Bạn sẽ học được rất nhiều về sự cho đi từ Lễ Hanukkah của người Do Thái

21/12/2016 20:43 PM | Sống

Hanukkah, lễ hội ánh sáng của người Do Thái, là một dịp gợi nhớ hàng năm về sự sung túc.

Hanukkah, lễ hội ánh sáng của người Do Thái, là một dịp gợi nhớ hàng năm về sự sung túc. Trong 8 ngày đầu đông, người thân và bạn bè tề tựu quanh một menorah (chúc đài có nhiều nhánh để cắm nến) mỗi đêm, thắp nến và cầu nguyện.

Lễ hội này tưởng nhớ một điều kỳ diệu xảy ra trong dịp dựng lại một đền thờ Do Thái ở Jerusalem vốn đã bị hủy hoại trong một trận đánh vào khoảng năm 200 trước Công nguyên.

Người Maccabees, hay người Do Thái, chiến đấu chống lại quân đội Hellenist của đế chế Hy Lạp-Syria nhằm thiết lập một tôn giáo duy nhất trong đế chế. Người Maccabees bất ngờ giành phần thắng, nhưng đó không phải là điều gì đáng nói. Điều kỳ diệu chỉ xảy ra sau khi trận đánh kết thúc. Lúc đó người ta chỉ có đủ dầu olive để thắp các cây đèn trong đền một ngày, nhưng chúng đã sáng mãi trong 8 ngày liền.

Theo giáo trưởng Jonathan Feldman, người quản lý cộng đồng Manhattan Jewish Experience ở New York: "Chúng tôi tưởng niệm ánh sáng, một biểu tượng tinh thần, phi vật chất. Như kinh Torah vẫn luôn nhắc nhở chúng ta: Sự sung túc đến từ các đấng trên cao".

Điều kỳ diệu Hanukkah là một ví dụ về "quan niệm sung túc" trong Do Thái giáo, Feldman cho biết. Đó cũng là một nguyên tắc quản lý phổ biến, cho rằng sống với cảm giác sung túc khiến chúng ta giàu có hơn cả về vật chất và tinh thần. Người Do Thái vẫn luôn được dạy dỗ để tiếp nhận quan niệm này.

Quan niệm sung túc trở nên nổi tiếng cùng với cuốn sách xuất bản năm 2004 "7 thói quen của những người cực kỳ thành công" của Stephen Covey. Nguyên tắc này hiện đang được giảng dạy cho học sinh tiểu học ở Indiana nhằm xây dựng các kỹ năng lãnh đạo tích cực.

Phòng Thương Mại Hoa Kỳ cũng khuyến khích ý tưởng của Covey khi cho rằng "với quan niệm sung túc, người ta sẽ hỏi "Nếu…thì sao?" và "Tại sao lại không?" … Một khi bạn bắt đầu tìm kiếm đào sâu hơn nữa, bạn sẽ sớm nhìn ra được nhiều thứ hơn xung quanh mình, và bạn cũng bắt đầu kỳ vọng nhiều hơn".

Bạn sẽ học được rất nhiều về sự cho đi từ Lễ Hanukkah của người Do Thái - Ảnh 1.

Feldman cho rằng sự tương đồng giữa các bài học của Covey và giáo lý Do Thái là rất đáng chú ý. "Chẳng hạn, kinh Talmud dạy rằng khi cho đi ta lại trở nên giàu có hơn, và nó hứa hẹn rằng ta càng cho đi nhiều thì càng nhận lại được nhiều".

Hanukkah là một cách để người Do Thái thể hiện sự trân trọng nguyên tắc này, Feldman giải thích, nhưng ngày lễ đó không phải lúc nào cũng là ngày lễ trọng. Phải 150 năm sau khi người Maccabees tái dựng lại đền thờ ngày lễ này mới được tưởng niệm khi những giáo trưởng đầu tiên lập ra ngày Hanukkah để tạo một sự kiện tinh thần nhằm ăn mừng chiến thắng về chính trị.

Bạn sẽ học được rất nhiều về sự cho đi từ Lễ Hanukkah của người Do Thái - Ảnh 2.

Quan niệm sung túc của người Do Thái còn được thể hiện trong các điều răn, khuyên yêu thương người khác như yêu chính mình. Tại sao ư? Vì mỗi người Do Thái đều trải qua sự đau khổ và kiếp nô lệ, ít nhất là tổ tiên ông bà mình. Nếu không có sự rộng lượng từ những người hàng xóm, những người lạ mặt, và Chúa Trời thì không ai có thể tồn tại được.

Từ "tzedakah", trong tiếng Hebrew nghĩa là "từ thiện", càng làm rõ hơn quan điểm chia sẻ sự sung túc của người Do Thái. Tzedakah còn có nghĩa là sự chính đáng, công bằng hay công lý. Cho đi đơn giản là việc đúng đắn cần làm, và người nhận món quà từ thiện làm ơn cho người tặng bằng cách tạo cơ hội để người đó làm tròn bổn phận của mình. Trong lời dạy của vị giáo trưởng Maimonides nổi tiếng ngày xưa, "Không ai nghèo đi khi làm từ thiện cả".

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM