Bất chấp sự cố Galaxy Note 7, lợi nhuận của Samsung tại Việt Nam thậm chí còn tăng 40% lên 94.000 tỷ đồng – bỏ xa Viettel, PVN

03/04/2017 15:24 PM | Kinh doanh

Với hàng loạt ưu đãi, Việt Nam thực sự đã trở thành “thiên đường thuế” của Samsung. Lợi nhuận tại Việt Nam ngày một nhiều lên nhưng Samsung không phải quá lo lắng về số thuế phải nộp.

Bất chấp việc dòng điện thoại Galaxy Note bị 7 bị phát nổ và buộc phải thu hồi và khai tử chỉ sau 1 thời gian ngắn, năm 2016 vẫn là một năm rất thành công của Samsung Electronics, ít nhất là trên phương diện lợi nhuận và giá cổ phiếu.

Kết thúc năm tài chính 2016, doanh thu của Samsung Electronics đạt 174 tỷ USD, tương đương với năm 2015. Tuy nhiên, nhờ tiết giảm mạnh chi phí, lợi nhuận sau thuế của Samsung vẫn tăng gần 20% lên 19,6 tỷ USD.

Giá cổ phiếu của tập đoàn này hiện đang ở mức cao nhất trong lịch sử, tăng 15% so với đầu năm và tăng 62% so với cách đây 1 năm bất chấp việc Phó Chủ tịch tập đoàn đang vướng vào vòng lao lý.

Trong sự tăng trưởng lợi nhuận của Samsung trên toàn cầu, không thể không nhắc đến vai trò của các công ty thành viên tập đoàn này tại Việt Nam – một trong những cơ sở sản xuất quan trọng nhất của Samsung trên toàn cầu.

Bên cạnh 2 công ty chủ chốt là Samsung Electronics Việt Nam ( SEV – Samsung Bắc Ninh) và Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT – Samsung Thái Nguyên), Samsung Electronics còn có 1 số công ty con khác tại Việt Nam như Samsung Vina Electronics, Samsung Display Việt Nam và Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC). Các công ty này đều có doanh thu hàng năm lên đến vài chục nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra còn nhiều công ty khác trong hệ thống Samsung nhưng không phải là công ty con của Samsung Electronics như Samsung SDI Việt Nam, Samsung Electro-Machanic Việt Nam, Samsung Engineering, Samsung SDS GSCL…

Với việc có thêm 2 công ty Samsung Display và SEHC đi vào hoạt động, tổng doanh thu của 4 công ty con của Samsung Electronics tại Việt Nam trong năm 2016 đã lên đến gần 44 tỷ USD, tức xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng. Số liệu này chưa gồm Samsung Vina Electronics – công ty kinh doanh các sản phẩm điện tử tiêu dùng của Samsung tại thị trường Việt Nam.

Trong năm đầu đi vào hoạt động, Samsung Display đạt được doanh thu 105.000 tỷ nhưng vẫn lỗ gần 2.000 tỷ đồng. Còn SEHC đạt 40.000 tỷ doanh thu và lãi gần 2.400 tỷ đồng.

Phần lớn lợi nhuận của Samsung Electronics tại Việt Nam đến từ Samsung Thái Nguyên và Samsung Bắc Ninh, đặc biệt là lợi nhuận của Samsung Thái Nguyên tăng trưởng rất mạnh mẽ. Đây cũng 2 công ty thành viên có lợi nhuận lớn nhất và vượt trội so với các công ty con khác của Samsung.

Năm 2014, Samsung Thái Nguyên mới chỉ đạt 15.000 tỷ lợi nhuận sau thuế thì đến 2015 đã tăng gấp đôi lên 30.000 tỷ và tiếp tục tăng mạnh lên gần 53.000 tỷ trong năm vừa qua.

Trong khi đó, sau khi đạt lợi nhuận kỷ lục 61.400 tỷ đồng vào năm 2013 thì lợi nhuận của Samsung Bắc Ninh chỉ dao động quanh ngưỡng 40.000 tỷ/năm trong ba năm gần đây.

Tổng cộng Samsung Bắc Ninh và Samsung Thái Nguyên đạt 94.000 tỷ đồng (4,1 tỷ USD) LNST trong năm 2016, tăng trưởng 40% so với năm trước và đóng góp 21% tổng lợi nhuận của toàn hệ thống Samsung Electronics.

Với mức lợi nhuận như trên, Samsung Thái Nguyên và Samsung Bắc Ninh cũng là doanh nghiệp có lợi nhuận vào loại lớn nhất Việt Nam. Hiện chỉ có Viettel và PetroVietnam là có thể “đủ tầm” để so găng lợi nhuận với 2 doanh nghiệp này. Năm 2016, Viettel ước đạt 43.200 tỷ lợi nhuận còn PetroVietnam đạt gần 24.000 tỷ đồng.

Mặc dù có lợi nhuận vào loại cao nhất nhì cả nước nhưng do được hưởng rất nhiều ưu đãi nên số thuế thu nhập doanh nghiệp thực nộp của Samsung Bắc Ninh và Thái Nguyên cực kỳ thấp so với lợi nhuận làm ra.

Với 94.000 tỷ lợi nhuận đạt được trong năm 2016, nếu không được ưu đãi, 2 công ty này sẽ phải nộp hơn 18.000 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Do được miễn giảm thuế nên trong những năm qua, Samsung đã “tiết kiệm” được vài tỷ USD tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Với thuế suất rất thấp, Việt Nam thực sự đã trở thành “thiên đường thuế” của tập đoàn này. Đây cũng là lý do mà Samsung ngày càng rót nhiều tiền đầu tư cũng như chuyển nhiều hoạt động sản xuất về Việt Nam.

Các doanh nghiệp đóng thuế nhiều như Viettel, PVN, Vinamilk, Vietcombank, Honda Việt Nam… chắc hẳn sẽ rất “buồn” khi nhìn thấy những con số này.

Theo Kiến Khang

Cùng chuyên mục
XEM