"Bênh" bà Clinton, Tổng thống Obama đang tự hạ thấp mình khi công khai chỉ trích Donald Trump?

05/11/2016 07:18 AM | Xã hội

Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã từng nói: “Khi họ chơi xấu (ám chỉ Đảng Cộng hòa) thì chúng ta sẽ chơi cao thượng”. Tuy nhiên, điều này có lẽ không thực sự chính xác khi nhìn vào những gì ông Obama làm.

Tổng thống Barack Obama vốn được nhiều người dân Mỹ kính trọng khi đang bước vào thời điểm cuối của nhiệm kỳ, nhưng dường như mọi chuyện đã dần thay đổi khi ông có bài phát biểu mới đây chống lại ững cử viên Donald Trump, gọi vị tỷ phú này là mối nguy hiểm cho nước Mỹ.

Bài phát biểu trên của ông Obama được nhiều chuyên gia đánh giá là không chỉ ủng hộ ứng cử viên Hillary Clinton mà còn có quan điểm bảo vệ những di sản của mình.

Trong bài phát biểu, ông Obama đã khiển trách giám đốc FBI, ông James Comey vì đã công bố những bức thư điện tử mà cơ quan này đang điều tra liên quan đến vụ bê bối của bà Clinton.

“Tôi tin tưởng bà ấy”, ông Obama tuyên bố chắc như đinh đóng cột.

Trớ trêu thay, niềm tin của ông chủ Nhà Trắng này lại không đại diện cho toàn nước Mỹ. Trên thực tế, khảo sát của tờ thời báo Washington cho thấy có 46% số cử tri Mỹ cho rằng ông Trump đáng tin hơn bà Clinton trong khi chỉ có 38% số người vẫn ủng hộ vị nữ cựu ngoại trưởng.


Tỷ lệ cử tri cho rằng ông Trump hay bà Clinton đáng tin hơn đầu tháng 9 và cuối tháng 10/2016.

Tỷ lệ cử tri cho rằng ông Trump hay bà Clinton đáng tin hơn đầu tháng 9 và cuối tháng 10/2016.

Cái tôi của Tổng thống

Trong bài phát biểu tại Bắc Carolina, ông Obama thừa nhận rằng bà Clinton bị đánh giá thấp tại Mỹ nhưng bao biện rằng vị nữ ứng viên này là một lựa chọn tốt hơn so với ông Trump.

Đối với Tổng thống Obama, ông Trump chỉ là một ngôi sao biết cách nhào nặn giới truyền thông, cứng rắn với các doanh nghiệp nhỏ và có xu hướng bất lịch sự với nữ giới. Thậm chí ông Obama còn nói thẳng ứng cử viên Trump là “kẻ thua cuộc”, là người không thích hợp để giữ mã kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

“Đây vốn không nên là vấn đề gây tranh cãi hiện nay nhưng qua thời gian, dường như yếu tố điên rồ đã trở nên bình thường trên chính trường Mỹ”, ông Obama than vãn.

Kiểu hùng biện này của Tổng thống Obama vốn không lạ gì với cử tri Mỹ. Với tài diễn thuyết của mình, ông Obama thường công kích và hạ thấp các đối thủ một cách khôn ngoan, khiến người nghe bị cuốn theo những ngôn từ hoa mỹ của mình.

Đối với ông Obama, việc không bỏ phiếu cho bà Clinton sẽ khiến đất nước chia rẽ, khiến cho một người “điên” như Trump thắng cử. Thật không may, những luận điểm này của ông Obama khiến nhiều người nghe có mặt tại Bắc Carolina ủng hộ nhưng lại không khiến giới chuyên gia hài lòng.

Tại sao ư? Đơn giản bởi vì dường như ông Obama cũng chả khác Trump là mấy khi đi chỉ trích đối thủ của nhau.

Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã từng nói: “Khi họ chơi xấu (ám chỉ Đảng Cộng hòa) thì chúng ta sẽ chơi cao thượng”. Tuy nhiên, điều này có lẽ không thực sự chính xác khi nhìn vào những gì ông Obama làm.

Hãy nhìn vào cuộc tranh cử năm 2008 khi bà Clinton là đối thủ của ông Obama. Lúc đó, Tổng thống Obama chế giễu bà Clinton là một đối thủ “đủ dễ thương”. Rõ ràng, ông Obama ưa thích việc chế giễu, hạ thấp đối thủ dù ngôn từ có hoa mỹ đến đâu đi chăng nữa. Điều này cũng không khác gì so với phong cách của ông Trump, dù vị tỷ phú bất động sản này thẳng tính hơn.

Tranh cử hay cuộc bỏ phiếu tín nhiệm?

Theo nhiều chuyên gia, việc ông Obama chỉ trích công khai ông Trump và ủng hộ bà Clinton là không thực sự hợp lý, đồng thời mang quá nhiều mục đích cá nhân.

Mở đầu bài phát biểu tại Bắc Carolina, ông Obama nhắc lại những thành tự mà mình đạt được trong 8 năm lãnh đạo, từ việc rút quân khỏi Iraq, giúp nền kinh tế Mỹ gượng lại sau cuộc khủng hoảng 2008 cho đến tạo thêm 15 triệu việc làm.

“Tất cả những gì chúng tôi đã làm được cho các bạn trong 8 năm qua và tất cả những gì chúng tôi muốn làm cho các bạn trong 8 năm tiếp theo sẽ đổ sông đổ bể hết nếu chúng tôi (ý chỉ bà Clinton) không chiến thắng trong cuộc bầu cử này”, ông Obama phát biểu.

Không dừng lại ở đó, ông chủ Nhà Trắng này còn coi bà Clinton là ứng cử viên duy nhất đã cống hiến cả đời để giúp nước Mỹ trở nên tốt hơn.

Rõ ràng, bà Clinton sẽ kế tục phần lớn các chính sách của ông Obama nếu thắng cử trong khi ông Trump hầu như sẽ đạp đổ tất cả những gì mà Tổng thống Obama cho là thành quả thắng lại khi mình còn tại vị.

Những thành quả như hiệp định thương mại TPP, chế độ cải cách bảo hiểm y tế Obamacare... những điều mà ông Obama luôn tự hào chắc chắn sẽ bị tỷ phú Trump sửa đổi nếu ông đắc cử.

Với yếu tố trên, việc ông Obama quá ủng hộ bà Clinton không phải là một bước đi công bằng đối với nhiều chuyên gia phân tích. Theo đó, việc bà Clinton có chiến thắng hay không tương đương với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, ghi nhận những thành quả mà ông Obama thường tự hào.

Dẫu vậy, có một sự thật rằng nhiều lời cam kết của Tổng thống Obama đã không được thực hiện. Mặc dù vị tổng thống thứ 44 này đã cam kết sẽ đoàn kết nước Mỹ trước khi lên nắm quyền vào năm 2009 nhưng dường như tình hình không khả quan hơn với hàng loạt vụ xả súng, bạo động của người da đen, phân biệt đối xử...

Có lẽ, người dân Mỹ đã quá mệt mỏi với những lời hứa và họ muốn một gương mặt mới dám nói dám làm. Đây có thể là nguyên nhân khiến một người không có kinh nghiệm chính trị cùng nhiều bê bối như ông Trump vẫn cạnh tranh được ngang ngửa với đối thủ nhiều kinh nghiệm Clinton.

5 lý do chính khiến nhiều người Mỹ ghét Tổng thống Obama

1. Obamacare:

Đạo luật mới về cải cách y tế của ông Obama đã khiến hàng triệu người dân Mỹ phải đóng bảo hiểm dù họ chưa chắc đã tự nguyện, trong khi phí đóng bảo hiểm lại tăng bình quân 25% với chủ yếu cho tầng lớp trung lưu. Ông Trump và nhiều nghị sĩ của Đảng Cộng hòa cho biết sẽ chấm dứt đạo luật này và thay thế bằng phương án mới.

Người dân Mỹ biểu tình phản đối Obamacare
Người dân Mỹ biểu tình phản đối Obamacare

2. Kiểm soát súng:

Người Mỹ có một văn hóa đặc biệt về súng và vũ khí, tồn tại kể từ thời cao bồi miền Tây. Vì vậy, khi ông Obama ra sắc lệnh kiểm soát súng, theo đó yêu cầu những người bán súng quy mô nhỏ phải kiểm tra lý lịch của khách hàng đã khiến rất nhiều ngưỡi Mỹ phẫn nộ.

Ông Obama khóc khi phát biểu sau vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook năm 2012
Ông Obama khóc khi phát biểu sau vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook năm 2012

3. Vị thế nước Mỹ suy giảm:

Hàng loạt những quyết định của ông Obama như thả bớt tù nhân ở nhà tù bị cho là vô nhân đạo Guantanamo hay nới lỏng các lệnh cấm vận với Iran đã bị nhiều chuyên gia phân tích đánh giá là khá mềm yếu, qua đó làm suy giảm vị thế cũng như sức răn đe của Mỹ trên trường quốc tế.

4. Mệnh lệnh hành pháp (Executive Order):

Trước việc Nghị viện không thông qua đề xuất cải cách về luật di trú của mình, Tổng thống Obama đã sử dụng “mệnh lệnh hành pháp”, theo đó ra lệnh trực tiếp mà không thông qua Nghị viện. Tháng 11/2014, nhờ mệnh lệnh này mà 5 triệu người di cư bất hợp pháp có thể ở lại Mỹ.

Tuy nhiên, các bang đã phản đối quyết định này bởi chúng khiến ngân sách của họ bị quá tải khi phải lo cho những người không phải công dân Mỹ cũng như khiến thị trường việc làm bị pha loãng. Trong khi đó, nhiều chính trị gia cho rằng động thái này của ông Obama chẳng khác gì những kẻ độc tài.

5. Mất sự ủng hộ của quân đội:

Theo một cuộc thăm dò mới đây, chỉ có 15% số người trong giới quân sự Mỹ ủng hộ ông Obama và có đến 55% phản đối.

Nguyên nhân chính là hàng loạt các vụ bê bối về việc cựu chiến binh Mỹ không được chăm sóc tử tế, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí là tử vong do thiếu quan tâm từ chính phủ. Thêm vào đó, hình ảnh Tổng thống Obama đáp lễ chào của các binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ với cốc cà phê trên tay đã khiến giới quân nhân ngày càng mất lòng tin vào ông.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM