Bầu Long Hoà Phát và ông Vũ Hoa Sen, ai cười ai khóc nếu Mỹ áp thuế chống bán phá giá với thép?

10/10/2016 08:30 AM | Kinh doanh

Đáp án đã có trong bức ảnh của chúng tôi: Họ cười thật tươi!

Mới đây, các nhà sản xuất thép tại Mỹ đã nộp đơn kiện chống lẩn tránh "thuế chống bán phá giá" và "thuế chống trợ cấp" tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) với các sản phẩm thép cán nguội và thép chống ăn mòn (thép mạ) nhập khẩu từ Việt Nam đến các thị trường này.

Nguyên nhân là do, sau khi Mỹ ban hành lệnh áp thuế với thép từ Trung Quốc, lượng xuất khẩu từ Trung Quốc đối với các sản phẩm nói trên sang Mỹ giảm mạnh, nhưng lượng xuất khẩu từ Việt Nam bất ngờ tăng vọt.

Chính vì thế, các doanh nghiệp Mỹ nghi ngờ thép Trung Quốc đã đội lốt thép Việt Nam để nhập vào Mỹ, bằng cách đưa thép sang Việt Nam gia công nhỏ, hoặc không đáng kể, để lẩn tránh thuế.

Thông tin này khiến nhiều người lo ngại cho tình hình xuất khẩu của 2 ông lớn ngành thép, là Hoà Phát và Hoa Sen. Trên thực tế, giá cổ phiếu 2 tập đoàn đã liên tục sụt giảm dù thị trường chứng khoán đi lên tuần qua.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của Hoà Phát và Hoa Sen thực ra chẳng hề bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi động thái này.

Theo báo cáo của một công ty chứng khoán, việc điều tra lần này chủ yếu tập trung vào 2 doanh nghiệp là China Steel Sumikin Vietnam và Posco Việt Nam. Đây là các doanh nghiệp đang nhập các mặt hàng thép cán nóng (HRC) từ Trung Quốc và sản xuất thành thép cán nguội (CRC) và tôn mạ thành phẩm, rồi xuất sang Mỹ.

Phía Mỹ sẽ nghiên cứu các yếu tố dưới đây để quyết định xem một doanh nghiệp khi xuất khẩu sản Mỹ có tránh thuế chống phá giá hay không:

- Có hay không sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ cùng loại với các sản phẩm sản xuất tại các nước bị áp thuế chống bán phá giá;

- Có hay không các sản phẩm này trước khi nhập khẩu vào Mỹ được lắp ráp và hoàn thiện tại một nước thứ ba;

- Có hay không các quá trình lắp ráp và hoàn thiện tại nước xuất khẩu ở mức độ nhỏ hoặc không đáng kể;

- Có hay không giá trị của các sản phẩm này được sản xuất tại nước bị áp thuế chống bán phá giá chiếm phần lớn tổng giá trị của sản phẩm được xuất sang Mỹ;

- Cơ quan quản lý xác định điều tra là cần thiết để chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá.

Đối với Tập đoàn Hoa Sen, một lãnh đạo của Tập đoàn cho biết, mặc dù Hoa Sen nhập khẩu thép cán nóng (HRC) từ Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, công ty phải thực hiện nhiều công đoạn để sản xuất tôn mạ thành phẩm trước khi xuất qua Mỹ. Vì vậy, chưa có bằng chứng rõ ràng rằng tôn mạ Hoa Sen sẽ bị áp thuế chống bán phá giá như các doanh nghiệp sản xuất thép khác đang tránh thuế chống bán phá giá.

Trong trường hợp xấu nhất, là Hoa Sen bị áp mức thuế chống bán phá giá cao nhất tại Mỹ, thì mức thuế này sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của HSG.

Lãnh đạo Hoa Sen cho rằng, thị trường xuất khẩu của HSG tương đối đa dạng, lên đến 65 nước và vùng lãnh thổ, vì vậy công ty có khả năng chuyển sang thị trường xuất khẩu khác với biên lợi nhuận cao hơn khi thị trường này đóng cửa do thuế chống bán phá giá được áp dụng. Do vậy, sản lượng tiêu thụ và doanh thu của Hoa Sen trong những quý tới sẽ không giảm mạnh kể cả trong trường hợp xấu nhất.

Đối với Hoà Phát, sản phẩm xuất khẩu chính là thép dài và thép ống, nên không bị ảnh hưởng bởi cuộc điều tra chống lẩn tránh thuế. Hơn nữa, tháng 6 vừa qua, DOC đã công bố quyết định sơ bộ đối với việc điều tra chống bán phá giá ống thép carbon nhập khẩu vào Mỹ, trong đó Hoà Phát là công ty duy nhất chỉ phải chịu mức thuế thấp là 0,38% nhờ trả lời đầy đủ và chi tiết bảng câu hỏi của DOC.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM