa quá lớn

Khi đó lời chê, thậm chí trước mặt đám đông có thể nói nhưng là kết hợp với sự bông đùa nhẹ nhàng để mọi người hiểu ý nhưng không bị tự ái.

Ví dụ: Anh X có thể vui lòng giải thích vì sao mà anh có thể tạo ra một doanh số trừu tượng, kỳ vĩ như vậy không?

Cơ hội lý giải

Chê bao giờ cũng vậy, phải làm cho đối tượng tâm phục, khẩu phục dù rằng điều này không hề dễ dàng. Muốn vậy, trong suốt quá trình nói chuyện chúng ta phải thăm dò để xem đối tượng đang cảm thấy ra sao về việc họ bị chê.

Thường thì nên cho họ có cơ hội giải thích về lỗi họ phạm phải trước khi chê. Vì như thế chúng ta đo đếm được cảm xúc của họ, sau đó biết nên tác động ở mức độ nào là phù hợp.

Đỗ Xuân Tùng

Cùng chuyên mục
XEM