Bí kíp nuôi trẻ tốt: Con dâu phải biết cách nhờ mẹ chồng, chồng nên đứng về phía vợ!

05/09/2017 15:09 PM | Sống

Ông bà, bố mẹ là bộ tứ quan trọng trong quá trình hình thành và nuôi dưỡng tính cách của con trẻ. Làm thế nào khi một trong số họ bất đồng quan điểm với những người còn lại?

1. Bố và mẹ - mỗi người đều có vai trò quan trọng riêng

Gần đây, khái niệm "ikuman" - ông bố của năm dùng để chỉ những người bố tích cực tham gia vào công cuộc nuôi dạy con.

Tất nhiên việc cả bố và mẹ cùng chung tay trong việc nuôi dạy, chăm sóc con là việc rất đáng khuyến khích, nhưng bố mẹ cũng nên kiên nhẫn chờ đợi phát huy vai trò của mình. Bởi bố và mẹ mỗi người đều có vai trò riêng trong từng giai đoạn phát triển của bé.

Khi bé mới chào đời, bố mẹ phải đối mặt với rất nhiều việc phiền toái, lỉnh kỉnh, nào là cho bé bú sữa, nào là thay tã... thời điểm này bố nên giao toàn quyền cho mẹ tất cả những việc đó bởi vì mẹ luôn cẩn thận, tỉ mỉ và chu đáo hơn. Ngược lại, khi bé lớn hơn một chút lại là lúc cần bố ra tay.

Bố mẹ có vai trò quan trọng riêng trong việc nuôi dạy con.

Chẳng hạn như, thay vì mẹ thì bố nên là người đảm nhận việc dạy cho bé cách ném một trái bóng và dự đoán vị trí rơi xuống của quả bóng đó để bắt trúng.

Quan điểm này có vẻ hơi cổ lỗ sĩ một chút nhưng cá nhân tôi vẫn cho rằng bố thì nên dạy con trai, mẹ thì nên dạy con gái về các quan điểm sống, các giá trị quan theo đúng đặc trưng của từng giới tính.

Bé trai và bé gái ngay từ khi sinh ra đã có đặc trưng phát triển não bộ khác nhau cho nên dù không cần sự chỉ bảo nào thì tự các bé trai vẫn thích chơi trò "đánh trận giả" còn các bé gái thì lại thích "chơi đồ hàng".

Bởi não bộ vốn đã được hình thành theo cách đó cho nên chúng ta chớ nên đi ngược với khuynh hướng tự nhiên mà cần phải biết tận dụng triệt để những đặc trưng về giới tính để nuôi dạy bé dễ dàng hơn.

2. Vợ chồng đôi khi không cùng quan điểm

Trong cách suy nghĩ về việc nuôi dạy con cái, chắc hẳn sẽ có những lúc bố và mẹ bị bất đồng quan điểm.

Tôi cũng đã từng nhận được một số câu hỏi: "Liệu có cần phải đợi khi trẻ vắng mặt rồi bố và mẹ mới trao đổi với nhau và thống nhất cách nuôi dạy trẻ hay không?"

Bản thân cả người bố và người mẹ cũng đều được nuôi dưỡng trong những môi trường khác nhau, vậy nên việc thống nhất ý kiến là vô cùng khó khăn.

Bất đồng là chuyện không thể tránh khỏi trong cuộc sống, việc dạy con cũng không ngoại lệ.

Cá nhân tôi cho rằng chính sự bất đồng quan điểm ấy lại là điều tốt. Bởi sẽ có lúc con làm điều gì đó khiến bố nổi giận còn mẹ thì không. Và ngược lại, có những điều khiến mẹ nổi giận còn bố thì không.

Cứ như thế, con sẽ dần dần lý giải được rằng bố và mẹ có cách cảm nhận và phản ứng khác nhau. Từ đó, con bắt đầu học để thay đổi cách hành xử tùy theo đối phương.

Con có khả năng tùy cơ ứng biến cao hơn so với suy nghĩ của bố mẹ. Điều quan trọng là làm sao để con sớm có năng lực quan sát và nắm bắt mọi vật xung quanh ngay từ khi còn nhỏ.

Bản thân tôi đang sống cùng với con trai và tôi cũng coi con dâu như con gái mình vậy. Cho dù có chuyện gì không hài lòng về cách dạy cháu của con dâu đi nữa thì chỉ cần nghĩ đơn giản là "có thể cách nuôi dạy con của mình ngày xưa chưa tốt" thì chẳng có gì đáng để giận hờn.

Càng có nhiều người lớn muốn chung tay để chăm sóc con cháu khỏe mạnh càng tốt. Và tuyệt vời hơn nữa nếu cả bố mẹ, ông bà nội ngoại cùng hòa thuận, chung tay nuôi dạy con cháu.

3. Nhờ vả ông bà đúng cách giúp mẹ nuôi con nhàn hơn

"Tôi đang đau đầu vì mẹ chồng rất chiều cháu".

"Mẹ chồng lúc nào cũng càu nhàu, xét nét từng li, từng tí về việc nuôi dạy con của tôi".

Những cuộc chiến giữa mẹ chồng và nàng dâu như thế này từ xưa đến nay vẫn không thay đổi.

Ông bà là "trợ thủ" đắc lực trong quá trình nuôi dạy con của bố mẹ.

Tuy nói như vậy, so với ngày xưa thì bây giờ việc con dâu sống cùng nhà với mẹ chồng đã giảm nhiều, có khá ít cô con dâu phải gặp mặt mẹ chồng mỗi ngày. Thế nên, thỉnh thoảng khi đưa bé đến chỗ mẹ chồng, bà nội có nuông chiều bé một chút cũng không sao.

Điều đó vừa làm mẹ chồng vui lòng mà lại giúp bạn có thể nhờ mẹ chồng đỡ đần việc nhà một cách dễ dàng khi bận rộn. Làm được điều đó bạn mới chính là một nàng dâu khôn ngoan.

Nếu nuông chiều bé một vài lần như thế thì chẳng thể gây ảnh hưởng gì đến việc nuôi dạy trẻ. Ngược lại, có nhiều người lớn xung quanh với nhiều cách tiếp xúc khác nhau là một việc cũng rất tốt cho bé.

Nhờ đó, bé học cách ứng xử theo tình huống như "chuyện như thế này thì có thể kể với bà nhưng không thể nói với mẹ" hay "chuyện này thì nên nói với bố hơn là nói với ông". Bé được tiếp nhận nhiều kích thích từ rất nhiều người trong suốt quá trình phát triển.

Thay vì nghĩ rằng mẹ chồng thật "phiền phức" và cố giữ khoảng cách, mẹ hãy xem mẹ chồng là tiền bối đi trước trong việc nuôi dạy trẻ, hãy học tập và vận dụng kinh nghiệm, kiến thức các bà trao lại cho mình.

Hơn nữa, đối với người lớn tuổi, chăm sóc giữ cháu cũng là cách hiệu quả nhất để phòng chống bệnh đãng trí.

4. Con dâu phải biết cách nhờ vả mẹ chồng, mẹ chồng nên thỏa hiệp với con dâu, còn chồng thì nên đứng về phía vợ

Chồng không thể cái gì cũng phụ thuộc vào mẹ như những người bị hội chứng yêu mẹ thái quá. Chồng cũng không thể cứ nhõng nhẽo với mẹ dù đã là cha của các con. Đây có thể coi là bằng chứng của việc mẹ đã xao lãng trong việc nuôi dạy con thành một người tự lập.

Không phải là người làm vợ như chúng tôi không hiểu được tâm lý muốn bảo vệ người mẹ đã nuôi dưỡng mình khi rơi vào tình huống bị kẹt giữa mẹ và vợ.

Dẫu vậy, chồng cần phải đứng về phía vợ trong những xích mích, va chạm giữa mẹ và vợ trong việc nuôi dạy con cái. Đòi hỏi một phương án giải quyết nhượng bộ trong việc dạy dỗ con từ vợ là hơi quá đáng.

Sau đó, chồng có thể tìm cách xin lỗi "Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ. Con sẽ thuyết phục vợ con lần nữa!" để xoa dịu mẹ khi chỉ có một mình chồng và mẹ.

Tôi có lời khuyên cho các gia đình rằng: "Con dâu phải biết cách nhờ vả mẹ chồng, mẹ chồng có kinh nghiệm sống hơn thì nên thỏa hiệp với con dâu, còn chồng thì nên đứng về phía vợ."

Theo Lâm Anh

Cùng chuyên mục
XEM