Báo cáo: Các hãng chip Mỹ, bao gồm Qualcomm, Intel âm thầm vận động chính phủ Mỹ nới lỏng lệnh cấm nhắm vào Huawei

17/06/2019 17:22 PM | Công nghệ

"Đây không phải hành động nhằm bên vực, giúp đỡ Huawei. Họ chỉ muốn ngăn chặn những tác động xấu với các công ty Mỹ".

Theo nguồn tin nắm rõ các kế hoạch trong ngành, những công ty Mỹ chuyên cung cấp chip cho Huawei, bao gồm cả Qualcomm và Intel, đang âm thầm gây sức ép khiến chính phủ Mỹ nới lỏng lệnh cấm giao dịch với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Đây là động thái khá bất ngờ bởi gần đây chính Huawei cũng đã không còn tiến hành các chiến dịch vận động hành lang với chính phủ Mỹ.

Hồi tháng 5, các giám đốc cấp cao từ những nhà sản xuất hop hàng đầu của Mỹ là Intel và Xilinx đã tham dự một cuộc họp với Bộ Thương mại Hoa Kỳ nhằm thảo luận về phản ứng với việc Huawei bị đưa vào danh sách đen. Nguồn tin trên cũng chia sẻ rằng Qualcomm cũng gây sức ép lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ về vấn đề này.

Theo các hãng sản xuất chip, các mảng bán những sản phẩm của Huawei như smartphone và máy chủ thường sử dụng các linh kiện sẵn có. Chính vì thế, chúng khó có thể gây ra mối lo ngại về bảo mật như mảng kinh doanh thiết bị mạng của Huawei.

"Đây không phải là hành động nhằm hỗ trợ Huawei. Mục tiêu của họ là ngăn chặn những tác động xấu với các công ty Mỹ", một nguồn tin nhận định.

Trong số 70 tỷ USD Huawei chi ra để mua linh kiện trong năm 2018, khoảng 11 tỷ được chuyển đến các công ty Mỹ, bao gồm Qualcomm, Intel và Micron.

Vì thế, theo nguồn tin nội bộ của Qualcomm, hãng này muốn có thể tiếp tục bán chip cho các thiết bị phổ biến của Huawei như smartphone, smartwatch.

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA), một tổ chức thương mại, cũng thừa nhận rằng họ đã sắp xếp một buổi tham vấn với chính phủ Mỹ để thay mặt các công ty đưa ra những khiếu nại và trình bày ngắn gọn về tác động của lệnh cấm Huawei với các công ty Mỹ.

"Không nên đưa những công nghệ không liên quan tới an ninh quốc gia vào lệnh cấm. Chúng tôi đã truyền đạt quan điểm này tới chính phủ", Jimmy Goodrich, phó chủ tịch phụ trách chính sách toàn cầu của SIA chia sẻ.

Lệnh cấm Huawei được ban hành ngay sau khi cuộc đàm phán chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kết thúc mà không đạt được thỏa thuận tích cực. Mỹ cáo buộc Huawei hỗ trợ các hoạt động gián điệp, đánh cắp sở hữu trí tuệ và ép buộc các công ty khác chuyển giao công nghệ.

Theo chủ tịch Huawei, Liang Hua, Google, hãng bán phần cứng, phần mềm và dịch vụ kỹ thuật cho Huawei, cũng ủng hộ việc nới lỏng lệnh cấm để có thể tiếp tục hợp tác với Huawei.

Trong khi đó, phía Google tuyên bố rằng họ đã có những buổi làm việc với Bộ Thương mại Hoa Kỳ để đảm bảo tuân thủ những quy tắc mới được ban hành.

Đại diện Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết cơ quan này thường xuyên trả lời các câu hỏi của những công ty Mỹ về những yêu cầu pháp lý và cho biết thêm rằng các cuộc thảo luận này không ảnh hưởng tới quá trình thực thi lệnh cấm.

Intel, Xilinx và Qualcomm từ chối bình luận về thông tin trên. Phía Huawei cũng chưa có bất cứ phản hồi nào.

Trong một cuộc phỏng vấn ở Mexicon, Andrew Williamson, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề công cộng của Huawei, cho biết rằng công ty của ông không nhờ vả bất cứ ai thay mặt họ tiến hành các cuộc vận động hành lang.

"Họ làm điều đó vì chính bản thân họ bởi với nhiều hãng trong số họ Huawei là một trong những khách hàng lớn", Williamson nói. Ông chia sẻ thêm rằng các hãng chip Mỹ hiểu rằng cắt đứt quan hệ với Huawei có thể gây ra hậu quả thảm khốc cho bản thân họ.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng về cơ bản những đối tác Mỹ của Huawei đang ở trong một tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Họ vừa không muốn bị coi là hỗ trợ một kẻ gián điệp, ăn cắp bí mật thương mại đang bị trừng phạt nhưng cũng không muốn mất đi một khách hàng lớn.

Không một ai lắng nghe

Bản thân Huawei, cũng là hãng smartphone lớn thứ 2 thế giới, không có nhiều chiến dịch vận động hành lang tại Washington về vấn đề này. Tuy nhiên, theo một nguồn tin nắm rõ các kế hoạch nội bộ, Huawei đã xem xét gửi thư tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

"Chúng tôi chẳng có một kênh nào để liên hệ", Liang Hua nói với phóng viên hồi đầu tháng này.

Một tháng sau khi bị đưa vào danh sách đen, Huawei vẫn chưa có một cuộc đàm phán nào với chính phủ Mỹ, nguồn tin nội bộ cho hay.

Thậm chí, trước khi lệnh cấm được ban hành, Huawei đã cắt giảm các nỗ lực vận động hành lang. Theo Reuters, năm ngoái, hãng này đã sa thải 5 nhân viên tại văn phòng ở Washington, bao gồm cả một phó chủ tích đối ngoại, và cắt giảm chi phí vận động hành lang.

Tuy nhiên, Huawei lại khởi động nhiều cuộc chiến pháp lý và một chiến dịch quan hệ cộng đồng nhằm tự bảo vệ mình trước các cáo buộc của chính phủ Mỹ. Thậm chí, gã khổng lồ Trung Quốc còn mua một quảng cáo toàn trang trên các tờ báo lớn của Mỹ trong tháng 2 sau một loại các cuộc phỏng vấn với sáng lập Nhậm Chính Phi với mục đích xóa bỏ hình ảnh xấu của họ trong mắt người dùng phương Tây.

Các nhà phân tích cho rằng chính phản ứng có phần đánh giá thấp cảnh báo của chính quyền Trump mà Huawei đưa ra đã khiến Mỹ đưa ra một chiến dịch toàn cầu nhắm vào công ty Trung Quốc.

"Huawei sẽ phải chịu thiệt hại cho dù họ làm gì tiếp theo", Jim Lewis, một chuyên gia an ninh mạng thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington cho hay. "Tại Mỹ, Huawei đang đứng ở một vị trí cực kỳ tệ. Không một ai muốn cho Huawei 1 sự ưu ái".

Mặc dù vậy, lệnh cấm Huawei đã có những tác động tiêu cực lên toàn bộ thị trường.

Broadcom, công ty không tiến hành vận động Bộ Thương mại, vừa đưa ra một báo cáo gây sốc cho ngành công nghiệp chip toàn cầu. Hãng này dự đoán rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và lệnh cấm Huawei sẽ khiến họ thiệt hại 2 tỷ USD doanh thu trong năm nay.

Vài ngày sau khi đưa ra lệnh cấm, Bộ Thương mại mỹ cũng đã có một chút nhượng bộ. Ngày 20/5, cơ quan này đã cung cấp một giấy phép tạm thời cho phép Huawei mua thiết bị, linh kiện của các công ty Mỹ nhằm giúp các khách hàng hiện tại duy trì độ tin cậy của mạng và thiết bị mạng.

Theo Chíp

Cùng chuyên mục
XEM