Bí ẩn chuyện thu hút FDI của quê hương Thành Cát Tư Hãn

16/02/2017 08:30 AM | Kinh tế vĩ mô

Hiện nay, nhiều nền kinh tế đang chú trọng quá nhiều đến thu hút nguồn vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) mà quên mất điều quan trọng nhất là định hướng lâu dài cho thị trường. Nếu không có một kế hoạch cẩn thận, nền kinh tế thay vì tăng trưởng sẽ lâm vào nhiều khó khăn như Mông Cổ đang gặp ngày nay.

Cách đây không lâu, Mông Cổ còn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhưng hiện nay, quốc gia này lại ngập tràn trong khó khăn khi nợ công tăng cao, đồng tiền mất giá còn thâm hụt ngân sách ngày càng cao. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang suy giảm dần còn tăng trưởng kinh tế thì đang thụt lùi. Thậm chí nhiều người dân thuộc tầng lớp đói nghèo của nước này còn đang phải vật lộn với bệnh dịch hạch mà không có đủ điều kiện để chữa trị.

Tồi tệ hơn, nhiều khoản nợ công của Mông Cổ sắp đáo hạn và hàng loạt ngân hàng quốc doanh của nước này đang phải đau đầu với hơn 1 tỷ USD lãi suất trái phiếu phải trả trong năm tới.

Những người dân du mục của nước này cũng hiểu được nỗi khó khăn của chính phủ và nhiều người đã tự nguyện đóng góp dê, ngựa cho chính phủ với hy vọng nền kinh tế có thể vượt qua khủng hoảng. Dẫu vậy, những chú ngựa được quyên góp chẳng thể làm gì nhiều cho những khoản nợ công khổng lồ.

May mắn thay, chính phủ Mông Cổ đã đàm phán để nhận được khoản trợ cấp lần thứ 6 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong vòng 30 năm qua. Phía Trung Quốc cũng có thể giúp một tay nhằm tránh cho nước này vỡ nợ. Tuy nhiên, Mông Cổ vẫn phải đối mặt với nhiều thử thách và rủi ro lớn phía trước.


Nợ công, tỷ lệ nợ công trên GDP, tỷ lệ mất giá của đồng Tugrik tính đến tháng 8/2016, lãi suất trái phiếu và xếp hạng tín nhiệm của Mông Cổ.

Nợ công, tỷ lệ nợ công trên GDP, tỷ lệ mất giá của đồng Tugrik tính đến tháng 8/2016, lãi suất trái phiếu và xếp hạng tín nhiệm của Mông Cổ.

Sự vươn lên của quê hương Thành Cát Tư Hãn

Vốn có ưu thế về khoáng sản với trữ lượng lớn và có đường biên giới dài với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Mông Cổ là một thị trường đầy hứa hẹn để đầu tư kể từ thập niên 2000. Tăng trưởng kinh tế của nước này đạt 17% vào năm 2011 khi hàng loạt quặng sắt lẫn than ở nơi đây được khai thác ồ ạt nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc.

Một báo cáo của IMF cho thấy tổng giá trị các quặng sắt và than của Mông Cổ có thể đạt 1-3 nghìn tỷ USD.

Tăng trưởng kinh tế của Mông Cổ bứt phá mạnh và đây là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thập kỷ tính đến năm 2015. Mức tăng trưởng bình quân GDP của Mông Cổ trong 10 năm này đạt 8% và thu nhập bình quân đầu người lên tới 4.000 USD.

“Mông Cổ có thể trở nên giàu có hơn rất nhiều. Không có nơi nào trên thế giới mà chúng ta có thể khai thác khoáng sản dễ dàng, không gặp bất kỳ khó khăn nào để bán cho Trung Quốc với chi phí vận chuyển rẻ mạt như Mông Cổ”, Giám đốc Lutz Roehmeyer của hãng Landesbank Berlin Investment nói.

Thêm vào đó, những ưu điểm như dân số trẻ, thị trường lao động và tiêu dùng dồi dào, chính trị ổn định và môi trường cởi mở cho các startup khiến Mông Cổ trở thành điểm thu hút cho nhiều nhà đầu tư không khác gì các quốc gia mới nổi khác.

Theo tài liệu nghiên cứu của 2 chuyên gia kinh tế Erdenebat Mungunzul và Taikoo Chang vào năm 2016, số công ty liên doanh và công ty vốn nước ngoài đăng ký mới tại Mông Cổ trong vòng 10 năm qua đã đạt 1.600 doanh nghiệp, đến từ 62 quốc gia và tổng số tiền đầu tư đạt 350 triệu USD. Trong đó, những nhà đầu tư Trung Quốc chiếm nhiều nhất với tỷ lệ 30%.

Đặc biệt, việc Mông Cổ mở cửa thị trường khai khoáng khiến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 19 lần trong vòng 20 năm qua. Trong đó, 56% số vốn đầu tư FDI được chi cho ngành khai khoáng, tiếp đó là các ngành ngân hàng, may mặc...

Tính đến cuối năm 2012, các doanh nghiệp vốn FDI tại Mông Cổ đã thuê đến 59.000 lao động trong nước, chiếm 7,7% tổng số lao động toàn quốc.

Xét theo giai đoạn 1900-2012, Trung Quốc là nước đầu tư FDI nhiều nhất cho Mông Cổ với tỷ lệ 49%, tiếp theo đó là Canada, Hà Lan... Đây là điều dễ hiểu khi đến 90% số khoáng sản khai thác ở Mông Cổ được xuất khẩu cho Trung Quốc.

Để đáp ứng được với sự tăng trưởng đó, chi tiêu đầu tư công cũng tăng 56% cùng kỳ. Với mức lãi suất thấp, Mông Cổ là một trong những nước được các nhà đầu tư hào phóng cho vay thời kỳ đó với hy vọng lợi nhuận dài hạn sẽ cao hơn so với kỳ vọng.

Năm 2012, Mông Cổ phát hành thành công 1,5 tỷ USD trái phiếu để đầu tư cơ sở hạ tầng, thanh toán dịch vụ công cũng như trợ giá cho một số mặt hàng thiết yếu. Với khối lượng tiền mặt lớn như vậy, những mặt trái của xã hội và kinh tế Mông Cổ bắt đầu phát sinh, nhất là với một quốc gia hiếm khi có được lượng lớn tiền mặt như vậy.

Tệ nạn tham nhũng tăng lên, chính phủ bắt đầu xây dựng những thứ phù phiếm không cần thiết như các cửa hàng bán đồ xa xỉ, khách sạn hạng sang cùng hàng loạt những tượng đài đồ sộ.

Tuy nhiên, tiệc vui chóng tàn. Nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, giá hàng hóa nguyên vật liệu đi xuống khiến Mông Cổ bất chợt nhận ra họ đang đứng gần vực thẳm hơn bao giờ hết.


Tăng trưởng GDP của Mông Cổ (%)

Tăng trưởng GDP của Mông Cổ (%)

Cái giá của “nhà giàu mới nổi”

Việc dựa dẫm quá nhiều vào khai khoáng khiến cơ cấu kinh tế của Mông Cổ bị mất cân đối nghiêm trọng. Ngành khai khoáng chiếm đến 1/4 GDP và 90% xuất khẩu của Mông Cổ và sự biến động trên thị trường hàng hóa và suy giảm nhu cầu từ Trung Quốc đã gián tiếp đẩy quốc gia này vào khủng hoảng.

Tăng trưởng chậm lại và nợ công tăng nhanh, dự trữ ngoại hối giảm mạnh, thâm hụt cán cân chi tiêu công ngày càng lớn và nếu không có sự trợ giúp từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), có lẽ Mông Cổ đã vỡ nợ từ lâu.

Tính đến tháng 6/2016, dự trữ ngoại hối của Mông Cổ chỉ còn 1,3 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước và đến hiện nay thì đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua.

Vào tháng 8/2016, Ngân hàng trung ương Mông Cổ đã phải nâng lãi suất lên 15% nhằm hỗ trợ cho đồng Tugrik đang mất giá thảm hại, vốn là đồng tiền mất giá nhiều nhất trong tháng. Tính trong cả năm 2016, đồng Tugrik đã mất giá 25% so với năm 2015.

Trong khi đó, lương công chức nhà nước bị cắt giảm tới 60%, giá thực phẩm và nhiên liệu leo thang khiến cuộc sống của người dân khó khăn hơn bao giờ hết. Mùa đông năm nay, hàng loạt dê, ngựa tại Mông Cổ chết vì đói rét cũng như bị dịch hạch hoành hành.

Tồi tệ hơn, hàng loạt dự án ở Mông Cổ đã bị đình chỉ và rút vốn do chính phủ cần tiền thanh toán nợ. Bộ tài chính Mông Cổ cho biết tỷ lệ nợ công ước tính của nước này đạt 78% GDP năm 2016, gần tương đương với Ukraine khi quốc gia này lâm vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất với Nga.

Không dừng lại ở đó, việc nhận quá nhiều vốn FDI đã tác động lan rộng trong xã hội của Mông Cổ khi các doanh nghiệp vốn nước ngoài và công ty liên doanh ngành khai khoáng có ảnh hưởng đến những ngành khác như tiêu dùng, may mặc, tài chính... Hậu quả là khi FDI bắt đầu suy giảm, hàng loạt các ngành phụ thuộc vào những công ty khai khoáng cũng chịu vạ lây.


Tăng trưởng vốn FDI vào Mông Cổ (tỷ USD)

Tăng trưởng vốn FDI vào Mông Cổ (tỷ USD)

Ô nhiễm hơn cả Bắc Kinh

Không chỉ có kinh tế, môi trường và điều kiện sống của người dân Mông Cổ đang ngày một tệ hơn. Chất lượng không khí tại Mông Cổ đã tệ hơn 80 lần so với mức cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tệ hơn 5 lần so với Bắc Kinh vào thời điểm tháng 12/2016, lúc thành phố này có nhiều khói nhất.

Tồi tệ hơn, một nghiên cứu năm 2013 của trường đại học Simon Fraser University-Canada cho thấy 10% số người tử vong tại thủ đô Ulaanbaatar là do có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Ngoài ô nhiễm không khí, việc khai thác quá đà đã khiến hệ thống sông ngòi tại Mông Cổ bị ô nhiễm nặng, nhất là khi quốc gia này lại thiếu nguồn nước. Trong khoảng 1991-2001, sản lượng khai thác vàng ở Mông Cổ đã tăng 17 lần và khiến 28 nhánh sông ở nước này nhiễm bẩn với các hóa chất cũng như kim loại nặng.

Một hệ lụy nữa của việc khai thác quá đà là sa mạc hóa. Ít nhất 90% dân số Mông Cổ chịu ảnh hưởng bởi tình trạng sa mạc hóa hiện nay. Trong khoảng 1996-2009, 1/3 số con sông của Mông Cổ đã bị cạn nước và hiện hơn 70% đất của quốc gia này có tình trạng thiếu nước, dần chuyển sang sa mạc hóa.


Độ ô nhiễm ở thủ đô U;aanbaatar của Mông Cổ cao hơn nhiều so với Bắc Kinh

Độ ô nhiễm ở thủ đô U;aanbaatar của Mông Cổ cao hơn nhiều so với Bắc Kinh

Nghiêm trọng hơn, khoảng 10% số rừng cây của Mông Cổ đã biến mất trong khoảng 1980-2000 do biến đổi khí hậu, thiếu nước và do người dân chặt cây khai khoáng cũng như lấy gỗ làm nguyên liệu sưởi ấm.

Chính tình trạng này đang khiến nhiều động vật ở Mông Cổ bên bờ tuyệt chủng cũng như khiến việc chăn nuôi, nghề truyền thống của người dân ngày càng khó khăn hơn do môi trường bị hủy hoại.

Trước tình hình trên, nhiều tổ chức xã hội và người dân đã biểu tình phản đối chính phủ khi đánh đổi kinh tế lấy môi trường, qua đó làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân.

Rõ ràng, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quá nóng không phải là giải pháp khôn ngoan khi chính phủ chưa có một định hướng đúng đắn dài hạn. Việc hấp tấp mở rộng đầu tư có thể khiến người dân lâm vào cảnh khó khăn cũng như khiến chính phủ gặp bị động khi mọi thứ không đi đúng theo kế hoạch ban đầu.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM