"Bán hộ" không lấy lãi doanh nghiệp trong một năm, động cơ thực sự của Vingroup là gì?

02/06/2016 09:36 AM | Kinh doanh

Một mũi tên trúng nhiều đích: đối tác, đối thủ và khách hàng của chuỗi bán lẻ Vingroup. Tuy nhiên, đây lại là mũi tên rất tốn tiền.

Ngày 1/6, Vingroup phát đi một thông tin khiến cả ngành bán lẻ sốt sắng không yên: tập đoàn này tuyên bố sẽ giảm mức chiết khấu về 0% cho doanh nghiệp cung cấp sản phẩm tươi sống trong hệ thống siêu thị Vinmart, Vinmart+.

Hành động này của Vingroup cũng tương tự như việc “bán hộ không lấy lãi” cho các doanh nghiệp tham gia vào hệ thống của tập đoàn này.

Bên cạnh đó, Vingroup sẵn sàng tham gia góp vốn cho một số DN có nhu cầu để tối ưu hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí. Đây cũng là nội dung của bản ký kết vừa được thực hiện giữa tập đoàn này với 250 doanh nghiệp trong nước.

Vậy động cơ thực sự của Vingroup là gì?

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Khắc Hiệp - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho rằng, thời gian qua, các Hiệp định thương mại tự do cùng làn sóng doanh nghiệp ngoại đổ vào Việt Nam đang tạo nên sức ép cạnh tranh vô cùng quyết liệt.

Để tồn tại, các doanh nghiệp Việt chủ động hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm cạnh tranh sòng phẳng bằng cách liên kết lại với nhau.

"Khi ra nước ngoài, người Việt phải sát cánh với nhau để cùng tồn tại và phát triển thì tại sao ở trong nước lại không làm như vậy? Các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài rất mạnh, nếu chúng ta không cùng nắm tay lại thì sẽ khó sống sót", đại diện Vingroup cho hay.

Chia sẻ của ông Hiệp được đưa ra trong bối cảnh các nhà bán lẻ rất bức xúc khi chuỗi siêu thị Big C Việt Nam bất ngờ đòi tăng mức chiết khấu lên rất cao, có mặt hàng lên tới 25%. Một số DN còn cho rằng, đây thực chất là hình thức “đuổi khéo” hàng Việt của Big C Việt Nam để đưa hàng Thái về, sau khi chuỗi siêu thị này về tay tỉ phú Thái Lan.

Nhưng kể cả không có vụ việc của Big C, thì thông tin một chuỗi siêu thị lớn sẵn sàng giảm mức chiết khấu về 0% quả thực là quá hấp dẫn với các DN sản xuất. Hiện tại, chỉ tính riêng hệ thống siêu thị mini Vinmart+ đã có khoảng 700 địa điểm len lỏi vào sâu những ngõ ngách dân cư sống trong nội đô, rất phù hợp để bán thực phẩm tươi sống.

Dù doanh thu trên điểm bán chưa phải cao, nhưng gia nhập một kênh phân phối lớn như vậy là điều mà bất cứ doanh nghiệp sản xuất nào cũng thèm muốn. Đặc biệt là khi họ không phải tốn phí trả cho siêu thị.

Ở phía ngược lại, hệ thống bán lẻ của Vingroup cũng không chỉ quan tâm hô hào đoàn kết suông. Đã làm doanh nghiệp, Vingroup chắc chắn phải suy tính cái lợi cho mình.

Sau 2 năm, dù đã mở ra tới gần 1000 địa điểm trên cả nước và quảng bá tên tuổi của mình với sản phẩm rau sạch, Vinmart và Vinmart+ vẫn đang bị “chê” là hàng hóa còn thiếu đa dạng, kể cả trong lĩnh vực họ đang tập trung là thực phẩm sạch.

Vì vậy, liên kết với các nhà bán lẻ nội địa là một bổ sung đúng đắn. Và để tăng mức độ hấp dẫn và chất lượng của bản thân, Vingroup đã đưa ra chiêu bài rất “độc”: Loại bỏ hoàn toàn phí thuê quầy kệ trong vòng 1 năm.

Rõ ràng làm vậy thì siêu thị sẽ bị lỗ. Nhưng không sao, chấp nhận lỗ để mở rộng là điều chúng ta thường xuyên được nghe về những dự án ngoài bất động sản của Vingroup, như nông nghiệp hay thương mại điện tử. Và bán lẻ cũng không ngoại lệ. Tất nhiên, chỉ có những doanh nghiệp tiềm lực lớn như Vingroup mới đủ sức để theo đuổi chiến lược kiểu này.

Liệu Vingroup có “quá tải”?

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, Vingroup "bao cấp" cho thực phẩm tươi sống vào siêu thị 1 năm hoàn toàn khả thi nếu như nhà phân phối có chủ trương đúng đắn. Việc giúp đỡ cho các nhà cung ứng của Vinmart không chỉ đơn thuần cung cấp hệ thống mà còn mục tiêu nâng cao chất lượng hệ thống này.

Các doanh nghiệp đưa hàng vào Vinmart, tuy được miễn phí thuê, nhưng họ phải cạnh tranh rất khốc liệt với nhau về chất lượng sản phẩm, từ đó Vinmart sẽ thanh lọc dần những nhà sản xuất yếu kém, để lại những nhà sản xuất mạnh trở thành đối tác lâu dài của mình.

Cuối cùng, việc “trợ giá” của Vingroup không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, mà sẽ lôi kéo được thứ các siêu thị cần nhất. Đó là khách hàng.

Như đã nói ở trên, mức chiết khấu cho các siêu thị hiện nay không hề nhỏ. Chẳng hạn, trước khi đòi tăng lên mức 25%, thì Big C Việt Nam cũng đã đòi mức chiết khấu 15% cho đa số mặt hàng. Và khoản chi phí này sẽ đổ lên đầu người tiêu dùng, vì doanh nghiệp phải tính tất cả chi phí vào giá bán sản phẩm.

Trong trường hợp mức chiết khấu về 0% theo chính sách của Vingroup, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa trong hệ thống này sẽ có điều kiện để giảm giá. Đại diện Vingroup cũng không ngần ngại cho biết sẽ khuyến khích các DN tham gia hệ thống làm điều này.

Vừa được ăn thực phẩm tươi sống sạch, lại với mức giá ưu đãi, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi nhiều nhất.

Đấy là chưa kể, các chuỗi siêu thị khác dù muốn dù không, cũng sẽ bị lôi vào cuộc chơi cạnh tranh về giá của Vingroup.

Một mũi tên trúng nhiều đích: đối tác, đối thủ và khách hàng. Tuy nhiên, đây lại là mũi tên rất tốn tiền. Song song với chiến lược giảm chiết khấu, Vinmart còn tiếp tục mở rộng trong năm nay. DN này ước tính đến cuối năm, số điểm bán sẽ là 3.000 điểm Vinmart và Vinmart+. Đấy là chưa kể, chiến lược của Vinmart sẽ cần một hệ thống quản trị tốt để hoạt động.

Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM