Báo Mỹ nói gì về hiện tượng sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đại học lại đi chạy xe ôm kiếm 5 triệu mỗi tháng?
Sinh viên tốt nghiệp đại học Việt Nam thường dành nhiều nhất là 2 năm đầu học về những môn như triết học, lịch sử và như vậy họ bỏ phí đi khoảng thời gian khá dài để trau dồi những kỹ năng khác mà vốn các nhà tuyển dụng rất cần.
Nguyễn Văn Đức tốt nghiệp đại học từ 2 năm trước. Với tấm bằng chuyên ngành kinh tế trong tay từ một trong những đại học thuộc hàng tốt nhất Việt Nam, hiện giờ, Đức lại đang kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm với mức thu nhập 250 USD mỗi tháng.
Đức là người duy nhất trong 3 người con trong gia đình được vào đại học nhưng thật không may mắn khi cậu lại là 1 trong hàng nghìn sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đại học nhưng không thể tìm được việc làm trong đúng lĩnh vực mình được đào tạo mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam chỉ ở mức 2,3%.
"Ở trường đại học, chúng tôi chỉ đào tạo và giảng dạy những thứ mang tính lý thuyết thôi", thanh niên 25 tuổi trả lời phỏng vấn tờ Bloomberg.
Trường học ở Việt Nam trang bị cho học sinh những kỹ năng cơ bản của lao động giản đơn với lương thấp, còn sinh viên cao đẳng và đại học cũng không được chuẩn bị kỹ càng cho những công việc phức tạp hơn. Khi lương tăng và ngành sản xuất cơ bản dịch chuyển sang các quốc gia có chi phí rẻ hơn, có thể đe dọa mục tiêu của Chính phủ đưa mức thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi lên 4.000 USD/người/năm.
Sinh viên tốt nghiệp đại học có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong số những người trẻ ở Việt Nam
Sinh viên đại học thường dành nhiều nhất là 2 năm đầu học về những môn như triết học, lịch sử và như vậy họ bỏ phí đi khoảng thời gian khá dài để trau dồi những kỹ năng khác mà vốn các nhà tuyển dụng rất cần. Kết quả là: Các công ty miễn cưỡng phải trả cao hơn cho người lao động có bằng cấp nhưng không đáp ứng được những kỹ năng theo yêu cầu. Hiện tại tỷ lệ thất nghiệp trong số những người trẻ tuổi có bằng đại học là 17%.
"Những công ty tư nhân và nước ngoài đang đến đây nhưng họ đồng thời cũng muốn có những người lao động được trang bị kỹ năng tốt hơn, những kỹ sư và quản lý có trình độ", theo ông Nguyễn Xuân Thành – Nghiên cứu cấp cao tại trường Quản lý nhà nước Harvard Kennedy School. "Tầng lớp trung lưu đang ngày một nhiều hơn. Các gia đình tại Việt Nam muốn nền giáo dục được cải thiện. Vì vậy áp lực lên hệ thống lại càng lớn".
Giải pháp cho việc này được nhiều bậc phụ huynh lựa chọn là gửi con họ đi học nước ngoài nhằm cải thiện triển vọng việc làm sau này. Theo thống kê của Tổ chức dịch vụ sinh viên Nhật Bản, số lượng người Việt Nam đang học tại đây bao gồm cả những trường ngôn ngữ đã tăng hơn 12 lần trong 6 năm cho tới tháng 5/2016 đạt 54.000 người.
Nhận thấy những thử thách này, "Chính phủ đang nỗ lực cải thiện chất lượng đào tạo tại các trường cao đẳng và đại học. Chúng tôi cần cải tổ toàn bộ chương trình giảng dạy để giảm tải những môn học quá mang tính lý thuyết. Tuy nhiên quá trình này vẫn đang diễn ra rất chậm và chưa có nhiều thay đổi được tiến hành" - theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.
Trong vòng 1 thập kỷ qua, Việt Nam đang kỳ vọng nâng số lượng trường cao đẳng và đại học trên khắp cả nước lên con số 450. Dù tỷ lệ xóa mù chữ đạt 97% trên cả nước nhưng chỉ 1/3 lực lượng lao động của Việt Nam có bằng cấp 3 vào năm ngoái theo số liệu của Viện Khoa học lao động và xã hội.
Dẫu vậy vẫn còn một vài tín hiệu lạc quan. Đại học Fulbright – đại học tư thục phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam được Chính phủ cấp phép hoạt động sẽ mở cửa vào mùa thu này. Triết học Marx sẽ vẫn được dạy như những đại học ở phương Tây cùng với những nhà triết học khác gồm Hegel và Kant.
Nhiều công ty cũng tổ chức đào tạo thêm cho những người lao động của họ. FPT có hơn 20.000 học sinh, sinh viên đang theo học tại trường cấp 3, đại học và cao đẳng trên cả nước. Intel cũng đang thử nghiệm nhà máy tại TP Hồ Chí Minh, họ cam kết sẽ chi khoảng 22 triệu USD cho hàng hoạt các chương trình tương tự.
"Rất nhiều người tốt nghiệp đại học nhưng thiếu những kỹ năng quan trọng như làm việc nhóm và tổ chức để làm việc trong các công ty", theo ông Lưu Quang Tuấn – Phó Viện trưởng viện Khoa học lao động và xã hội.