Bí mật của thành phố sạch nhất châu Phi: Cấm đồ nhựa, tháng nào cũng tổ chức ngày 'toàn dân dọn dẹp'

09/07/2019 09:45 AM | Xã hội

Mỗi thứ bảy cuối cùng của tháng, các doanh nghiệp tại Rwanda đóng cửa, giao thông tạm ngừng để người dân cùng nhau dọn dẹp, tổng vệ sinh. Thành quả sau những nỗ lực quyết liệt, không khoan nhượng của chính phủ là một thủ đô không có túi nhựa, sạch nhất châu Phi.

Nằm ở Trung và Đông Phi, với diện tích khoảng 26.338 km2, Rwanda là một trong những quốc gia nhỏ nhất ở châu Phi, từng là thuộc địa của Bỉ và chịu nhiều đau thương sau nạn diệt chủng năm 1994. Nhưng giờ đây, khi nhắc đến Rwanda, người ta thường nói về nền kinh tế tăng trưởng ổn định 7% mỗi năm, nhanh nhất châu Phi và về thủ đô Kigali – thành phố sạch sẽ nhất châu lục.

Bạn khó có thể tìm thấy nắp chai nhựa, túi cũng như rác trên đường phố Kigali. Sự sạch sẽ đó cũng không có thành phố nào khác ở châu Phi có được. Phần lớn thành quả đó có được là do những chính sách cứng rắn và nỗ lực của chính quyền ngay sau khi giành được độc lập.

"Ngày toàn dân dọn dẹp" là có thật!

Vào 8 giờ sáng của thứ bảy cuối cùng của tháng tư, đường phố thủ đô Kigali vắng xe, mọi người cùng nhau dọn dẹp những con đường, nhặt những mẩu rác thất lạc bằng cây chổi rơm. Ở một khu vực khác, Đài tưởng niệm diệt chủng Kigali nhộn nhịp với những người cắt tỉa cỏ, lau dọn lối đi.

Đây không phải một hoạt động tình nguyện mà là nghĩa vụ bắt buộc với công dân Rwanda, được gọi với cái tên "Umuganda".

Bí mật của thành phố sạch nhất châu Phi: Cấm đồ nhựa, tháng nào cũng tổ chức ngày toàn dân dọn dẹp - Ảnh 1.

Người dân Rwanda tham gia vệ sinh, dọn dẹp khu vực sinh sống vào ngày Umuganda.

Theo đó, ngày thứ bảy cuối cùng hàng tháng, từ 8:00 đến 11:00 sáng, các doanh nghiệp đóng cửa và giao thông cũng tạm dựng. Công dân trên cả nước sẽ tập trung ở khu phố của mình, xẻng và cuốc trong tay, họ cùng nhau dọn dẹp đường xá, nhổ cỏ,… với mục tiêu làm tốt hơn một chút so với tháng trước.

Umuganda (có nghĩa là đóng góp cộng đồng), còn được hiểu theo nghĩa "những người đến với nhau nhằm mục đích chung", là nghĩa vụ bắt buộc đối với những người có khả năng, trong độ tuổi từ 18 đến 65 ở Rwanda. Tổng thống và các thành viên Nội các cũng tham gia dịch vụ cộng đồng hàng tháng này.

Umuganda được chính phủ Rwanda chính thức hóa từ năm 2000, nằm trong nỗ lực giúp làm sạch Kigali đồng thời thúc đẩy ý tưởng về một bản sắc dân tộc gắn kết.

Không phân biệt phụ nữ hay nam giới, dân thường hay lãnh đạo, chỉ cần trong độ tuổi 18-65, có khả năng, đều phải tham gia hoạt động Umuaganda.

Tuy nhiên, ngày "toàn quốc dọn dẹp" vốn không được ủng hộ ngay từ đầu. Một số người cho rằng Umuganda là hành động ép buộc lao động bởi một chế độ khắc nghiệt. Các chủ cửa hàng ở Kigali phản đổi vì việc kinh doanh bị ảnh hưởng trong thời gian Umuganda, còn du khách cảm thấy bất tiện vì lệnh cấm lái xe.

Tuy nhiên, với sự cứng rắn và quy định nghiêm ngặt của giới cầm quyền, Umuganda vẫn tiếp tục được duy trì. Kết quả là, giờ đây, người ta khó có thể tìm thấy nắp chai hay bất kì mảnh rác nào trên đường phố thủ đô Kigali.

Cấm sản xuất và sử dụng túi nhựa

Một trong những chính sách nổi bật khác của quốc gia Đông-Trung Phi này là điều luật cấm sử dụng và sản xuất túi nhựa, các vật liệu nhựa dùng một lần. Năm 2008, quốc gia nhỏ bé 12 triệu dân đã ban hành lệnh cấm quốc gia đối với túi nhựa không phân hủy.

Nếu vi phạm, một người có thể nhận hình phạt 150 USD. Nếu chủ cửa hàng bị bắt quả tang, họ có thể bị tống vào tù từ 6 đến 12 tháng.

Bí mật của thành phố sạch nhất châu Phi: Cấm đồ nhựa, tháng nào cũng tổ chức ngày toàn dân dọn dẹp - Ảnh 3.

Rwanda cấm túi nhựa từ năm 2008.

Có những cửa hàng đã bị đóng cửa và bị phạt vì gói bánh mì bằng giấy bóng kính, chủ sở hữu bắt buộc phải ký thư xin lỗi - tất cả đều nằm trong nỗ lực quyết liệt, không khoan nhượng của chính phủ đối với việc làm sạch môi trường trên toàn quốc.

Thúc đẩy cả nền kinh tế

Bạn sẽ không thể tìm thấy những chiếc túi nhựa trôi nổi trên đường phố, treo trên cây và làm tắc ống thoát nước. Không những làm giảm đáng kể những tác động xấu đến môi trường, nền kinh tế của Rwanda cũng đồng thời được thúc đẩy.

Dịch vụ cộng đồng này đã ăn sâu vào ý thức của người dân. "Bây giờ nó đã giống như một lối sống. Mọi người đã quen cả rồi.", một người đàn ông tại thủ đô Kigali chia sẻ.

Thậm chí, rất ít người ở Rwanda biết rõ các hình phạt đối với việc vứt rác bừa bãi trong thành phố, đơn giản đó vì điều đó gần như không xảy ra. Người dân nơi đây rất tự hào rằng thành phố của họ sạch nhất châu Phi, hơn cả New York và London.

Những con đường vắng bóng rác, nhựa tại Rwanda.

Du lịch ngày càng phát triển ở quốc gia Trung-Đông Phi này và trở thành động lực chính của nền kinh tế. Trong đó, với môi trường sạch, bảo tồn được quần thể động vật đa dạng khổng lồ bao gồm khỉ đột núi và công viên tự nhiên lớn nhất thế giới, du lịch sinh thái ở Rwanda đang trở thành lựa chọn của nhiều người.

Năm 2014, 1,2 triệu khách du lịch đã đến thăm Rwanda, tăng 4% so với năm trước đó. 8%, tương đương 177.000 việc làm ở đây thuộc lĩnh vực du lịch. Ngành công nghiệp không khói cũng mang về cho quốc gia này 438 triệu USD trong năm 2017.

Các địa điểm nổi tiếng ở đây có thể kể đến như Vườn quốc gia Volcans, Vườn quốc gia rừng Nyungwe, hồ Kivu,…

Du lịch sinh thái, vườn quốc gia,... đang thu hút khách du lịch đến với Rwanda.

Bước ra từ những năm tháng đen tối của nạn diệt chủng, dù vẫn là một nước đang phát triển với tỷ lệ người nghèo còn khá cao nhưng điều có thấy rõ ràng là những chính sách nghiêm khắc, sự đồng lòng của người dân đã giúp Rwanda bảo vệ môi trường sống, tạo động lực để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

T.Dương

Cùng chuyên mục
XEM