"Bày" cách tìm mentor cho người trẻ, CEO Thi Anh Đào bật mí 2 chìa khóa quan trọng nhất: Sự chân thành và thái độ cầu thị

21/05/2020 07:08 AM | Sống

Chị Thi Anh Đào so sánh các anh chị lớn giống như một cái cây tỏa bóng mát, họ luôn muốn chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho các thế hệ sau. Vì thế, giữ thái độ đúng đắn và lễ phép, chắc chắn người trẻ sẽ tìm được những mentor phù hợp.

Ở độ tuổi 20, nhiều bạn trẻ khá mông lung không biết mình nên chọn con đường đi nào phù hợp cho tương lai sắp tới, bởi dù có theo học một ngành đại học thì nhiều người trong số họ vẫn không nghĩ rằng họ sẽ theo đuổi công việc đó khi tốt nghiệp. Nếu các bạn trẻ tìm được người dẫn dắt và định hướng cho mình, chắc hẳn các bạn sẽ không còn hoang mang khi nhìn vào tương lai. 

Không ít những doanh nhân thành công như Mark Zuckerberg, Bill Gates, Richard Branson chẳng ngại ngần thừa nhận họ từng có một người cố vấn tốt, hoặc nhờ nghe theo lời khuyên của ai đó mà có được thành quả.

Mentor của Bill Gates chính là phù thủy đầu tư Warrent Buffett, người đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng tỉ phú thế giới với khối tài sản 88,8 tỷ USD. Sau đó, Bill Gates là người đã "mentor" cho Satya Nadella - CEO hiện tại của Microsoft.

Người mà ai cũng biết là ai đấy, Steve Jobs không chỉ là người "mentor" cho Tim Cook - CEO Apple hiện tại mà chính ông cũng từng "mentor" cho CEO Facebook Mark Zuckerberg và CEO Alphabet Larry Page. Tương tự Larry Page là "mentor" trực tiếp cho Sundar Pichai - CEO hiện tại của Google.

Bày cách tìm mentor cho người trẻ, CEO Thi Anh Đào bật mí 2 chìa khóa quan trọng nhất: Sự chân thành và thái độ cầu thị - Ảnh 1.

Chân dung chị Thi Anh Đào.

Cũng trong cuộc đối thoại về chủ đề “Hành trình khám phá bản thân” do tổ chức Lead the Change tổ chức ngày 12/5 vừa qua, chị Thi Anh Đào - Giám đốc điều hành Isobar Vietnam - đã nhấn mạnh khá nhiều tới việc các bạn trẻ nên có cho mình một mentor.

Chị Thi Anh Đào đã từng nằm trong top Forbes 30 Under 30 năm 2015. Năm 2016, chị là người Việt Nam đầu tiên được lựa chọn vào danh sách 40 phụ nữ nổi bật trong ngành quảng cáo và tiếp thị Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chị cũng chính là tác giả của quyển "Nhìn. Hỏi. Rồi, nhảy đi" được rất nhiều bạn trẻ yêu thích thời gian qua.

Nói về câu chuyện đi tìm mentor, không phải ngay từ đầu, chị đã tìm thấy người hướng dẫn phù hợp với mình. Chị kể lại: "Ngày trước, tôi có được giới thiệu nói chuyện với một anh mentor. Dù anh có rất nhiều kinh nghiệm nhưng tôi không cảm nhận được năng lượng từ anh, vì vậy tôi đã xin phép ra về ngay."

Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học. Bù lại, chị có tính cách xông xáo, tự tin, không sợ sệt. Chị chia sẻ thật lòng: "Khi mình ở độ tuổi sinh viên, bản thân cũng chưa hình thành khái niệm mentor, cứ "xông" đi hỏi thôi. Hơn nữa, bởi từ nhỏ tôi được dạy là không sợ dốt nên lúc nào đi học cũng ngồi bàn đầu. Năm lớp 10, học Triết học, tôi liên tục hỏi thầy những chỗ mình chưa hiểu, thậm chí thầy đã giảng đến lần thứ 5 đến mức nản mà tôi cũng chưa tiếp thu được. Ấy vậy, cuối cùng, tôi lại là người duy nhất đạt điểm 9 cuối học kì trong toàn khóa.

Về sau, tôi hiểu được việc đặt câu hỏi không mất gì cả. Kết quả xấu nhất chỉ là người ta từ chối trả lời câu hỏi của mình mà thôi. Mà khi ấy, tôi chẳng sợ gì cả.

Điển hình, khi học năm 3, tôi tới tìm một anh giữ chức vụ Giám đốc truyền thông của một tập đoàn lớn để hẹn cafe để xin cơ hội thực tập và tìm hiểu về ngành PR & Marketing. Vì học Ngoại giao nên tôi không hề có kiến thức gì về chuyên ngành kia cả. Thậm chí, sau khi anh đó dành một buổi để nói chuyện với tôi còn khen tôi là bạo dạn. 

Ngay cả sau này, sau khi ra trường về Sài Gòn làm việc, tôi có một dự án muốn kết hợp với anh Giản Tư Trung. Khi xin được số điện thoại và một số thông tin lịch trình làm việc của anh, tôi quyết định "bốc" điện thoại 12h trưa gọi: "Em xin lỗi vì gọi vào giờ ngủ trưa nhưng em biết anh rất bận. Anh có thể cho em 5 phút được không ạ?". Và cuối cùng ảnh cho tôi hẳn 45 phút."

Bày cách tìm mentor cho người trẻ, CEO Thi Anh Đào bật mí 2 chìa khóa quan trọng nhất: Sự chân thành và thái độ cầu thị - Ảnh 2.

Chính vì vậy, chị Thi Anh Đào kết luận rằng việc tìm mentor không hề khó, điều quan trọng là bạn có cởi mở và lắng nghe họ hay không. Mentor là những người dẫn dắt mình, giúp mình tìm được những câu trả lời mình còn thắc mắc. Tuy nhiên, không phải ai cũng có phương pháp làm mentor nên nếu ai đó nói những lời không "lọt lỗ tai", không vừa lòng mình, mình gạt phắt đi, không muốn nghe. Và từ đó, tự đánh mất cơ hội của chính mình.

Vấn đề tìm mentor dễ hay khó đã được giải quyết. Tuy nhiên, một vấn đề nữa được đặt ra là nhiều bạn trẻ không biết "mở lời" sao cho khéo léo và lịch sự với mentor. Lần đầu tiên bắt chuyện, không ít bạn trẻ đã khiến mentor cảm thấy họ không được tôn trọng.

Chị Thi Anh Đào tâm sự: "Thực ra hầu hết các anh chị lớn luôn luôn có tâm lý muốn chia sẻ. Cây cỏ bằng nhau thì sẽ che nhau, giống như bạn bè cùng trang lứa sẽ muốn cạnh tranh. Còn khi có một cái cây vươn lên, nó sẽ tỏa bóng mát. Vì thế, nhu cầu chia sẻ có xuất hiện ở các anh chị lớn. Nên nếu mình đánh đúng tâm lý đó, câu trả lời phần lớn sẽ là "yes".

Dù sao, anh chị cũng là người xa lạ. Điều đầu tiên các bạn cần làm đó là lễ phép, điều thứ hai là các bạn cần nói chuyện có đầu có đuôi. Tôi đánh giá điều quan trọng nhất là mentor thấy được sự chân thành và thái độ cầu thị của bạn thì chắc chắn họ sẽ dành thời gian cho bạn dù bạn là ai."


PV

Cùng chuyên mục
XEM