Bão số 4 giật cấp 11, hướng đi dị thường: Họp khẩn cấp để ứng phó

15/08/2018 20:16 PM | Xã hội

Chiều 15-8, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai họp khẩn để triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4, dự kiến sẽ đổ bộ lúc sớm 17-8 và các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

Chiều 15-8, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã họp khẩn để triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4 .

TS Hoàng Đức Cường dự báo về cường độ, hướng đi của bão số 4 - Video: Văn Duẩn

TS Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết lúc 13 giờ ngày 15-8, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 111,5 độ Kinh Đông , trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) 390 km, cách Thái Bình 550 km, cách TP Vinh (Nghệ An) 670 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110 km tính từ tâm bão.

Bão số 4 giật cấp 11, hướng đi dị thường: Họp khẩn cấp để ứng phó - Ảnh 2.

Vị trí và dự báo đường đi của bão số 4

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 13 giờ ngày 16-8, vị trí tâm bão số 4 ở khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông , trên khu vực phía Đông vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái 210 km, cách Thái Bình 300 km, cách Vinh 430 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110 km tính từ tâm bão.

Sau khi vào Vịnh Bắc Bộ bão sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Nam ảnh hưởng tới các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Bão sẽ duy trì trên cấp 8 khi vào Vịnh Bắc Bộ, vùng tâm bão đổ bộ sẽ là ven biển các tỉnh Hải Phòng đến Nghệ An.

"Nếu đổ bộ sớm có thể là khoảng 3-4 giờ sáng; muộn có thể là 9-10 giờ sáng ngày 17-8, tâm bão sẽ đổ bộ vào đất liền từ Hải Phòng đến Nghệ An, sức gió mạnh cấp 8. Ngay sau đó, bão số 4 di chuyển sang khu vực thượng Lào và tan dần"- ông Cường nói.

Tuy nhiên, theo ông Cường, quan ngại nhất đối với cơn bão này là lượng mưa lớn và hoàn lưu bão rộng. "Trọng điểm mưa là vùng Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc miền Trung. Lượng mưa khoảng 250 mm-350 mm/cả đợt"- ông Hoàng Đức Cường cho hay, đồng thời nhấn mạnh nhiều khu vực mưa lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Nam Định. Đặc biệt, ở Chương Mỹ (Hà Nội), nguy cơ sẽ tái ngập sâu, tuy nhiên mức độ không như đợt ngập vừa qua.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết đáng lo nhất hiện nay là sau nhiều ngày mưa, đất đã bão hoà nước và nguy cơ rất cao tiếp tục xảy ra lũ quét, đặc biệt là sạt lở đất, nếu xảy ra mưa lớn. Trong những trận lũ, lũ quét, sạt lở đất xảy ra vừa qua, thống kê ở 7 tỉnh phía Bắc vẫn còn 3.589 hộ dân không có chỗ ở đảm bảo an toàn, cần phải di dời. Theo đó, yêu cầu các địa phương triển khai ngay các lực lượng xung kích tại các thôn, bản để kiểm tra, rà soát, hướng dẫn di dời dân cư hiện đang sống trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Đặc biệt, ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, chính quyền phải cử lực lượng canh gác, cắm biển cảnh báo không cho người dân qua lại.

Tại khu vực Chương Mỹ (Hà Nội), ông Hoài cho biết nước mới rút cạn, mực nước trên sông Bùi hiện nay khoảng 4,2 m (dưới mức báo động I là 1,8 m). Do đó, đề nghị theo dõi sát diễn biến mưa, mực nước tại các khu vực thấp trũng để chủ động phòng tránh. Đặc biệt đảm bảo đời sống, sinh hoạt và môi trường khu vực Chương Mỹ; phối hợp tốt giữa các địa phương trong việc chỉ đạo, điều hành chống ngập úng đô thị bơm nước ra sông Đáy, sông Nhuệ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh bão số 4 là cơn bão đặc biệt, hình thành hơn 10 ngày qua. "Cơn bão đi rất phức tạp, đường đi, hướng phát triển cũng rất phức tạp. Bão đang mạnh lên, vì vậy nếu không theo dõi sát sao thì mức độ ảnh hưởng của bão sẽ lớn"- ông Cường lưu ý.

Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo ứng phó bão số 4 - Video: Văn Duẩn

"Đến nay chúng ta vẫn chưa khoanh vùng diện hẹp nơi cơn bão có khả năng đổ bộ, trong lúc đó 2 ngày nữa bão đã đổ bộ rồi. Tôi đề nghị giám đốc dự báo phải dự báo sát hơn nữa, xem bão sẽ đổ bộ trọng điểm tỉnh nào".

"Tôi đề nghị, đối với tuyến biển, dứt khoát yêu cầu các tỉnh trọng điểm cấm biển tuỳ tình hình, tỉnh nào đang gần cơn bão nhất cấm biển trước"- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo.

Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, ông Cường nhấn mạnh đây là điểm nguy hiểm chết người với nguy cơ sạt lở rất cao sau khi phải hứng chịu mưa, lũ kéo dài suốt thời gian qua. Do đó, những nơi nguy cơ cao phải sơ tán dân, thậm chí là cưỡng chế di dời.

Cảnh báo sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, từ đêm 15 đến đêm 17-8 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250-350 mm/đợt).

Từ ngày 16 đến 18-8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long từ 2-4 m, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An từ 3-6 m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Đà và hạ lưu sông Mã lên mức báo động (BĐ) 1 - BĐ2; sông Thao, sông Hoàng Long, sông Bùi và thượng lưu sông Mã có khả năng lên mức BĐ2 - BĐ3, riêng sông Bưởi (Thanh Hóa) lên mức BĐ3 và trên BĐ3; thượng lưu sông Thái Bình ở mức BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An. Ngập úng tại các vùng trũng, thấp tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ và tại các đô thị thuộc tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Phủ Lý, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An.

Theo Văn Duẩn

Cùng chuyên mục
XEM