Bánh chưng ngày Tết và những nhọc nhằn của một nghề truyền thống

25/01/2017 20:14 PM | Xã hội

Bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ… những nét Xuân truyền thống này vẫn được người dân Việt ​gìn giữ tô thắm theo màu thời gian. Hà Nội đang vào Xuân, ngày 28 tháng Chạp, mọi nhà đang hối hả chuẩn bị đón Tết và bánh chưng xanh là sản phẩm không thể thiếu trong các mâm cỗ cúng tổ tiên, ông bà.

Đối với nhiều người được gói bánh chưng, quây quần bên nồi bánh cùng gia đình, bạn bè mới là không khí Tết. Nhưng với những gia đình vướng bận công việc hoặc ​không điều kiện gói bánh thì họ sẽ tìm mua từ bên ngoài.

Nét truyền thống

Gói bánh chưng là một công việc khá vất vả, gia đình cô Đỗ Thị Phương (Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội) có nghề làm bánh chưng từ đời ông, bà để lại, tính đến nay đã được trăm năm, nhưng thu nhập cũng chẳng phải là khá giả.

“Các con cô không ai theo nghề này, trong nhà chỉ còn mấy người già 50 tuổi, 60 tuổi duy trì truyền thống gia đình. Cứ gần đến Tết, những khách quen từ lâu năm lại đặt bánh, song không đủ sức nên chỉ nhận khoảng 1.000 bánh trở lại,” cô Phương chia sẻ.

Cô Phương cho biết, bánh chưng muốn thơm ngon và giữ được lâu thì phải cẩn thận ngay từ khâu tuyển lá. Kích cỡ những chiếu lá dong phải đều tay, sau đó rửa sạch để ráo nước. Gạo nếp và đậu xanh cũng phải lựa chọn ​rất kỹ và được đặt mua ở những vùng trồng nổi tiếng. Gia đình cô Phương thường đặt mua thịt với chủ hàng từ trước, vì vậy khi miếng thịt khi mang về bao giờ cũng rẻo, tỷ lệ nạc và mỡ vừa phải.

Tâm đắc về điều này, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, sống tại Hoàng Cúc Việt, Cầu Giấy, một cô giáo mầm non nhưng lại có niềm đam mê với những món ăn cổ truyền. Chị Huyền cho biết, ban đầu chỉ gói bánh cho nhà ăn, sau bạn bè và người thân tín nhiệm đặt ​mua bánh và từ đó về sau chị có thêm cái nghề cung cấp bánh chưng Tết.

Đối với chị Huyền, bánh chưng không đơn thuần chỉ là chiếc bánh mà nó còn mang ý nghĩa “linh hồn” của ngày Tết. Chồng chị là bộ đội, hai cô con gái đi học đại học, những cứ đến dịp này cả nhà lại cố gắng thu xếp thời gian cùng nhau tham gia làm bánh. Không khí làm việc trong gia đình rất rộn ràng, vui vẻ.

“Mỗi cái bánh phải gói tới 6, 7 tàu lá, có như vậy bánh luộc mới xanh và thơm mùi lá. Gạo là loại nếp nương và thịt lợn mua được mua từ miền núi, không nuôi công nghiệp. Đỗ cũng được mua từ quê bởi những mối hàng cung cấp lâu năm và có uy tín​,” chị Huyền nói.

Gia đình cô Đỗ Thị Phương (Long Biên, Hà Nội) có nghề gói bánh chưng từ nhiều đời. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Gia đình cô Đỗ Thị Phương (Long Biên, Hà Nội) có nghề gói bánh chưng từ nhiều đời. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nỗi nhọc nhằn

Gói bánh chưng là công việc thủ công, mặc dù làm hàng nghìn cái bánh chưng, nhưng người thợ làm bánh phải trực tiếp thực hiện tất cả khâu, như cả chục nghìn chiếc lá rong, ​họ phải nhẹ tay rửa từng chiếc lá, cắt dọc cuộng ​mỗi sống lá, vo gạo, đãi đỗ, ướp thịt, gói bánh và sau cùng trông mỗi nồi bánh liên tục từ 10 giờ đến 12 giờ.

Cô Hoàng Thị Thanh Lâm, Ngọc Thụy, Long Biên cho biết, “nghề làm bánh chưng chỉ có thể lấy công làm lãi thôi, cực nhọc lắm. Gia đình tôi có nghề làm bánh từ mấy chục năm rồi, nhưng đến năm nay tôi do bị đau lưng và chồng tôi cũng già yếu nên các con không cho làm nữa. Nhớ các năm trước, từ ngày 20 tháng Chạp, gia đình đã bắt đầu rửa lá. Hai người rửa trong 5 giờ - 6 giờ mới được khoảng một nghìn lá, để ​gói nghìn bánh thì chúng tôi phải rửa lá 4 ngày mới xong.”

Nhìn gia đình cô Phương gói bánh theo dây chuyền, tay nhanh thoăn thoắt, ban đầu tưởng là đơn giản, song ​cô chia sẻ, mỗi mẻ bánh ngồi gói liền mấy giờ đồng hồ, khi đứng lên không nổi, chân tê cứng, hai tay ngấm nước nhăn nheo lúc nào, tái nhợt.

Cô Lâm nhớ lại, “thời điểm làm bánh, mỗi đêm chỉ được ngủ khoảng 3 tiếng, hai vợ chồng cô cùng hai người em cắt cử nhau trông bánh, công việc như một cái guồng quay cả ngày, lẫn đêm. Mỗi đợt Tết, thu nhập sau khi trừ đi hết chi phí chỉ được khoảng 12 triệu đến 14 triệu đồng, chia lãi hai vợ chồng cô có khoảng 6 triệu đến 7 triệu đồng."

Ở một tâm thế khác, gia đình chị Huyền coi công việc gói bánh chưng như một cuộc trải nghiệm thú vị mỗi dịp Xuân về. Chị cho biết, tất cả tiền lãi làm bánh chị dành hết cho công việc từ thiện như xây trường nội trú cho học sinh dân tộc thiểu số, xây cầu cho người dân nghèo miền núi.

Bán bánh chưng tại “Hội chợ Tết giá 0 đồng, Hà Nội,” ngày 21/1 (Ảnh: TTXVN)
Bán bánh chưng tại “Hội chợ Tết giá 0 đồng, Hà Nội,” ngày 21/1 (Ảnh: TTXVN)

“Ngồi bên nồi bánh chưng hương thơm nghi ngút, âm nhạc réo rắt, cả gia đình bên nhau nhâm nhi ly rượu,” cuộc sống về đêm thật là đầm ấm.

Bánh chưng được làm từ các cơ sở truyền thống có uy tín thường được đặt từ trước và có mức giá khoảng từ 70.000 đồng – 80.000 đồng/chiếc.

“Bây giờ bánh chưng có quanh năm, hơn nữa xu hướng các gia đình tự gói bánh cũng ngày càng nhiều nên số lượng bánh đặt mua cũng có giảm so với các năm trước, song là không đáng kể,” cô Phương cho hay.

Theo Linh Chi

Cùng chuyên mục
XEM