Bị giới chức Trung Quốc thanh tra, cổ phiếu Herbalife, Nu Skin đồng loạt lao dốc

15/08/2017 09:22 AM | Kinh doanh

Cả 3 công ty này đều coi Trung Quốc là thị trường chủ chốt để tạo ra tăng trưởng. Do đó nếu bị Chính phủ siết chặt hoạt động động thì họ sẽ rơi vào tình huống rất rủi ro.

Cổ phiếu của một loạt công ty hoạt động theo mô hình bán hàng trực tiếp gồm Herbalife, Nu Skin và USANA Health Sciences đã lao dốc mạnh trong phiên hôm qua (14/8) vì những lo ngại về động thái siết chặt quản lý hoạt động của các công ty này từ giới chức Trung Quốc.

Cổ phiếu Herbalife giảm 7,8%, xuống còn 60,71 USD – giảm mạnh nhất trong hơn 2 tháng trở lại đây. Cổ phiếu Nu Skin mất 9,6%, xuống còn 54,68 USD trong khi cổ phiếu USANA cũng giảm 10%, xuống còn 52,85 USD.

Theo thông báo được đăng tải trên website của Cục quản lý hành chính về Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc, cơ quan này sẽ thực hiện chiến dịch kéo dài 3 tháng để kiểm soát chặt các hoạt động kinh doanh theo mô hình kim tự tháp (pyramid schemes). Mặc dù bản thông báo không liệt kê những cái tên cụ thể, Herbalife và các công ty khác đang sử dụng mô hình tiếp thị trực tiếp (multilevel-marketing) mới đây đã đối mặt với những lời buộc tội rằng họ đang sử dụng mô hình kim tự tháp. Năm ngoái, Herbalife đã phải làm việc với Ủy ban thương mại Liên bang Mỹ (FTC) về vấn đề này.

Herbalife và USANA bán rất nhiều sản phẩm bổ sung dưỡng chất hay còn gọi là thực phẩm chức năng, trong khi Nu Skin tập trung vào mỹ phẩm. Cả 3 công ty này đều coi Trung Quốc là thị trường chủ chốt để tạo ra tăng trưởng. Do đó nếu bị Chính phủ siết chặt hoạt động động thì họ sẽ rơi vào tình huống rất rủi ro.

Herbalife, công ty lớn nhất trong bộ ba, cũng đang vướng vào cuộc chiến với tỷ phú Bill Ackman. Ông trùm quỹ đầu cơ Pershing Square Capital Management đã cáo buộc Herbalife là một công ty hoạt động theo mô hình kim tự tháp (tất nhiên Herbalife từ chối lời buộc tội này). Từ cuối năm 2012, Ackman bắt đầu đặt cược 1 tỷ USD để bán khống cổ phiếu Herbalife vì cho rằng công ty này chắc chắn sẽ sụp đổ. Sau này Herbalife đã trở thành trung tâm của 1 cuộc chiến trong giới quỹ đầu cơ với những cái tên nổi tiếng cùng tham gia và chia thành 2 phe gồm 1 bên là Bill Ackman cùng với David Einhorn và bên kia là Carl Icahn, George Soros, Richard Perry, Dan Loeb, Kyle Bass và William Stiritz.

Hệ quả của cuộc chiến này là cổ phiếu Herbalife đã biến động rất mạnh. Tuy nhiên, cuối cùng thì Ackman đã thiệt hại hàng trăm triệu USD vì cổ phiếu Herbalife và cho đến tận bây giờ ông vẫn một mực khẳng định quan điểm của mình.

Trong vụ dàn xếp với FTC năm ngoái, Herbalife đã hoàn trả 200 triệu USD cho các nhà phân phối. Sau đó FTC ngừng gọi Herbalife là 1 mô hình kim tự tháp nhưng Herbalife buộc phải chứng minh rằng phần lớn doanh thu tại thị trường Mỹ là đến từ người tiêu dùng. Trong khi đó Ackman cho rằng doanh thu của Herbalife chủ yếu đến từ các nhà phân phối cố gắng bán được càng nhiều hàng càng tốt để nhận hoa hồng chứ không phải từ nhu cầu thực sự của người tiêu dùng đối với các thực phẩm chức năng của hãng.

Multi - level marketing (MLM, tên tiếng Việt là tiếp thị nhiều tầng hay bán hàng đa cấp, bán hàng trực tiếp, bán hàng mạng lưới) là một hình thức bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua mạng lưới các nhà phân phối gồm nhiều tầng, nhiều nhánh.

Bản chất của bán hàng đa cấp không hề xấu mà chỉ là một cách bán hàng trực tiếp khác với các mô hình kinh doanh thông thường mà trong đó người bán sẽ dựa trên các mối quan hệ và tiếp thị truyền miệng. Các nhà phân phối này được trả hoa hồng/thu nhập từ kết quả bán hàng của bản thân họ và kết quả bán hàng của những người do họ bảo trợ.

Pháp luật Mỹ thừa nhận đây là hoạt động hợp pháp. Tuy nhiên phần lớn dư luận cho rằng dù hợp pháp, bán hàng đa cấp vẫn đi theo mô hình kim tự tháp, tức lừa đảo. FTC từng cảnh báo hãy tránh xa những mô hình MLM trả phí để bạn tuyển dụng nhà phân phối mới vì đây chính là mô hình kim tự tháp bất hợp pháp. Mô hình này nguy hiểm vì sẽ sớm sụp đổ khi không thể tuyển thêm thành viên mới và khi đó tất cả - trừ những người ở đỉnh tháp – sẽ trắng tay.

FTC cho rằng điểm đáng chú ý nhất để phân biệt là công ty phải thu được doanh thu chủ yếu từ sản phẩm chứ không phải từ việc kêu gọi nhiều người tham gia và bắt họ nộp những khoản phí ban đầu rất cao.

Theo Thu Hương

Từ khóa:  cổ phiếu
Cùng chuyên mục
XEM