Bị nói là tỷ phú mà tính toán tiết kiệm không mua máy bay, ông Phạm Nhật Vượng thẳng thừng: "Cái gì đáng thì bao nhiêu cũng đầu tư, nhưng không đáng thì một đồng cũng không tiêu"

02/02/2024 08:17 AM | Sống

"Cái gì đáng thì bao nhiêu cũng đầu tư, nhưng không đáng thì một đồng cũng không tiêu...Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài được", ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup nói.

Ông Phạm Nhật Vượng: “Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài”

Những câu chuyện cuộc sống được chia sẻ từ các doanh nhân luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhất là đối với các nhân vật tên tuổi, tầm cỡ quốc tế nhưng lại ít khi xuất hiện trước truyền thông. Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup là một trường hợp như vậy.

Nhớ lại cách đây chỉ vài năm, giới phóng viên ngay cả muốn có được một tấm ảnh của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng rất hiếm hoi. Tuy nhiên, đầu năm 2018, ông Vượng xuất hiện đầy bất ngờ trong bài một bài phỏng vấn trên báo Thanh Niên sau khi lọt vào Top 500 người giàu nhất thế giới do Forbes bình chọn cũng như đánh dấu bước ngoặt quan trọng của tập đoàn này khi chính thức công bố và thực hiện khát vọng xây dựng một thương hiệu ô tô Việt ra toàn cầu.

Cuộc trò chuyện với tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhanh chóng gây "bão" bởi rất nhiều triết lý kinh doanh, cách sống đã được Chủ tịch của Vingroup tâm sự qua lối nói chuyện chân thật nhưng không kém phần dí dỏm.

Bị nói là tỷ phú mà tính toán tiết kiệm không mua máy bay, ông Phạm Nhật Vượng thẳng thừng: "Cái gì đáng thì bao nhiêu cũng đầu tư, nhưng không đáng thì một đồng cũng không tiêu" - Ảnh 1.

Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup

Người ta bất ngờ rằng, ông Vượng thẳng thắn nói không có "cảm xúc" với danh hiệu mà chỉ quan tâm đến việc bản thân "làm được cái gì cho đời, mang lại cái gì cho xã hội, cho khách hàng hoặc nói rộng ra là cho dân mình".

Với khối tài sản khi ấy lên tới 4,3 tỷ USD, song khi đề cập đến việc "tự thưởng cho mình món quà", ông Vượng cho biết: "Chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó" "không có nhu cầu gì nhiều, cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, xe cộ đều có rồi".

Ngay cả như việc mua máy bay riêng giống như các đại gia khác, ông Vượng cũng cho biết, "Người ta bay suốt ngày thì mới mua chứ tôi không đi đâu mấy, mua máy bay tính ra sẽ lỗ thì mua làm gì".

Thấy vậy, phóng viên mới thốt lên rằng: "Là tỉ phú đô la, sao ông lại tính toán đến vậy?". Ông Vượng liền thẳng thắn đưa ra quan điểm: "Cái gì đáng thì bao nhiêu cũng đầu tư, nhưng không đáng thì một đồng cũng không tiêu. Giả sử mua máy bay thì tôi sẽ mua máy bay để cho thuê, lâu lâu đi một chuyến. Nó phải trở thành dịch vụ chứ mình không thể lãng phí mua rồi bỏ đó. Nếu làm chỉ để tiêu, chỉ để có cái nọ, cái kia thì tôi phải dừng lâu rồi. Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài được".

Có thể nhiều người sẽ chê ông Vượng quá chi li, nhưng thực tế thói quen tiết kiệm là một bài học cuộc sống mà rất nhiều tỷ phú trên thế giới duy trì và đề cao.

Chẳng hạn mới hôm qua thôi, người dùng mạng xã hội ngạc nhiên trước hình ảnh tỷ phú Jeff Bezos đang làm việc trên chiếc bàn tự chế từ cánh cửa dù hiện là một trong những người giàu nhất thế giới. Đáng nói, chiếc bàn này đã được ông sử dụng suốt 30 năm, tức là kể từ khi sáng lập Amazon.

"Kỹ sư mãi là kỹ sư", một người bình luận. Số khác nói hình ảnh này khiến họ cảm nhận Bezos vẫn luôn giữ vững lập trường như khi khởi nghiệp dù Amazon đã trở thành một tên tuổi khổng lồ.

Bị nói là tỷ phú mà tính toán tiết kiệm không mua máy bay, ông Phạm Nhật Vượng thẳng thừng: "Cái gì đáng thì bao nhiêu cũng đầu tư, nhưng không đáng thì một đồng cũng không tiêu" - Ảnh 2.

Jeff Bezos bên chiếc bàn làm việc hiện tại và cách đây 30 năm. Ảnh: Instagram/Laurenwsanchez

"Bàn cánh cửa" vốn là điều không quá đặc biệt tại Amazon, thậm chí còn là một nét văn hóa tại đây. Trong blog được Nico Lovejoy, một trong những nhân viên đầu tiên tại Amazon, đăng năm 2018, loại bàn này được Bezos nghĩ ra vào năm 1995, khi cần trang bị bàn cho một số ít nhân viên thời đó.

"Khi vào cửa hàng gia dụng, ông ấy xem xét những chiếc bàn và những cánh cửa. Cửa rẻ hơn rất nhiều nên ông ấy quyết định mua chúng và gắn chân lên đó", Lovejoy kể lại.

Theo đánh giá của nhân viên Amazon bấy giờ, Bezos "không phải thợ mộc giỏi" nên loại bàn này "xấu xí và khá lung lay", khiến họ phải kê thêm giấy khi sử dụng. "Nhiều thứ chúng tôi làm bản chất khá vụn vặt, nhưng miễn sao giải pháp vụn vặt đó hiệu quả", Lovejoy nói.

Theo Insider, "bàn cánh cửa" đã trở thành biểu tượng cho văn hóa của Amazon, nhấn mạnh sự tiết kiệm là cốt lõi. Dù đã trở thành một trong những công ty giá trị nhất hành tinh, phiên bản hiện đại của loại bàn này vẫn hiện diện trên khắp các văn phòng công ty. Amazon thậm chí đăng các video hướng dẫn cách làm để nhân viên có thể tự thiết kế.

Trang này cũng dẫn lời Marc Randolph, một doanh nhân từng trò chuyện với Bezos, rằng việc dùng bàn tự chế là một "thông điệp có chủ ý". "Đó là cách để thể hiện họ sẽ không chi tiền cho những thứ không ảnh hưởng tới khách hàng của mình", Randolph nói.

10 thói quen tiết kiệm của người giàu

Người giàu rất coi trọng sử dụng tiền bạc và cách tiết kiệm của họ dường như là điều khó tin với người thường. Trang tin Aluobowang đã chỉ ra 10 thói quen tiết kiệm của người giàu như sau:

1. Không mua sắm bốc đồng

Tỷ phú người Mỹ Warren Buffett từng nói: "Nếu bạn mua thứ bạn không cần, bạn sẽ sớm phải bán thứ bạn cần."

Những người giàu không bao giờ mua sắm bốc đồng, dựa theo cảm xúc. Họ sẽ không tiêu tiền vào những thứ không cần thiết chỉ với lý do đang giảm giá.

Bị nói là tỷ phú mà tính toán tiết kiệm không mua máy bay, ông Phạm Nhật Vượng thẳng thừng: "Cái gì đáng thì bao nhiêu cũng đầu tư, nhưng không đáng thì một đồng cũng không tiêu" - Ảnh 3.

Tỷ phú người Mỹ Warren Buffett

2. Không để tài sản cho thế hệ sau

Bill Gates, người sáng lập Microsoft và Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook, đã ký Cam kết Oxfam (Lời cam kết cho đi), sẽ quyên góp phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện sau khi chết.

Hai vị tỷ phú này nói rằng họ hy vọng con cái sẽ thành công dựa vào nỗ lực của chính chúng chứ không phải dựa vào sự bảo trợ của cha mẹ. Doanh nhân nổi tiếng Hong Kong Brian Cha (Xa Chí Kiện) cũng cho biết ông đã quyên góp tài sản của mình để làm từ thiện và không để lại cho con cái.

3. Không mua gói phim, kênh truyền hình hay trò chơi điện tử

Thomas Corley, tác giả của cuốn "Thói quen thành công hàng ngày của những người giàu có" đã chỉ ra rằng: "Người giàu biết cách sử dụng thời gian hiệu quả để làm những việc hiệu quả hơn. Họ không xem tivi vì còn dùng thời gian này để phát triển thói quen, chẳng hạn như đọc sách".

Một cuộc khảo sát chỉ ra rằng hơn 80% những người thành công thích đọc sách và hiếm khi chi tiền cho các hoạt động giải trí, chẳng hạn như mua máy chơi game PS5, thuê bao phim Netflix... Tỷ phú giàu nhất Hong Kong Lý Gia Thành từng nói: "Chỉ có số tiền đầu tư vào đầu óc mới đáng để tiêu".

4. Không mua một nơi ở quá đắt

Người giàu rất đề cao việc "khiến từng xu tạo ra có giá trị lớn nhất". Bởi vậy họ sẽ không mua những biệt thự hay nhà vườn sang trọng vượt quá giá thị trường.

Tỷ phú Warren Buffett là một ví dụ. Dù giàu có và quyền lực nhưng ông vẫn sống trong một ngôi nhà mua từ năm 1958 với giá chỉ khoảng 31.500 USD.

5. Không mở nhiều thẻ tín dụng

Cũng là Thomas Corley, ông từng nói trong một cuốn sách của mình rằng, chỉ 8% người giàu sử dụng nhiều hơn một thẻ tín dụng.

"Càng có nhiều thẻ tín dụng, càng có nhiều khả năng tạo ra tiêu dùng không cần thiết", Thomas Corley khẳng định.

6. Không trả phí trễ hạn

Người giàu luôn thanh toán các hóa đơn và cả tiền phạt đúng hạn, họ không bao giờ lãng phí tiền vào các khoản phí trễ hạn.

Con trai của Lee Man Tat, chủ tịch Lee Kum Kee Group, người đứng thứ 6 trong top 10 người giàu nhất Hong Kong từng nói: "Cha tôi khi xem các báo cáo tài chính, trước tiên sẽ xem xét các khoản phải trả, thay vì các khoản phải thu mà các doanh nghiệp thông thường quan tâm hơn". Với người giàu, họ sẽ không cho phép bản thân trả các khoản phí trễ hạn mà không cần thiết.

7. Không mua những thứ có giá trị ngắn hạn

Người giàu thường chú ý đến ngày hết hạn và giá trị của sản phẩm khi mua đồ. Đối với họ, việc mua hàng rẻ mà kém chất lượng, hạn sử dụng ngắn là điều không đáng.

Kevin O'Leary, người đồng sáng lập của O'Leary Funds và SoftKey từng cho rằng, việc mua một chiếc xe hơi rất ngu ngốc. Vị này giải thích: "Bảo trì và bảo hiểm xe hơi tốn kém tiền bạc và khấu hao, vì vậy nếu tôi bỏ ra 25.000 USD để mua một chiếc xe, hai năm sau, nó có thể chỉ còn trị giá 12.000 USD thôi."

Bị nói là tỷ phú mà tính toán tiết kiệm không mua máy bay, ông Phạm Nhật Vượng thẳng thừng: "Cái gì đáng thì bao nhiêu cũng đầu tư, nhưng không đáng thì một đồng cũng không tiêu" - Ảnh 4.

Tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành

8. Không mua cà phê đắt tiền

Youtuber Graham Stephan, người chuyên kinh doanh bất động sản và kiếm được 220.000 USD mỗi tháng, ghét tiêu tiền vào cà phê, thay vào đó chỉ thích pha ở nhà.

Stephan từ chối uống cà phê đắt tiền, chẳng hạn như Starbucks. Ông tin rằng cà phê ở chuỗi cửa hàng như Starbucks rất đắt, nếu mua cà phê ngon trong siêu thị, ông có thể tự pha với giá 20 xu.

9. Không đánh bạc

Tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành từng nói, chỉ có một loại tiền mà ông sẵn sàng chi tiêu dù hết bao nhiêu, đó là tiền để đầu tư vào cái đầu của chính mình và nâng cao giá trị bản thân.

Cờ bạc là "khoản đầu tư" không đáng tin cậy nhất bởi vì nó có thể khiến bạn chẳng còn lại gì. Người giàu sẽ không bao giờ khuyến khích hoặc đồng ý chi tiền vào cờ bạc.

10. Không nghỉ hưu

Một nghiên cứu do tạp chí Fortune "Barclay's Wealth" công bố năm 2010 cho thấy 54% tỷ phú muốn tiếp tục làm việc ở tuổi nghỉ hưu, trong khi 60% những người có tài sản ròng 15 triệu USD không có kế hoạch nghỉ hưu.

Những vị tỷ phú này nghĩ rằng, không thể để công ty mất trụ cột, có người lại do yêu nghề, luôn coi công việc là lẽ sống của mình. Bởi không quen với sự nhàn rỗi, thích sự bận rộn nên họ sẽ không nghỉ hưu, an hưởng tuổi già.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM