Bi kịch tại đất nước "kỳ thị kinh nguyệt": Luật thì cấm nhưng phụ nữ vẫn bị đuổi khỏi nhà mỗi lần tới tháng và những câu chuyện nhuốm màu đau thương

16/12/2019 09:15 AM | Xã hội

Ở Nepal, nhiều cộng đồng vẫn duy trì hủ tục đuổi phụ nữ ra khỏi nhà mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt. Họ phải sống dưới những túp lều đơn sơ trong đêm đông giá rét, để trồi phải trả giá bằng chính tính mạng của mình.

Đầu năm 2019, Parbati Bogati - 17 tuổi, bị đuổi ra khỏi nhà trong kỳ kinh nguyệt của mình. Cô phải dọn tới một căn lều (thường được gọi là "lều kinh nguyệt") tồi tàn, không cửa sổ. Vài ngày sau, người ta tìm thấy thi thể của Bogati trong chính túp lều này. Cô chết vì ngạt khói độc từ đống lửa được nhóm lên để giữ ấm trong đêm đông giá rét.

Bi kịch tại đất nước kỳ thị kinh nguyệt: Luật thì cấm nhưng phụ nữ vẫn bị đuổi khỏi nhà mỗi lần tới tháng và những câu chuyện nhuốm màu đau thương - Ảnh 1.

Một căn lều kinh nguyệt tại Nepal

Bogati không phải là trường hợp đầu tiên. Trước đó 1 tháng, một người phụ nữ 35 tuổi cùng 2 người con trai cũng chết ngạt trong một túp lều tương tự. Đó là hệ quả của cái gọi là "chhuapadi" - hủ tục của người Hindu cổ, trong đó đòi hỏi phụ nữ phải tự cách ly bản thân mỗi khi đến kỳ.

Và theo như một nghiên cứu mới đây từ ĐH Bath (Anh), có tới 77% phụ nữ và trẻ em gái sống tại trung tây Nepal đang bị buộc phải đến sống trong những "túp lều kinh nguyệt" mỗi lần đến tháng, dù chính phủ Nepal đã ra lệnh cấm thực hiện nó vào năm 2018.

Đất nước "kỳ thị kinh nguyệt"

Chhaupadi là hủ tục yêu cầu phụ nữ khi đến tháng phải đến sống trong những túp lều đơn sơ, nhằm tránh gây ô uế cho ngôi nhà. Tháng 4/2019, các chuyên gia đã thực hiện một khảo sát trên 400 thiếu nữ từ 14 - 19 tuổi cùng nhóm phụ nữ từ 25 - 45 tuổi ở cả nông thôn lẫn nội đô trong khu vực này. Kết quả, 3/4 các thiếu nữ vẫn tiếp tục tuân thủ chhaupadi, dù ít nhất 2/3 số đó biết rằng nó sai luật.

Phụ nữ tại thành phố và có xuất thân giàu có ít có xu hướng thực hiện hụ tục này. Và tựu chung, tất cả đều cho biết họ sợ rắn độc, sợ thú dữ, và sợ bị kẻ xấu tấn công mỗi lần phải cắn răng chịu đựng nó.

Bi kịch tại đất nước kỳ thị kinh nguyệt: Luật thì cấm nhưng phụ nữ vẫn bị đuổi khỏi nhà mỗi lần tới tháng và những câu chuyện nhuốm màu đau thương - Ảnh 2.

"Cội nguồn của vấn đề này đến từ sự kỳ thị và văn hóa cấm kỵ đã ăn sâu. Phụ nữ tại đây cho biết họ không được phép chạm vào đàn ông trong gia đình, không được đi chùa, không đến lễ hội, không được vào bếp hay nấu ăn, cũng không được ăn thực phẩm thường ngày như bơ sữa. Họ thậm chí còn không được ngủ trên giường của mình," - Jennifer Thompson, tác giả nghiên cứu cho biết. Ngoài ra, quy định này thường bị ép buộc bởi "các thành viên lớn tuổi trong gia đình và cộng đồng, như mẹ, bà, bô lão..." - cô bổ sung thêm.

Cũng theo Thompson, trong trường hợp không thể đến lều kinh nguyệt (chhau hut) hoặc lều bị sập, phụ nữ cũng không còn lựa chọn nào khác là ngủ ngoài trời, bất kể nó nguy hiểm đến đâu. Hủ tục này vì thế thường đem đến các trải nghiệm "căng thẳng, lo lắng, và cực kỳ bất lực" cho những ai phải thực hiện nó.

Bi kịch tại đất nước kỳ thị kinh nguyệt: Luật thì cấm nhưng phụ nữ vẫn bị đuổi khỏi nhà mỗi lần tới tháng và những câu chuyện nhuốm màu đau thương - Ảnh 3.

Ngủ dưới một căn lều đơn sơ, người phụ nữ tử vong ngay trong kỳ kinh nguyệt của mình

Để giải quyết vấn đề này, Thompson cho biết các tổ chức vì cộng đồng tại đây phải nỗ lực hơn trong việc tuyên truyền vệ sinh cá nhân, và phải làm sao để thay đổi sự kỳ thị liên quan đến kinh nguyệt. Rõ ràng, kinh nguyệt là quyền của con người, dù phụ nữ không có sự lựa chọn.

Hiện tại, mọi chuyện đang dần thay đổi. Đã có một ngôi làng tại Nepal đề nghị trao thưởng tiền mặt cho những phụ nữ dám đứng lên chối bỏ hủ tục chhaupadi. Ngoài ra thì đầu tháng 12/2019, chính phủ Nepal đã tiến hành bắt giữ trường hợp đầu tiên liên quan đến cái chết của một người phụ nữ khi thực hiện chhuapadi.

Bi kịch tại đất nước kỳ thị kinh nguyệt: Luật thì cấm nhưng phụ nữ vẫn bị đuổi khỏi nhà mỗi lần tới tháng và những câu chuyện nhuốm màu đau thương - Ảnh 4.

"Vẫn cần có những hành động quyết liệt và rõ ràng hơn, đặc biệt là đối với quan niệm kỳ thị kinh nguyệt. Nó sẽ đưa kinh nguyệt từ một vấn đề vệ sinh đơn thuần trở thành quyền của phụ nữ, đòi hỏi sự an toàn trong đó," - Thompson nhận xét.

Thompson cũng lưu ý rằng đây chỉ là một nghiên cứu nhỏ, tập trung vào 2 vùng dân cư của đất nước. Tuy nhiên, cô cho rằng vấn đề này có thể đang diễn ra ở quy mô lớn hơn, và đòi hỏi nhiều thay đổi liên quan đến hủ tục chhaupadi và quyền lợi của phụ nữ nói riêng tại Nepal, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.

Tham khảo: IFL Science, Reuters

Theo JD

Cùng chuyên mục
XEM