Bán điện thoại Pixel cũng chẳng thể giúp Google sánh ngang Apple, hãy học Microsoft làm chú bé lém lỉnh của 6 năm về trước

05/10/2016 11:19 AM | Công nghệ

Bữa tiệc phần cứng Google mang đến đêm qua rất thịnh soạn và thể hiện một sự nghiêm túc trong đầu tư. Thế nhưng, để so với những ông lớn như Apple, khả năng cạnh tranh của Google ở mảng này vẫn là không khả quan.

Tại sự kiện đêm qua, Google đã mang tới cho người dùng yêu công nghệ một bữa tiệc phần cứng thịnh soạn: smartphone "chính chủ" có tên Pixel, kính thực tế ảo Daydream View, đối thủ của Amazon Echo mang tên Google Home và router Google WiFi cho gia đình.

Không giống như những sự kiện "hời hợt" trước đây, tất cả các sản phẩm của Google lần này đều có tính liên kết chặt chẽ, và thuộc sự quản lý nhất quán bởi một khối, đứng đầu là cựu Chủ tịch Motorola - ông Rick Osterloh.

Ví dụ, trợ lý ảo Google Assistant có thể xuất hiện trên cả Google Home và điện thoại Pixel, mặc dù cách kích hoạt không giống nhau. Với Home, bạn cần phải nói "Okay Google", trong khi đó trên Pixel, người dùng cần nhấn và giữ nút Home cảm ứng.

Tương tự như vậy, smartphone Pixel cũng là chiếc điện thoại đầu tiên (và hiện tại là duy nhất) tương thích với những phụ kiện đeo thực tế ảo Daydream.

Cũng tuyệt vời đấy, nhưng trên sân chơi phần cứng, Google vẫn không "có cửa" khi so sánh với Apple. Tại sao?

- Chỉ là kẻ theo sau, không phải người dẫn đầu: Tất cả các sản phẩm mà Google trình làng đêm qua đều không có tính mới mẻ. Pixel và Pixel XL giống như tất cả những chiếc smartphone khác.

Sản phẩm Home tương tự Echo đến từ Amazon. Daydream View là một bộ kính thực tế ảo giá thấp nhưng độ tiên tiến thì không thể so được với Oculus của Facebook hay PlayStation VR đế từ Sony.

Cuối cùng, sản phẩm router thông minh Google WiFi cũng không thực sự tạo ra được sự khác biệt nào đáng kể so với những sản phẩm hiện có trên thị trường.


Sau khi bán Motorola cho Lenovo, Google cũng không còn nguồn lực để tự sản xuất điện thoại. Pixel và Pixel XL là sự hợp tác với HTC

Sau khi bán Motorola cho Lenovo, Google cũng không còn nguồn lực để tự sản xuất điện thoại. Pixel và Pixel XL là sự hợp tác với HTC

- Google không trực tiếp sản xuất điện thoại: Trong sự kiện đêm qua, khi giới thiệu bộ đôi Google Pixel và Google Pixel XL, công ty này đã sử dụng cụm từ "Phone by Google" làm điểm nhấn. Tuy nhiên, cần hiểu rõ là tương tự dòng Nexus, Google không trực tiếp sản xuất chiếc Pixel mà nhà sản xuất được chọn mặt gửi vàng lần này là HTC.

- "Tiền lệ"… không tốt: Nếu Google thực sự nghiêm túc với mảng kinh doanh phần cứng, tại sao trong quá khứ hãng này từng chi ra 12 tỷ USD để mua Motorola (2011) nhưng lại quyết định bán nó đi cho Lenovo trong thời gian chưa tới 3 năm?

Larry Page từng chia sẻ quan điểm khi bán Motorola: "Mọi thứ như bị vắt kiệt khi tiếp cận việc sản xuất các thiết bị di động". Vậy cuối cùng Larry Page lại thay đổi quan điểm hay là bất kì điều gì khác?

- Không tham gia vào chuỗi bán lẻ: Khi Microsoft tham gia sản xuất phần cứng, ông lớn có trụ sở tại Redmond đã mở một chuỗi cửa hàng bán lẻ. Amazon cũng đang dự tính phát triển khoảng 100 gian hàng trong các trung tâm thương mại lớn.

Còn đối với Google, người dùng sẽ cảm thấy "tuyệt vọng" khi phải tìm được một nơi dùng thử sản phẩm. Thêm vào đó, Pixel và Pixel XL ngay cả khi được tích hợp công cụ hỗ trợ 24/7, nó vẫn chẳng là gì khi so sánh với mô hình Apple Genius Bar của Apple.

- Các vấn đề tài chính: Google vẫn chưa bao giờ công bố cụ thể các số liệu về doanh số bán ra, cũng như tình hình tài chính của mảng phần cứng. Nếu làm được điều này, Google sẽ thể hiện được sự nghiêm túc trong mảng phần cứng, hơn là mập mờ như hiện tại.


CEO Google Sundar Pichai trên sân khấu sự kiện đêm qua

CEO Google Sundar Pichai trên sân khấu sự kiện đêm qua

Đêm qua, ông Sundar Pichai đã cố gắng tỏ ra hào hứng, nhưng sự thật là vị CEO này vẫn chẳng thể tìm thấy niềm vui như tại sân khấu Google I/O.

Nếu theo dõi sự kiện đêm qua, có thể bạn sẽ nhận ra sự hào hứng và năng lượng của Google CEO - Sundar Pichai được dồn vào các nội dung liên quan chủ yếu đến phần mềm.

Nhất là khi vị CEO này nói về sự phát triển của công nghệ Machine learning tại Google trong việc dịch từ Tiếng Anh sang Tiếng Hoa - một vấn đề làm đau đầu các nhà phát triển.

Trước đó, người đứng đầu mảng phần cứng của Google là Asterloh cũng phải đứng ra khẳng định lại với giới công nghệ là Google đang rất nghiêm túc với mảng phần cứng, và chúng nằm trong kế hoạch dài hạn tiếp theo của công ty này.

Thế nhưng, trên thực tế, phần tuyệt nhất trong các sản phẩm của Google không nằm ở phần cứng, mà là phần mềm và các dịch vụ được tích hợp trong đó - bộ não đằng sau Google Assistant, lưu trữ ảnh/video miễn phí không giới hạn cho chiếc Pixel, hay nền tảng thực tế ảo Daydream cho phép bên thứ ba tạo ra các nội dung 3D.

Google chắc chắn sẽ không thể cạnh tranh Apple khi tham gia vào mảng phần cứng. Những gì công ty này đang làm dường như lại giống với Microsoft của 6 năm về trước - chập chững làm mảng phần cứng để trình diễn khả năng của Windows 8 trên thiết bị cảm ứng.

Thực tế, Microsoft rất nghiêm túc khi làm phần cứng. Họ đã tạo ra các sản phẩm tuyệt vời, thậm chí là khiến những ông lớn có thế mạnh phần cứng như Apple phải thay đổi.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, phần cứng chỉ là mảng phụ trợ giúp Microsoft phát triển các sản phẩm khác và nó nằm trong kế hoạch tổng thể mang đến năng suất làm việc cao cho người dùng, chứ không phải phần cứng được tạo ra vì chính… phần cứng như Google đang làm.

Đây mới là con đường Google cần theo đuổi: bán phần cứng, thu thập/ban phát thông tin và cuối cùng là bán được quảng cáo.

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM