Bạn tư duy theo cách nào: ‘A là A’ hay 'Đôi khi A là A và đôi khi A không phải là A’?

07/04/2018 14:51 PM | Sống

Người phương Tây thường tin vào quy tắc nhận diện (A là A) và quy tắc không mâu thuẫn (A không thể là không phải A), nhưng người phương Đông có xu hướng cởi mở hơn với những tư duy nghịch lý và mâu thuẫn (Đôi khi A là A và đôi khi A không phải là A).

Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong cách ta nhìn nhận thế giới, cách ta nghĩ về nó và cách ta sống trong nó. Một người sinh ra ở một nền văn hóa này có thể có tư tưởng hoàn toàn khác biệt với người sinh ra ở nền văn hóa khác.

Trong quyển Geography of Thought: How Asians and Westerners Think Differently and Why, nhà tâm lý học xã hội Richard Nisbett chia sẻ nghiên cứu chuyên sâu của ông về sự khác biệt ở nhiều phương diện giữa những từ tưởng của người Phương Tây với người Phương Đông, từ cách họ tư duy và nhận thức thế giới đến cách họ phát triển những quy tắc tiêu chuẩn và các cơ chế chính trị.

Tư Duy Phân Tích Và Tư Duy Thần Học

Trong một nghiên cứu, những người châu Á và người Mỹ được cho xem 2 bức ảnh tương tự nhau và được yêu cầu chỉ ra điểm khác biệt. Một số điểm khác biệt liên quan đến vật thể (như chiếc máy bay bị thiếu một bộ phận) và một số thì liên quan đến mối quan hệ (như hai chiếc máy bay trong ảnh này gần nhau hơn so với ảnh kia). Kết quả cho thấy người Mỹ có xu hướng chỉ ra các điểm khác biệt liên quan đến vật thể, còn người châu Á lại thường chỉ ra điểm khác biệt liên quan đến các mối quan hệ.

Bạn tư duy theo cách nào: ‘A là A’ hay Đôi khi A là A và đôi khi A không phải là A’? - Ảnh 1.

Trong một nghiên cứu khác, người tham gia được cho xem một đoạn phim hoạt hình ngắn về cảnh vật dưới nước với những chú cá, thực vật, đá cuội và ếch hay ốc sên. Sau đó họ được yêu cầu miêu tả lại cảnh vừa được xem. Cả người châu Á lẫn người Mỹ đều miêu tả vật thể ở phía trước phần nền (có một chú cá bơi vòng quanh) nhưng người tham gia châu Á thường đề cập những thành phần nền nhiều hơn và cũng viết về môi trường tổng thể ("Nó trông giống như một cái ao").

Nghiên cứu này cũng cho kết luận rằng người phương Tây có một "tầm nhìn hẹp" khi họ nhìn lướt qua môi trường xung quanh. Họ thường tập trung chú ý những vật thể và phân tích thuộc tính của chúng, trong khi người phương Đông có "tầm nhìn rộng hơn" và thường nhìn vào mối liên quan giữa các vật thể và tổng thể môi trường.

Tư Duy Phân Loại Và Tư Duy Quan Hệ

Theo nghiên cứu của Nisbett, người phương Tây thường phân các sự việc trong đầu theo "loại" trong khi người phương Đông thường phân chúng theo "mối quan hệ".

Trong một thí nghiệm đơn giản, các sinh viên người châu Á và sinh viên người Mỹ được cho xem một loạt các hình ảnh và được yêu cầu chọn ra các vật thể có mối liên quan với nhau. Lựa chọn nào phù hợp nhất với con bò phía dưới?

Bạn tư duy theo cách nào: ‘A là A’ hay Đôi khi A là A và đôi khi A không phải là A’? - Ảnh 2.

Hầu hết những sinh viên người Mỹ chọn "gà", vì cả hai đều được xem là một phần của nhóm động vật. Tuy nhiên, hầu hết các sinh viên châu Á chọn "cỏ", vì họ nhìn nhận chúng trên khía cạnh mối quan hệ: "Bò ăn cỏ."

Điều này một lần nữa thể hiện cách mà người phương Tây tập trung nhiều hơn và sự vật, thuộc tính và các nhóm. Trong khi người phương Đông tập trung nhiều vào các mối quan hệ, điều kiện và môi trường. Chẳng có quan điểm nào đúng hay quan điểm nào sai cả. Mỗi quan điểm đều cho ta một góc nhìn khác, một lối suy nghĩ khác về thế giới.

Tư Duy Dựa Trên Quy Luật Và Tư Duy Dựa Trên Nghịch Lý

Theo Nisbett, người phương Tây thường khắt khe hơn về lý luận và tư duy theo quy luật. Điều này bắt nguồn từ thiên hướng phân loại sự vật theo từng nhóm dựa vào những thuộc tính riêng lẻ.

Hãy nhìn qua ví dụ này: Bạn nghĩ rằng bông hoa phía dưới phù hợp với nhóm nào?

Bạn tư duy theo cách nào: ‘A là A’ hay Đôi khi A là A và đôi khi A không phải là A’? - Ảnh 3.

Trong cuộc nghiên cứu, hầu hết người phương Đông cho rằng bông hoa thuộc về nhóm A, trong khi phần lớn người phương Tây cho rằng bông hoa nên thuộc vào nhóm B. Bông hoa cho thấy khá giống với Nhóm A (về cánh hoa và lá). Tuy nhiên, bông hoa cũng có một đặc điểm không thể phá vỡ thuộc về Nhóm B: cành thẳng.

Người phương Tây thường tin vào quy tắc nhận diện (A là A) và quy tắc không mâu thuẫn (A không thể là không phải A), nhưng người phương Đông có xu hướng cởi mở hơn với những tư duy nghịch lý và mâu thuẫn (Đôi khi A là A và đôi khi A không phải là A).

Lão Tử từng nói: "Khi nhân gian đều biết cái đẹp là cái đẹp, người ta nhận ra sự xấu xí; khi họ biết cái tốt là cái tốt, họ nhận ra sự xấu xa. Và như vậy, tồn tại và không tồn tại là nguồn gốc khác nhau…"

Những lời này thể hiện tư duy nghịch lý của người phương Đông. Một biểu tượng hình ảnh của lối tư duy này là biểu tượng Âm Dương nổi tiếng, miêu tả việc mọi vật đều một phần hình thành từ thứ đối lập với chúng.

Bạn tư duy theo cách nào: ‘A là A’ hay Đôi khi A là A và đôi khi A không phải là A’? - Ảnh 4.

Cái Tôi Cố Hữu Và Cái Tôi Linh Hoạt

Vì người phương Tây thường tập trung nhiều vào sự vật và thuộc tính của chúng, họ thường nhìn nhận bản thân mình một cách cố định và không thay đổi ở bất kì tình huống nào. Khác với người phương Đông thường nhìn nhận bản thân một cách linh hoạt và có thể thay đổi tùy vào hoàn cảnh.

Khi người tham gia được kể một câu chuyện về một người đang bị trễ giờ làm từ chối cho người vô gia cư bên đường một ít tiền, người phương Tây thường nhìn nhận đó như tính cách của người này (Ông ấy thật ích kỷ), trong khi người phương Đông thường xem xét đến những yếu tố hoàn cảnh như là nguyên nhân của hành vi (Ông ta đang vội vì trễ giờ làm).

Người phương Tây nghĩ về bản thân và những người khác như một nhân cách cố định. "Tôi là tôi" và "Họ là họ" ở bất kì hoàn cảnh nào. Nhưng người phương Đông nghĩ về bản thân với một cái tôi linh hoạt hơn. Họ có thể hành động rất khác nhau tùy hoàn cảnh mà không thấy có sự giả tạo hay mẫu thuẫn, bản thân họ thay đổi từng giờ từng phút. Họ của ngày hôm nay khác với họ của ngày hôm qua.

Tư duy này cũng thể hiện trong nhiều tôn giáo phương Tây tin vào một bản thể bất tử và trường tồn, trong khi tôn giáo phương Đông thường nhìn nhận cái tôi dưới góc nhìn nó luôn chết đi và được hồi sinh trong một cái tôi khác (như quan niệm luân hồi trong đạo Phật).

Chủ Nghĩa Cá Nhân Và Chủ Nghĩa Tập Thể

Xã hội phương Tây thường chú trọng các giá trị như chủ nghĩa cá nhân, tự do, sáng tạo. Họ nhìn nhận cá nhân theo cách tồn tại độc lập với xã hội. Mỗi người đều có quyền có những lựa chọn, quyền lợi, tài sản riêng và theo đuổi hạnh phúc của riêng mình.

Xã hội phương Đông lại chú trọng các giá trị như tính tập thể, sự hài hòa, thống nhất và hòa bình. Họ không nhìn nhận xã hội chỉ như những cá nhân mà là một mạng lưới liên kết những con người hoạt động cùng nhau vì một lợi ích chung.

Nền văn hóa phương Tây thường xem nhẹ các tác nhân hoàn cảnh và môi trường, và xem những cá nhân như các vật thể của một vũ trụ có quy tắc chung nhất, ở bất kì điều kiện nào. Nền văn hóa phương Đông chú trọng các nhân tố môi trường và những điều kiện có tính thay đổi, họ ít có xu hướng điều khiển xã hội theo những nguyên tắc và quy luật chung.

Thực tế thì khái niệm phương Tây và phương Đông chỉ là những phân tích rất sơ khai của khác biệt về văn hóa. Ngày nay khi mà ta đang sống trong một thế giới phẳng, rất dễ để thấy rằng những nền văn hóa này đang ảnh hưởng đến nhau. Phần lớn thế giới chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây ở một mức độ nhất định, và chính nền văn hóa phương Tây cũng bắt đầu tiếp nhận những khái niệm từ phương Đông.

THEO MAI LÂM

Từ khóa:  tư duy
Cùng chuyên mục
XEM