"Bí mật" thâm nhập thị trường tiêu dùng miền Tây: Khách hàng, đối tác tin tưởng vào mối quan hệ lâu năm, sự truyền miệng về sản phẩm

16/08/2018 13:50 PM | Kinh doanh

Người dân ở nông thôn miền Tây rất tin tưởng vào các mối quan hệ quen biết với nhau, họ rất tin vào những lời giới thiệu mua sản phẩm từ người quen biết hay cửa hàng bán lẻ thân thiết.

Ông Nguyễn Đông Thành, Chủ tịch HĐQT – Giám đốc Công ty CP Vina Latex, làm nệm cao su thiên nhiên, người gắn bó gần 20 với nông thôn miền Tây, trong cuộc gặp mặt mới đây tại TP HCM đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm để thâm nhập thị trường này.

Khách hàng, đối tác dựa vào sự quen biết và tình cảm lâu năm

Người dân ở nông thôn miền Tây rất tin tưởng vào các mối quan hệ quen biết với nhau, họ rất tin vào những lời giới thiệu mua sản phẩm từ người quen biết hay cửa hàng bán lẻ thân thiết, ông Thành nhận định.

Do vậy, việc phát triển kênh đại lý thông qua những cửa hàng kinh doanh lâu năm là một lợi thế.

"Với người nông thôn miền Tây, thương hiệu cá nhân, uy tín của đại lý, sự thân thuộc của các cửa hàng địa phương là vô cùng quan trọng", doanh nhân này cho biết thêm.

Theo ông Thành, đặc thù kinh doanh ở miền Tây còn dựa trên các mối quan hệ kinh doanh hay tình cảm kinh doanh, quen biết lâu năm.

"Do đó, để doanh nghiệp có thể chen chân đưa một sản phẩm hoàn toàn mới vào hệ thống các cửa hàng địa phương, ngoài việc có một sản phẩm đủ tốt để cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, còn cần phải tạo uy tín, niềm tin cho người tiêu dùng, mối quan hệ thân thiện với những nhà bán lẻ, hệ thống chính quyền và cũng như người dân địa phương", ông phân tích.

Bí mật thâm nhập thị trường tiêu dùng miền Tây: Khách hàng, đối tác tin tưởng vào mối quan hệ lâu năm, sự truyền miệng về sản phẩm - Ảnh 1.

Mặt khác, ông Thành cho rằng, kiến thức về sản phẩm của những nhà bán lẻ tại địa phương thường tốt. Họ sẽ là đội ngũ kiểm tra chất lượng thay cho người tiêu dùng cực kỳ hiệu quả.

"Doanh nghiệp phải thuyết phục được đại lý phân phối tin tưởng vào tính năng, chất lượng sản phẩm, phải đem đến cho họ và người tiêu dùng chính sách bán hàng hấp dẫn, giá cả cạnh tranh, dịch vụ hậu mãi chu đáo không thua kém bất kỳ doanh nghiệp nào đang bán sản phẩm cùng loại tại địa phương đó", ông chia sẻ.

Siêu thị về nông thôn nhưng người tiêu dùng vẫn mua nhiều ở các đại lý quen thuộc

Theo xu thế phát triển, hệ thống chuỗi siêu thị và trung tâm thương mại… đã phát triển ở thị trường nông thôn khá mạnh. Một số lượng không nhỏ người tiêu dùng cũng bắt đầu mua sắm ở đó. "Nhưng họ vẫn có thói quen lựa chọn những thương hiệu quen dùng hay đã từng được tư vấn giới thiệu ở các cửa hàng kinh doanh lâu năm tại địa phương", ông Thành cho biết.

Riêng trong ngành nệm của mình, vị giám đốc này cho rằng, việc tham gia triển lãm ngành nệm hay các mặt hàng tiêu dùng khác sẽ là cơ hội tiếp cận trực tiếp giữa doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.

Đối với những sản phẩm đã tồn tại nhiều năm trên thị trường, đó chính là dịp để giới thiệu sản phẩm mới với những tính năng mới. Đồng thời đó còn là những cơ hội để nắm bắt thông tin phản hồi về sản phẩm trong thời gian qua.

Bởi vậy có một số công ty có nhiều thương hiệu sản phẩm khi một đợt triển lãm nào đó tập trung giới thiệu một dòng sản phẩm mới. Khi một khách hàng tham quan, được tư vấn giới thiệu nhưng anh này vẫn nói tôi dùng quen với sản phẩm thương hiệu kia rồi, lúc đó doanh nghiệp và người tiêu dùng mới vỡ lẽ ra là trước đây khách hàng này đã và đang dùng một dòng sản phẩm của chính doanh nghiệp mình.

Theo chuyên gia về xây dựng, quản lý kênh phân phối, ông Tiền Gia Trí, vào thị trường nông thôn miền Tây doanh nghiệp cần:

- Không tạo mối lo cho chủ shop (Chị không bán được em luân chuyển chỗ khác)

- Xem chủ shop như là người thân (Lúc nhiều khách phụ họ dọn hàng, bưng hàng bê hàng) Khoan cố gắng bán vào hay cố gắng bán nhiều)

- Cho họ thấy công ty có kế hoạch đầu ra (truyền thông, hoạt náo…)



Lan Đỗ

Cùng chuyên mục
XEM