Băn khoăn vì sao cấp dưới của bạn bỏ việc nhiều? Hãy đọc ngay bài viết này!

03/03/2018 09:09 AM | Kinh doanh

Nếu các nhà quản lý chỉ cho nhân viên của mình một công việc thì điều này khó có thể nuôi dưỡng sự trung thành của họ đối với công ty.

Các leader thường quên mất sự khác biệt giữa "Công việc" và "Sự nghiệp". Công việc là thứ sẽ cho bạn một khoản thu nhập hàng tháng, còn sự nghiệp lại mang tính chất ý nghĩa lâu dài hơn. Vì vậy, nếu các nhà quản lý chỉ cho nhân viên của mình một công việc thì điều này khó có thể nuôi dưỡng sự trung thành của họ đối với công ty.

Theo một nghiên cứu được thực hiện của Tập Đoàn Addison vào tháng 11 năm 2017 thì tại đây, trong 1.000 ứng viên tham gia khảo sát, có tới 84% cho rằng họ sẽ tìm một vị trí mới tại công ty khác, còn công việc hiện tại thì… chỉ là công việc tạm thời mà thôi. Đa phần các nhân viên này đều cho rằng thứ họ được nhận mới chỉ là một công việc chứ không phải là sự nghiệp lâu dài mà họ muốn gắn bó.

Vậy để có thể trở thành một quản lý tốt và hạn chế tình trạng nhân viên của mình rời bỏ công việc để tìm kiếm cơ hội tốt hơn, ta cần phải làm gì?

Cơ chế tuyển dụng nên dựa thêm vào tiềm năng của ứng viên

Whitney Johnson, tác giả của cuốn "Build an A-Team" đã chỉ ra rằng khi tuyển dụng các vị trí cho công ty mình, các nhà quản lý thường chỉ quan tâm tìm những ứng viên có kinh nghiệm, chuyên nghiệp cho vị trí tuyển dụng. Đơn giản là bởi vì những ứng viên có kinh nghiệm sẽ mang lại hiệu quả tức thì nhưng về lâu về dài thì nó cũng không thúc đẩy ứng viên này phát triển được tiềm năng cá nhân.

Ưu tiên xem xét tiềm năng của nhân viên mặt khác sẽ tạo cơ hội cho các nhân viên này học tập, tích lũy kinh nghiệm và tạo ra lộ trình phấn đấu dành cho họ.

Một ví dụ điển hình cho vấn đề này là Emily Key, lãnh đạo của Bench một công ty kế toán online có trụ sở đặt tại Vancouver. 4 năm trước, Emily Key còn là một nhân viên tập sự và cô đã được tự lên kế hoạch, mục tiêu cho mình. Khi đạt được những mục tiêu đề ra, cô đã tích lũy được kinh nghiệm và dần được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cho một team của riêng mình.

"Khi các nhân viên có thể thấy rõ được lộ trình thăng tiến của mình, họ sẽ có xu hướng cố gắng phát triển tiềm năng của bản thân hơn để theo đuổi vị trí cũng như cơ hội cao hơn trong công ty." Key cho biết.

Vì thế, hãy dành thời gian để xem xét về mục tiêu đối với công việc của các ứng viên bằng những câu hỏi như "Bạn hãy tưởng tượng về bản thân mình trong một năm tới, năm năm tới sẽ như thế nào?" Sau đó, các nhà quản lý có thể đàm phán với nhân viên về những lộ trình, mục tiêu mà họ cần đạt được để vươn tới thành tựu mà họ tự đặt ra.

Ngoài ra thì việc tìm hiểu kĩ về những mong muốn, mục tiêu của các ứng viên khi tuyển dụng cũng giúp thể hiện rằng công ty quý trọng nhân viên của mình và muốn họ gắn bó với công việc lâu dài.

Cho nhân viên thấy ý nghĩa của công việc mà họ đang làm

Những nhân viên tốt thường tin tưởng vào giá trị và những điều mà công ty của họ đang làm. Điều đó khiến họ cảm thấy mình như một phần trong vai trò lớn lao của cả công ty.

Edward Fleuschman, chủ tịch kiêm CEO của công ty chuyên lĩnh vực tuyển dụng Execu|Search chia sẻ rằng cách tốt nhất để cho nhân viên thấy được ý nghĩa của công việc chính là cho họ thấy họ đã cống hiến được những gì.

"Một nhân viên sẽ cảm thấy yêu thích công việc của mình hơn khi họ thấy được hiệu quả của công việc mà mình làm, họ sẽ thấy mình thực sự có giá trị và muốn gắn bó với tổ chức lâu dài hơn." Ông Fleischman cho biết.

Ngay từ những ngày đầu tiên của công việc, hãy giải thích cho nhân viên hiểu được rằng những nhiệm vụ tưởng chừng như nhỏ nhặt sẽ đóng góp vào bức tranh toàn cảnh chung. Làm rõ được nhiệm vụ cũng như hiệu quả công việc của từng nhân viên sẽ giúp họ thấy được ý nghĩa trong công việc của mình.

Một ví dụ điển hình chính là phong cách làm việc tại Nhật Bản, bạn có thể thấy rằng ở đất nước này, hầu như mọi công việc đều có một niềm tự hào riêng mà người làm nghề luôn truyền tai nhau. Như người đầu bếp thì tự hào vì mang đến bữa ăn ngon cho khách hàng, người bán hàng thì luôn tự hào rằng mình là người mang đến thứ mà khách hàng cần… Tất cả đều xác định rõ vai trò của mình để tìm kiếm ý nghĩa cho những công việc mà mình đang làm.

Lên kế hoạch cho tương lai của nhân viên một cách rõ ràng

Crystal Huang, CEO của Irvine, công ty phát triển platform quản lý nhân lực Prosky đã chia sẻ với người viết về câu chuyện của mình. Trong một lần, cô nhận thấy rằng có một nam nhân viên liên tục hỏi cô rằng bao giờ thì anh ta mới được tăng lương. Anh chàng này sau đó tỏ ra làm việc kém hiệu quả hơn rất nhiều so với trước đó và Huang nhận ra rằng anh ta không còn hứng thú với công việc của mình nữa. Sau khi ngồi lại, nói chuyện với người nhân viên này, cô nhận ra rằng anh ta chán nản bởi không thấy một chút tương lai tươi sáng nào khi gắn bó với công ty.

Điều này đã khiến Huang quyết định nghiên cứu, tạo ra một lộ trình thăng tiến cho từng vị trí, từng nhân viên trong công ty của mình. Những lộ trình thăng tiến này sẽ giúp đặt ra những mốc mục tiêu rõ ràng để phấn đấu và không còn phải băn khoăn xem bao giờ mình mới được tăng lương, được thăng cấp. Và theo Huang thì điều cốt lõi là sau khi xây dựng được khung lộ trình thăng tiến rõ ràng thì cô có thể điều chỉnh để thắt chặt hay nới lỏng từng vị trí tùy theo định hướng phát triển của công ty.

Tạo một môi trường làm việc nhóm lành mạnh

Ở giữa một tập thể với những cá nhân có kinh nghiệm sẽ giúp cho người nhân viên học hỏi được nhiều điều có ích cho sự nghiệp của mình hơn. Do đó, chú trọng vào phát triển môi trường làm việc nhóm vững mạnh cũng là yếu tố giúp níu chân nhân viên ở lại với công ty.

Liz Corcoran, hiện đang là giám đốc phát triển nhân lực của Sprout Social, một công ty truyền thông có trụ sở tại Chicago cho biết, cô đang từng là quản lý cho một đơn vị chuyên đào tạo những nhân lực mới trong vai trò thực tập sinh.

Corcoran cho biết, cô rất coi trọng các thực tập sinh và luôn nhắc nhở mọi người không được "cô lập" hay giao cho thực tập sinh những công việc vụn vặt quá mức mà phải luôn coi họ như một phần của team. Và hiệu quả của chính sách này đã cho thấy rằng các thực tập sinh sẽ cố gắng hết mình để phấn đấu trở thành một nhân viên chính thức.

"Bạn sẽ chỉ có thể xây dựng sự nghiệp của mình nếu như đi cùng những người khác. Sẽ cần phải có sự kết hợp giữa người quản lý và nhân viên để xây dựng và định hướng cho sự nghiệp của bạn." Corcoran cho biết.

Vì vậy, để có thể khuyến khích nhân viên gắn bó với công ty lâu dài, hãy tạo ra một môi trường làm việc nhóm lành mạnh nơi mà những người đi trước có thể hướng dẫn và chỉ dạy thoải mái cho các nhân viên mới.

Thế Anh

Từ khóa:  sếp , nhân viên
Cùng chuyên mục
XEM