Bất chấp khu vực giảm nhẹ, ngành sản xuất của Việt Nam vươn lên tăng trưởng thứ 2 tại Đông Nam Á

03/07/2017 14:35 PM | Kinh tế vĩ mô

Báo cáo mới đây của HIS Markit cho thấy tăng trưởng sản xuất của Việt Nam đã được cải thiện trong cuối quý II sau khi đã có dấu hiệu chững lại trong tháng 5/2017.

Xét về thị trường Đông Nam Á, chỉ số PMI toàn khu vực đã giảm nhẹ từ 50,5 điểm xuống 50 điểm. Tăng trưởng vẫn mạnh nhất ở Philippines và đây là tháng tăng thứ 2 liên tiếp mặc dù tốc độ tăng đã chậm lại so với tháng 5.

Việt Nam Vươn lên vị trí thứ hai khi tăng trưởng của lĩnh vực xuất khẩu đã mạnh hơn so với tháng trước. Cả Thái lan và Singapore đều có các điều kiện kinh doanh cải thiện trở lại sau khi suy giảm trong tháng 5. Ngược lại, Indonesia và Myanmar giảm trở lại sau khi ghi nhận tăng trưởng trong tháng trước, mặc dù tốc độ suy giảm ở cả hai quốc gia chỉ là nhỏ. Các nhà máy Malaysia có tốc độ suy giảm mạnh hơn so với tháng 5.

Tại Việt Nam, số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh đã giúp tăng sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng trong ngành sản xuất. Tuy nhiên, mức độ lạc quan trong kinh doanh tiếp tục giảm tháng thứ tư liên tiếp và xuống mức thấp nhất 4 năm qua.

Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất Việt Nam, một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất, đã tăng lên 52,5 điểm trong tháng 6 so với 51,6 điểm, mức thấp trong 14 tháng trước của tháng 5/2017.

Kết quả các chỉ số mới nhất cho thấy tình hình của ngành sản xuất đã được cải thiện mạnh mẽ. Sau khi chậm lại đáng kể trong tháng 5, tốc độ tăng trưởng số lượng đơn đặt hàng mới đã gia tăng trong tháng 6/2017, nguyên nhân chính là do nhu cầu thị trường tăng lên.

Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 6. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng phản ánh tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa tiêu dùng và hàng hoá cho sản xuất.

Như vậy, số lượng đơn đặt hàng mới tăng cùng với nhu cầu khách hàng tăng lên đã giúp sản lượng sản xuất của Việt Nam tăng 8 tháng liên tiếp và tốc độ tăng đã cao hơn so với tháng 5 trước đó.

Ngoài ra, tốc độ tạo việc làm trong ngành sản xuất cũng nhanh hơn trong tháng 6 khi các nhà sản xuất ở Việt Nam cần đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới nhiều hơn cũng như có nhiều nhu cầu hơn với lao động sản xuất.

Các nhà sản xuất gia tăng hoạt động mua nguyên vật liệu, hàng hóa tháng thứ 9 liên tiếp với mức độ lớn, qua đó làm tăng hàng tồn kho.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng chi phí đầu vào của ngành cao hơn trong tháng 6/2017 nhưng nhìn chung vẫn thấp hơn nhiều so với ba tháng đầu năm. Bất kể gánh nặng chi phí cao hơn, các công ty đã giảm giá cả đầu ra tháng thứ 2 liên tiếp khi chi phí một số mặt hàng đầu vào giảm cũng như nhờ nỗ lực duy trì doanh số bán hàng.

Việc thiếu hụt nguyên vật liệu và những vấn đề về hệ thống giao thông, vận tải đã làm giảm hiệu suất hoạt động bán hàng lần thứ 5 trong 5 tháng qua. Mức độ lạc quan trong kinh doanh đã tiếp tục giảm trong tháng 6, tức là đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2013. Tuy nhiên, kết quả mới nhất vẫn cho thấy sự lạc quan của các nhà sản xuất với quan điểm tích cực, phản ánh kỳ vọng sự tăng trưởng trong nhu cầu thị trường, sự thành công trong việc giành được những đơn đặt hàng mới, qua đó dẫn đến các kế hoạch tăng công suất cho nhà máy.

Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, Andrew Harker, tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, nói:

"Sản lượng sản xuất của Việt Nam tăng trong tháng 6 đã làm giảm bớt một số lo ngại về sự chững lại đáng kể trong tháng 5, đặc biệt là với mức tăng mạnh số lượng các đơn đặt hàng mới…Mặc dù giảm nhẹ trong quý I của năm nhưng chỉ số PMI trong quý II cho thấy sản lượng của ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. IHS Markit dự báo GDP của Việt Nam tăng 6,2% năm nay với những dữ liệu mới nhất cho thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục đóng góp tích cực vào nền kinh tế", chuyên gia Andrew Harker của HIS Markit nói.

BT

Cùng chuyên mục
XEM