Bắt tay nông dân xây đế chế nông nghiệp tỷ USD, Lộc Trời gặp những khó khăn gì?

25/07/2017 13:59 PM | Kinh doanh

Với một doanh nghiệp cung ứng lớn, chữ tín cực quan trọng, nhưng với một người nông dân, lời lãi 100 đồng/kg cũng là nhiều - một doanh nhân trong lĩnh vực nông nghiệp từng than thở khi nói về mối quan hệ doanh nghiệp – nông dân trong câu chuyện sản xuất nông sản.

Ngày đầu tiên lên sàn, Lộc Trời – doanh nghiệp nông nghiệp có doanh thu năm 2016 lớn nhất trên cả 3 sàn chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE), chứng khoán Hà Nội (HNX) và sàn UPCOM – đã đặt mốc vốn hóa 1 tỷ USD vào năm 2021.

Trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, nhiều doanh nghiệp Việt, kể cả các doanh nghiệp lớn cũng phải than thở vì diện tích dành cho nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, trong khi hợp tác với nông dân thì vừa khó kiểm soát chất lượng nông sản, vừa thấp thỏm vì tính cam kết của người nông dân không cao.

“Mọi người cứ hỏi tại sao doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo không ký hợp đồng với nông dân để mua lúa gạo cho người dân. Câu trả lời là KHÔNG LÀM ĐƯỢC. Bởi với phần đông nông dân, lời 100 đồng/kg cũng là nhiều”, ông Nguyễn Văn Khải – Thành viên HĐQT Công ty Thủy sản Bến Tre – chia sẻ với phóng viên.

Ví như doanh nghiệp xuất khẩu gạo ký được với nông dân vào đầu vụ là 7.500 đồng/kg – mức giá có thể nông dân đã có lời. Nhưng cuối vụ, khi ngoài chợ bán 7.800 đồng/kg thì nông dân lại đòi phải 7.800 đồng/kg họ mới bán…

* Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp thấy rất khó khăn khi làm việc với nông dân khi tính cam kết của người nông dân Việt Nam không cao. Lộc Trời có gặp khó khăn tương tự?

Ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời: Nếu nói khó khăn thì tất cả đều khó khăn, chỉ khác nhau ở mức độ và cách giải quyết.

Chúng tôi có lợi thế là làm việc tốt với nông dân, có lực lượng 3 cùng: Cùng ăn, Cùng ở, Cùng làm với nông dân. Cho nên, với những khó khăn đó, Lộc Trời gặp phải ít hơn và có cách giải quyết hợp tình hợp lý hơn, nên đạt được kết quả tốt hơn.

Bắt tay nông dân xây đế chế nông nghiệp tỷ USD, Lộc Trời gặp những khó khăn gì? - Ảnh 1.

Ảnh: Báo đầu tư.

Tuy nhiên, tôi nghĩ đã đến lúc cần phải có sự minh bạch mạnh mẽ của Nhà nước trong việc thực hiện vai trò để đảm bảo việc hợp tác Bốn bên hay Năm bên được tốt hơn, trong đó quan trọng nhất là mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp được bền vững.

Tôi tin với chủ trương mới, Chính phủ mới kiến tạo, minh bạch và liêm khiết, thì 2 việc chúng tôi rất cần trong liên kết Bốn nhà là vai trò kiến tạo - định hình, làm trọng tài cầm cân nảy mực và vai trò chế tài mỗi khi có bên thực hiện không đúng cam kết, thì tình hình sẽ được cải thiện, thậm chí cải thiện một cách cơ bản.

* Nông dân khá nhạy cảm về giá. Làm việc với Lộc Trời, nông dân được tự định giá khi bán lương thực?

Trong giai đoạn đầu, để tập hợp được nông dân, mình gom các phần khó về mình. Dẫu gì so với nông dân thì mình sức khỏe tốt hơn, mình chịu cái khó để giải quyết đầu ra cho tốt. Sau khi tập dượt, mình mới minh định với nông dân phần nào là trách nhiệm của bà con, phần nào là trách nhiệm của các nhà khoa học, phần nào là trách nhiệm của doanh nghiệp, trách nhiệm của Nhà nước.

Như đã nói lúc nãy, vai trò của Nhà nước là kiến tạo thì sẽ tham gia làm trọng tài cầm cân nảy mực, là Nhà nước liêm chính khi thực hiện các chế tài khi có bên làm chưa tốt.

* Vấn đề ruộng đất thì sao thưa ông?

Chúng tôi rất quan tâm tới vấn đề này. Sở dĩ chúng tôi làm cánh đồng mẫu lớn chính là cái khó mà tích tụ ruộng đất và hạn điền cản trở. Cho nên, chúng tôi liên kết từ nhỏ đến lớn để giải quyết vấn đề đó.

Tuy nhiên, Lộc Trời không cực đoan ở chỗ phải tích tụ ruộng đất bằng mọi giá, mà chúng tôi cho rằng cần tập trung ruộng đất để sản xuất lớn, để đưa cơ giới hóa, tự động hóa, nâng cao năng suất, đưa khoa học kỹ thuật vào để giảm giá thành.

Việc tập trung ruộng đất là mục tiêu tối thượng, còn tích tụ ruộng đất là một biện pháp. Thành ra, tích tụ đòi hỏi mang tính nhân văn và nhân đạo, để đảm bảo giữa người mua và người bán diễn ra theo quy luật thị trường chứ không theo một áp đặt của ai hay không bị lợi dụng bởi kẻ mạnh mà người yếu là người nông dân.

* Sản phẩm gạo của Lộc Trời - "Hạt ngọc trời" xuất khẩu ra 36 quốc gia. Và 60% thị trường xuất khẩu gạo là sang Trung Quốc. Liệu doanh nghiệp có quá phụ thuộc vào một thị trường?

Đừng mặc định xuất khẩu nhiều sẽ không có thị trường mục tiêu. Thị trường mục tiêu của Lộc Trời là Philippines và Trung Quốc. Chúng ta cũng không mặc cảm tại sao chúng ta phụ thuộc vào thị trường đó. Thị trường là cung – cầu mà. Trung Quốc rất cần các nông sản Việt Nam và Việt Nam cũng rất cần tiêu thụ sản phẩm của mình tại nước họ, với điều kiện chúng ta phải có cách làm tốt hơn, chủ động hơn, để hài hòa lợi ích hai bên cùng phát triển.

Với việc ký kết với Công ty TNHH Phát triển Khoa học Viên Thị Hồ Nam với sự chứng nhận của Chính phủ hai nước nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang Trung Quốc, chúng tôi tin đã thay đổi cục diện trong việc tiêu thụ lúa gạo, hợp tác sản xuất lúa gạo giữa hai quốc gia.

2 bên cùng tổ chức nghiên cứu sản xuất giống, cùng xây dựng quy trình nuôi dưỡng và bảo vệ cây trồng một cách khoa học, kiểm soát theo tiêu chuẩn của SRP (Diễn đàn lúa gạo bền vững quốc tế), với tập hợp các bộ sản phẩm của hầu hết các nước trên thế giới.

Chúng tôi giám sát quy trình đó, thu mua hợp đồng với nông dân, thu mua chế biến, với sự giám sát của các bên, cùng mang sang Trung Quốc tiêu thụ dưới thương hiệu của Viên Long Bình và Hạt ngọc trời. Chúng tôi đang đẩy mạnh chương trình ở mức độ hoàn thiện, không phụ thuộc mà có mục tiêu rõ ràng: Hợp tác bình đẳng hai bên cùng có lợi, khai thác thế mạnh của mỗi bên.

* Xin cảm ơn ông!

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM