Bầu Thụy và những pha "làm mưa làm gió" trên đấu trường kinh tế Việt Nam

09/05/2016 11:57 AM | Kinh doanh

Trong các "bầu" Việt Nam, có lẽ không có ai tiêu tiền "ngông" như ông Nguyễn Đức Thụy. Nguyễn Đức Thụy được biết đến là một đại gia Ninh Bình ghét sự mờ nhạt, cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền. Thế nhưng, dù có thỏa sức vung tiền thì trên thương trường, Bầu Thụy vẫn nếm trải đắng - cay - ngọt - bùi, đủ cả.

Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, mới đây, Bầu Thụy lại "tái xuất" trên truyền thông sau khi Tập đoàn Thaigroup do ông làm Chủ tịch đưa ra đề án triển khai dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á và thuỷ điện trên sông Hồng.

Cụ thể, dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện đề xuất việc tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện.

Tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỷ USD (khoảng 24.500 tỷ đồng). Dự án giao thông đường thuỷ xuyên Á dự tính kết nối, nâng cấp hai tuyến vận tải thủy từ Hải Phòng - Việt Trì (Phú Thọ) với Hà Nội - Lạch Giang (Nam Định).

Đặc biệt, chủ đầu tư nhấn mạnh dự án này sẽ giúp tăng cường giao lưu thương mại, vận tải xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc).

Mặc dù chưa có kết quả chính thức từ Chính phủ nhưng đề xuất này của Thaigroup lại khiến mọi con mắt của truyền thông và dư luận đổ dồn về phía Bầu Thụy.

Có rất nhiều lý do. Bên cạnh vấn đề của bản thân hiệu quả của dự án, nghi ngại cũng được đặt ra.

Đi lên từ xi măng, nhưng trải qua nhiều phi vụ trong quá khứ, không phải thương vụ mở rộng đầu tư, kinh doanh lớn nào của Bầu Thụy cũng thành công, suôn sẻ như ý muốn.

Chẳng hạn như bóng đá.

Tuy gặt hái được một số thành công trên thương trường, nhưng cũng giống như bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai, tên tuổi bầu Thụy chỉ được nhiều người biết đến khi ông tiến sang lĩnh vực thể thao.

Năm 2011, bầu Thụy mua lại suất hạng nhất của V&V Hòa Phát và đổi tên đội này thành Sài Gòn Xuân Thành.

Thực hiện hóa tham vọng đưa Sài Gòn Xuân Thành trở thành một thế lực lớn của làng bóng đá, bầu Thụy đã ngay lập tức bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để nâng cấp đội bóng, đồng thời chiêu mộ hàng loạt ngôi sao vào thời điểm ấy như Minh Đức, Phước Tứ, Duy Quang, Huỳnh Kesley Alves...

Nhưng đáng tiếc, có lẽ bầu Thụy chỉ thành công ở khía cạnh marketing khi tạo dựng thêm tên tuổi cho Tập đoàn Xuân Thành, còn trên sân cỏ, thành tích của Sài Gòn Xuân Thành ngày càng đi xuống. Cộng với sức ép tài chính ngày càng lớn, bầu Thụy chính thức giải tán câu lạc bộ này vào năm 2013.

Bầu Thụy sẩy chân khi lướt sóng chứng khoán

Một lĩnh vực khác cũng chứng kiến cú “sẩy chân” của bầu Thụy là chứng khoán.

Sự sôi động của thị trường chứng khoán đã khiến bầu Thủy bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để thâu tóm 81,5% cổ phần của Công ty Chứng khoán VIX vào năm 2012, đổi tên thành Chứng khoán Xuân Thành. Thương vụ này đã đưa ông trở thành một trong những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán thời điểm ấy.

Nhưng trái với kỳ vọng, thị trường chứng khoán Việt Nam sau đó đã vấp phải nhiều cú sốc và lao dốc, kéo theo các nhà môi giới có thị phần nhỏ như Chứng khoán Xuân Thành phải lao đao.

Chỉ 2 năm sau, không chịu được áp lực, vị doanh nhân trẻ tuổi này đã phải nhượng lại toàn bộ cổ phần trong Chứng khoán Xuân Thành cho các nhà đầu tư khác và chính thức rút lui.

Bảo hiểm thất thế

Không chỉ bóng đá, chứng khoán, Bầu Thụy cũng từng nếm trái đắng ở lĩnh vực bảo hiểm.

Kết quả kinh doanh từ năm 2012 đến 2014 của Tổng Công ty Bảo hiểm Xuân Thành liên tục rơi vào tình trạng làm ăn bết bát.

Năm 2013, Bảo hiểm Xuân Thành lỗ khủng 20,9 tỷ đồng, năm 2012 lỗ 55,3 tỷ đồng. Năm 2014, Bảo hiểm Xuân Thành ghi nhận doanh thu 210 tỉ đồng, lợi nhuận sau thế đạt 4,5 tỉ đồng.

Năm 2015, Bảo hiểm Xuân Thành cũng ghi nhận mức lãi nhưng con số lợi nhuận không thấm vào đâu so với những khoản lỗ khủng từ những năm trước đó để lại.

Khách sạn Kim Liên

Cuối năm 2015, Bầu Thụy được chú ý sau khi bạo tay chi 1.000 tỷ đồng, cao gấp gần 10 lần giá chào bán của SCIC để sở hữu 52,4% cổ phần tại Công ty Du lịch Kim Liên (đơn vị sở hữu Khách sạn Kim Liên).

Đầu năm 2016, ông Thụy được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp này.

Theo Bầu Thụy, việc đầu tư vào Khách sạn Kim Liên nằm trong chiến lược dài hạn của Tập đoàn Thaigroup. Sau khi nhậm chức, ông sẽ tiếp tục củng cố về mặt nhân sự, cử thêm 2 thành viên tham gia vào Hội đồng quản trị Khách sạn Kim Liên, thay thế cho các thành viên do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cử trước đây.

Tuy nằm ở vị trí vàng, song mức chi trả cho thương vụ này được nhiều chuyên gia nhận định khá mạo hiểm khi Khách sạn Kim Liên chỉ còn thời hạn 30 năm thuê đất và có kết quả kinh doanh không mấy khả quan.

Năm 2015, khách sạn Kim Liên chịu lỗ gần 26 tỷ đồng. Kể từ năm 2009, sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần, đơn vị này chưa từng chịu lỗ nhưng mức lãi hàng năm cũng không cao. Tính đến cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu của khách sạn Kim Liên là 49 tỷ đồng.

Ngoài những thương vụ nêu trên, Bầu Thụy còn khá nổi tiếng với thú chơi bóng đá hay siêu xe, ông cũng đã thử sức với chứng khoán và bảo hiểm.

Đã từng có thông tin cho rằng ông đã “ném” vào bóng đá cả trăm tỷ đồng; Hay đã từng sở hữu những siêu xe sang trọng nhất Việt Nam như chiếc phantom đầu tiên tại Ninh Bình, 3 Rolls Royce Ghost và 1 Maybach 62s và các loại Mercedes S-Class, BMW 7-Series, Range Rover, Lexus Ls600hl, Lx570, X5 4.8,...

Dạ Nguyệt

Cùng chuyên mục
XEM