Bi hài hành trình trả ngân hàng khoản nợ 300 đồng, quá hạn gần 1.000 ngày của khách hàng

13/04/2019 20:09 PM | Xã hội

Anh Phan Thanh Tùng (Hà Nội) cho biết anh nhận được thông báo của ngân hàng về khoản nợ xấu gần 3 năm với số dư nợ 196 đồng, bị phạt 5 đồng, tổng khoản phải thanh toán là 300 đồng.

Câu chuyện về hành trình bi hài trả nợ ngân hàng của anh Phan Thanh Tùng (Hà Nội) trên một diễn đàn lớn về ô tô, xe máy đã nhận được gần 6.000 lượt quan tâm, với hơn 1.000 lượt bình luận.

Theo chia sẻ của anh Tùng, mới đây anh nhận được thông báo từ ngân hàng (chi nhánh Linh Đàm, Hà Nội) về việc thẻ tín dụng mở tại đây đang phát sinh dư nợ 196 đồng và chậm thanh toán 968 ngày (tính đến ngày 31/3/2019), kèm theo yêu cầu anh Tùng "thanh toán dứt điểm khoản nợ để tránh các bất lợi không đáng có từ khoản nợ nói trên".

Anh Tùng cũng không khỏi bất ngờ khi số dư nợ 196 đồng trên thậm chí đã bị Trung tâm thông tin tín dụng - CIC liệt kê vào nợ xấu cấp độ 5.

 Bi hài hành trình trả ngân hàng khoản nợ 300 đồng, quá hạn gần 1.000 ngày của khách hàng - Ảnh 1.

Số tiền ngân hàng yêu cầu khách hàng Thanh Tùng trả là 300 đồng.

Kể lại quá trình phát sinh dư nợ, anh Tùng cho biết, sau khi mở thẻ tín dụng tại ngân hàng, anh đã không sử dụng đến. Tuy nhiên, sau hai năm thì anh phải nộp khoản tiền hơn 1 triệu đồng là phí duy trì thẻ.

"Nợ này tôi đã thanh toán qua internet banking mấy năm trước. Tưởng thanh toán xong rồi, giờ ngân hàng lại gửi thông báo nợ 196 đồng và phạt 5 đồng, tổng ngân hàng nói phải nộp 300 đồng", anh Tùng cho biết.

Vì số nợ quá đặc biệt, anh Tùng đã phải kiếm 2 tờ tiền mệnh giá 200 đồng để đến thanh toán trực tiếp với ngân hàng vào hôm 11/4.

"Ngân hàng bảo nộp 300 đồng, mình nộp 400 đồng. Đây chắc là giao dịch lớn nhất của đời tôi", anh Tùng bi hài nói.

Mặc dù vị khách Phan Thanh Tùng cho rằng, đây là nghĩa vụ và không cảm thấy quá phiền hà khi bị ngân hàng đòi nợ, nhưng nhiều bình luận về câu chuyện của anh cho rằng, ngân hàng nên linh hoạt xử lý các khoản nợ quá bé như trường hợp kể trên.

"Số tiền nhỏ quá thì không thể chuyển khoản, mà ra tận ngân hàng thì đúng là mất thời gian của cả hai bên. Thôi thì cũng là bài học để chú ý hơn khi mở thẻ tín dụng", anh Phí Hoài Thanh bày tỏ quan điểm.


Câu chuyện khoản nợ chỉ vài trăm đồng của anh Tùng cũng khiến không ít người giật mình, bởi từ trước đến nay quá mù mờ về các điều khoản và loại phí mở thẻ tín dụng cũng như cách kiểm tra nợ xấu (CIC cá nhân).

Thậm chí nhiều người cho biết, tận lúc bị tổ chức tín dụng từ chối cho vay mới tá hỏa biết rằng đang bị nợ xấu tại ngân hàng.

"Để tránh trường hợp rơi vào nợ xấu như anh Tùng, thì mỗi kỳ thanh toán đóng dư một chút, thừa còn hơn thiếu, ngân hàng tự trích nợ đúng số tiền, chứ để ảnh hưởng tới CIC của mình thì sau rất khó vay vốn", chị Trần Thanh Tô bày tỏ quan điểm.

Hiện nay, để mở rộng thị phần, các ngân hàng thương mại đều có chương trình khuyến mãi hấp dẫn, miễn phí mở thẻ tín dụng và phí thường niên trong năm đầu cho khách hàng.

Tuy nhiên, dù nếu không có nhu cầu sử dụng thì khách hàng vẫn phải chịu các chi phí phát sinh như phí thường niên và tiền duy trì tài khoản cho những năm tiếp theo hoặc một số khoản phí phạt do không trả nợ thẻ tín dụng đúng thời hạn.

Phần lớn các dòng thẻ tín dụng hiện nay trên thị trường có mức phí thường niên từ khoảng 100.000 đồng tới hơn 1 triệu đồng/năm. Các dòng thẻ phổ thông, được sử dụng nhiều nhất có mức phí phổ biến là dưới 500.000 đồng/năm.

Theo Hoàng Linh

Cùng chuyên mục
XEM