Bạn là “người hùng” hay “chú chuột” trong công việc?

14/04/2016 09:08 AM | Sống

Tôi có thể là người hùng và bạn cũng có thể. Trở thành người hùng không phải là một điều kỳ diệu. Nó xuất phát từ chính bản thân mỗi người và sự đam mê với công việc.

Bạn định nghĩa thế nào về thành công trong sự nghiệp? Theo định nghĩa thông thường, sẽ có rất ít người trong thế giới rộng lớn này đạt được thành công khi họ theo đuổi được nấc thang nghề nghiệp và địa vị.

Vậy tất cả những người còn lại, trong đó có tôi và bạn, đều là những kẻ thất bại hoặc chúng ta chỉ tồn tại sao?

Câu trả lời là không. Theo nhà kinh tế học Paolo Gallo, người đã từng dành 2 thập kỷ nghiên cứu về nguồn lực con người tại Diễn đàn kinh tế thế giới cho rằng, chúng ta đang có những quan điểm sai lầm về thành công.

Chúng ta thường đánh đồng thành công với 2 nhóm người. Nhóm thứ nhất là những “người hùng” nơi công sở, tức là những người giữ vai trò quan trọng nhất trong tổ chức. Nhóm thứ 2 là những người thăng tiến nhanh nhất, họ cứ nhảy từ bậc dưới lên bậc trên một cách “kỳ lạ”.

Chính quan điểm sai lầm này đã dẫn đến những cuộc tranh đấu quyết liệt, ai cũng muốn leo lên những vị trí cao hơn trong công việc, kể cả dùng thủ đoạn hay thậm chí đánh đổi hạnh phúc và sự tự do chỉ để giữ một chức vị nào đó.

Liệu điều này có thực sự ý nghĩa đối với chúng ta? Trước tiên, cần hiểu rõ khái niệm “người hùng” là thế nào.

Theo quan điểm của nhà kinh tế học Paolo Gallo, người hùng là những người đàn ông trung niên đã mất việc làm, nhưng ông có đủ nghị lực để vực dậy và bắt đầu làm lại.

Người hùng ở đây có thể là một bà mẹ đơn thân, sẵn sàng đón nhận và chăm sóc tốt cho đứa con của mình bằng tất cả tình yêu thương.

Người hùng cũng có thể là một cô gái trẻ dám đối mặt với thực tế là tỷ lệ thất nghiệp đang tăng cao nhưng vẫn cố gắng tìm một công việc tốt; hoặc hoàn thành tấm bằng thạc sỹ hoặc khởi nghiệp…

Người hùng là người công nhân hôm trước làm đêm, hôm sau vẫn có thể bắt chuyến xe bus đi làm từ 5 giờ sáng trong suốt 30 năm.

Người hùng là người công nhân vệ sinh, luôn làm việc cần mẫn từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, mang lại cho chúng ta không gian sống gọn gàng và sạch sẽ.
Người hùng là người công nhân vệ sinh, luôn làm việc cần mẫn từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, mang lại cho chúng ta không gian sống gọn gàng và sạch sẽ.

Người hùng là những người lao động nhập cư đến từ một đất nước xa xôi, làm những công việc bình thường dù trước đó anh ta từng quen làm một luật sư hay một giáo viên.

Người hùng là những người sẵn sàng bỏ ra một nửa, thậm chí 99% tài sản của mình để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh trên khắp thế giới này.

Người hùng là những nghệ sĩ, nhà báo sẵn sàng đem tài năng, tâm huyết của mình phục vụ xã hội.

Người hùng là tất cả những bác sĩ, giáo sư, quan tòa, cảnh sát… Những người làm việc cho cộng đồng và làm việc vì cộng đồng.

Như vậy, tôi có thể là người hùng và bạn cũng có thể. Trở thành người hùng không phải là một điều kỳ diệu. Nó xuất phát từ chính bản thân mỗi người và sự đam mê với công việc.

“Hãy tiếp tục theo đuổi những điều mà bạn đam mê, đừng bao giờ bỏ cuộc” – nhà kinh tế học Paolo Gallo cho biết. Theo ông, cuộc sống có 3 điều “trăn trở”:

Nếu chỉ cố gắng leo lên một vị trí cao hơn thì bạn đang đánh mất đi 99% cơ hội của sự đam mê. Khi đó, bạn chỉ tạo ra một chuỗi những bất hạnh, mất mát, khổ đau bởi xã hội không thể có đủ các vị trí cao cho tất cả mọi người.

Nếu coi sự nghiệp là một cuộc đua, bạn sẽ luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu: một bên là bạn; bên còn lại sẽ là cả thế giới xung quanh bạn. Đôi khi, sự tham chiến sẽ dẫn đến tham lam và làm mất đi sự đoàn kết giữa mọi người trong một tổ chức.

Cuối cùng, sau mỗi cuộc đua, chúng ta tự biến mình thành những chú chuột. Chúng ta tham lam, bận rộn theo đuổi chiến thắng riêng cho bản thân mà quên đi rằng: Nếu xã hội không có sự gắn kết, thì cũng sẽ không bao giờ có thành công. Khủng hoảng kinh tế sẽ kéo theo thất nghiệp cho tất cả mọi người, tất nhiên sẽ có cả bạn trong đó!

Khánh Ly

Cùng chuyên mục
XEM