Bê bối chấn động: Một cựu HLV bóng đá thú nhận đã bán độ dàn xếp tỷ số, nhận hối lộ 200 tỷ để đưa 4 cầu thủ lên tuyển quốc gia

16/01/2024 11:03 AM | Sống

"Khi tôi hỏi họ biếu gì, họ trả lời rằng đó chỉ 'phong tục truyền thống' và ai cũng làm vậy”, cựu chủ tịch CFA thừa nhận.

Kênh truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV1) ngày 9/1 đã phát sóng phóng sự đặc biệt về chống tham nhũng, bóc trần những bê bối tại Liên đoàn Bóng đá và Đội tuyển Quốc gia của đất nước hơn 1 tỷ dân.

Tâm điểm của chương trình là lời thú nhận của cựu huấn luyện viên Đội tuyển Trung Quốc Li Tie, người bị điều tra từ tháng 11/2022.

Lý Thiết (Li Tie) sinh năm 1977, từng là cầu thủ của đội tuyển bóng đá nam Trung Quốc, thi đấu ở World Cup 2002. Sau khi giải nghệ, Lý giữ chức HLV trưởng của nhiều câu lạc bộ Super League Trung Quốc như Hebei Huaxia Fortune và Wuhan Zall.

Tháng 1/2020, Lý trở thành HLV trưởng của đội tuyển bóng đá nam Trung Quốc, dẫn dắt đội trong 10 trận vòng loại World Cup, giành được 5 trận thắng, 2 trận hòa và 3 trận thua. Tháng 12/2021, Lý từ chức HLV đội tuyển quốc gia do nhiều tranh cãi ngoài sân cỏ.

Bê bối chấn động: Một cựu HLV bóng đá thú nhận đã bán độ dàn xếp tỷ số, nhận lối hộ 200 tỷ để đưa 4 cầu thủ lên tuyển quốc gia - Ảnh 1.

Lý Thiết (Li Tie) thừa nhận tham nhũng trong phóng sự phát trên kênh CCTV1

Tháng 11/2022, Lý bị giám sát, điều tra vì nghi ngờ đưa hối lộ, nhận hối lộ. Ngày 2/8/2023, Lý bị truy tố, hiện bị giam chờ xét xử.

Trong phóng sự chuyên đề chống tham nhũng của đài CCTV, Lý thú nhận hai lần dẫn dắt câu lạc bộ vào Super League đều nhờ bán độ, đưa hối lộ để trở thành HLV đội tuyển quốc gia và nhận 60 triệu nhân dân tệ (hơn 200 tỷ đồng) để đưa 4 cầu thủ lên đội tuyển quốc gia.

Lý nói: "Có một số việc từng nghĩ là chuyện bình thường trong giới bóng đá, nhưng bây giờ nhìn lại nhiều điều đều là phi pháp".

Đưa hối lộ để trở thành HLV tuyển quốc gia

Truyền thông Trung Quốc cho biết, Lý Thiết được bổ nhiệm làm Huấn luyện viên Đội tuyển nước này là nhờ thành tích đã giúp 2 câu lạc bộ giành quyền lên chơi tại Chinese Super League là Hebei Huaxia Fortune (Hà Bắc) và Wuhan Zall (Vũ Hán). Nhưng trên thực tế, phía sau thành công này là rất nhiều vụ dàn xếp tỷ số, hé lộ bê bối tham nhũng có hệ thống trong bóng đá Trung Quốc.

"Khi còn là cầu thủ, tôi ghét nhất những kẻ tham gia dàn xếp tỷ số. Tuy nhiên, vì tôi biết những hành động này có thể giúp đội bóng có cơ hội thăng hạng nên khi lần đầu tiên trở thành huấn luyện viên trưởng, tôi cũng có mong muốn đặc biệt là chứng tỏ bản thân, nên tôi đã chọn cách đi đêm," Lý Thiết nói

Chung cuộc, Hà Bắc giành được 8 chiến thắng liên tiếp, đạt vị trí á quân và thành công thăng hạng Super League. Đặc biệt ở trận đấu cuối cùng, Hà Bắc phải thắng đội Thâm Quyến hoặc hòa để đảm bảo một suất thăng hạng, vì thế câu lạc bộ phải chi rất nhiều tiền.

Cựu chủ tịch Hà Bắc thừa nhận đã bỏ khoảng 14 triệu nhân dân tệ (hơn 48 tỷ đồng) cho trận đấu cuối cùng, để "thăm hỏi" HLV trưởng và các cầu thủ câu lạc bộ Thâm Quyến. Thực lực của Hà Bắc mạnh hơn Thâm Quyến nhưng vẫn bỏ tiền vì để nắm chắc chiến thắng.

"Việc thành công bằng những cách không đúng đắn như vậy thực sự khiến tôi ngày càng mất kiên nhẫn và mong muốn có kết quả nhanh chóng. Để đạt được thành tích tốt, tôi đã tìm cách gây ảnh hưởng lên trọng tài, mua chuộc cầu thủ và huấn luyện viên đối phương," Lý Thiết nói tiếp.

Bê bối chấn động: Một cựu HLV bóng đá thú nhận đã bán độ dàn xếp tỷ số, nhận lối hộ 200 tỷ để đưa 4 cầu thủ lên tuyển quốc gia - Ảnh 2.

Nhờ thành tích mua được bằng tiền, Lý nghiễm nhiên trở thành HLV trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia

Theo đó, ngoài cấp câu lạc bộ, ban huấn luyện của Lý còn chịu trách nhiệm trực tiếp mua chuộc cầu thủ đối phương. Lý hướng dẫn trợ lý tên Trịnh Bân liên hệ với hậu vệ chính Lê Phỉ ở đội Thâm Quyến, là đồng hương của Bân.

Lê Phỉ đưa ra mức giá 6 triệu nhân dân tệ và cho biết sẽ giúp "lót tay" nhiều cầu thủ chủ chốt. Lập tức, phía Hà Bắc đồng ý. Song thực tế, Lê Phỉ bỏ túi cả 6 triệu nhân dân tệ, không đưa cho ai khác.

Từng được hưởng lợi từ việc dàn xếp tỷ số tại Hà Bắc nên khi được thuê làm HLV của Vũ Hán vào năm 2017, Lý bắt đầu tích cực quảng bá khả năng dàn xếp tỷ số cho câu lạc bộ mới. Trước sự xúi giục của Lý, đội Vũ Hán cũng quyết định tung tiền để thăng hạng bằng mọi giá. Ngày 6/10/2018, Vũ Hán thành công lên Super League trước ba vòng đấu.

Nhờ thành tích dẫn dắt hai câu lạc bộ vào Super League, Lý đã tích lũy đủ "vốn liếng" để mưu cầu vị trí HLV trưởng đội tuyển bóng đá nam quốc gia. Tháng 8/2019, Lý biết tin Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) sắp xây dựng đội tuyển bóng đá nam để chuẩn bị tham gia Giải vô địch bóng đá Đông Á, Lý cảm thấy cơ hội đã đến.

Lý Thiết từng nói việc dẫn dắt Đội tuyển Quốc gia là một giấc mơ lớn. Nhưng trong chương trình trên CCTV, Lý thừa nhận giấc mơ ấy được mua bằng tiền. Cụ thể, Lý đã thuyết phục CLB Vũ Hán chi 2 triệu Nhân dân tệ để hối lộ Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) khi đó là Trần Tuất Nguyên (Chen Xuyuan). Đồng thời bỏ 1 triệu Nhân dân tệ tiền túi để hối lộ Lưu Dịch (Du Zhaocai), nguyên phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thể thao kiêm Bí thư Đảng ủy CFA.

Đổi lại, CLB Wuhan Zall và Lý Thiết sau đó cũng ký một hợp đồng để hợp thức hóa các khoản chi, đó là Lý sẽ gọi 4 cầu thủ của Wuhan lên tuyển.

Bê bối chấn động: Một cựu HLV bóng đá thú nhận đã bán độ dàn xếp tỷ số, nhận lối hộ 200 tỷ để đưa 4 cầu thủ lên tuyển quốc gia - Ảnh 3.

Bê bối trong bóng đá Trung Quốc là có hệ thống - Ảnh: Reuters

Cựu chủ tịch Wuhan Zall thừa nhận "xấu hổ" khi xem danh sách đội tuyển quốc gia vì biết với năng lực của các cầu thủ đội mình, không ai có thể được gọi lên tuyển.

Kết quả như mong muốn, Lý được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia từ ngày 2/1/2020 đến 3/12/2021.

Lý Thiết là một trong những huyền thoại của bóng đá Trung Quốc, thuộc thế hệ vàng đưa đội tuyển nước này lần đầu giành quyền dự World Cup năm 2002, cùng với Phan Chí Nghị, Tôn Kế Hải... Họ Lý cũng là một trong những cầu thủ Trung Quốc đầu tiên ra nước ngoài thi đấu, từng khoác áo Everton ở giải Ngoại hạng Anh.

 bối có hệ thống trong bóng đá

Bộ phim tài liệu của CCTV tập trung vào cuộc điều tra bóng đá của cơ quan chống tham nhũng – Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương – bắt đầu vào năm ngoái sau khi đội tuyển Trung Quốc bị loại ở vòng sơ loại World Cup Qatar.

Trần Tuất Nguyên, cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc nói trong phóng sự: “Tham nhũng trong bóng đá Trung Quốc không chỉ tồn tại ở một số lĩnh vực riêng lẻ mà nó ở khắp mọi nơi, ở mọi khía cạnh”.

Trong vụ điều tra tham nhũng tại Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc, hàng chục quan chức cấp cao và cấp trung đã bị đưa vào diện giám sát, gồm cả Trần Tuấn Nguyên và Lưu Dịch. Hàng chục cá nhân khác gồm cầu thủ, trọng tài, huấn luyện viên, giám đốc điều hành câu lạc bộ cũng đã bị thẩm vấn.

Trần kể lại rằng vào đêm trước khi ông được bầu làm Chủ tịch CFA (tháng 8/2019), hai quan chức hiệp hội bóng đá địa phương đã đến biếu quà, mỗi người đưa 300.000 Nhân dân tệ (42.200 USD).

Bê bối chấn động: Một cựu HLV bóng đá thú nhận đã bán độ dàn xếp tỷ số, nhận lối hộ 200 tỷ để đưa 4 cầu thủ lên tuyển quốc gia - Ảnh 4.

Trần Tuất Nguyên, cựu Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc cũng là người nhận hối lộ

"Họ bước vào phòng tôi, thản nhiên đặt ba lô lên ghế sofa của tôi và nói: Xin chúc mừng, Chủ tịch Trần. Chúng tôi hy vọng ngài có thể để ý đến chúng tôi nhiều hơn. Khi tôi hỏi họ biếu gì, họ trả lời rằng đó chỉ 'phong tục truyền thống' và ai cũng làm vậy,” Trần nói.

“Nếu tôi cố gắng làm sạch môi trường, chẳng phải tôi sẽ bị bắt sao?”, ông Trần kể lại.

Cựu Bí thư Đảng ủy CFA Lưu Dịch cũng thừa nhận lạm dụng chức vụ để trục lợi, nhận quà và tiền lên tới hàng triệu nhân dân tệ trong khi nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm trong làng bóng đá nước này.

Suy sụp khi thú nhận, ông Trần cho biết “trách nhiệm chính với tư cách là cựu chủ tịch CFA”. “Tôi phải thừa nhận tội lỗi của mình và xin lỗi tất cả người hâm mộ bóng đá Trung Quốc”.

Tệ nạn tham nhũng lan tràn đã khiến bóng đá Trung Quốc ngày càng đi xuống, dù họ không tiếc tiền chiêu mộ các siêu sao về thi đấu tại Chinese Super League. Tại vòng loại World Cup gần nhất (2022), Đội tuyển Trung Quốc chỉ lọt vào tới vòng loại thứ 3 của khu vực châu Á và đứng áp chót, trong đó có trận thua Việt Nam trên sân Mỹ Đình vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán năm đó.

Theo SCMP

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM