Bạn đang “ném 70% tiền bạc qua cửa sổ” vào 3 thứ này chỉ vì không biết chi tiêu đúng cách

13/07/2017 08:40 AM | Sống

Thời gian tích lũy tài sản để trở nên giàu có và dành vào mục đích nghỉ hưu sẽ được rút ngắn lại nếu bạn biết cách quản lý việc chi tiêu vào 3 vấn đề này hợp lý.

Tiết kiệm đủ một khoản chi phí dành cho cuộc sống trong giai đoạn nghỉ hưu ngay từ những năm 40 tuổi dường như là một thách thức với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, điều này cũng không phải khó thực nếu bạn học hỏi từ những người đã cố gắng để đạt được mục tiêu tiết kiệm trước thời hạn mặc dù họ không bắt buộc phải nghỉ hưu sớm.

Grant Sabatier, triệu phú tự thân lập nghiệp 30 tuổi đã chia sẻ trên một blog tài chính rằng, trung bình người Mỹ hoang phí 70% tiền bạc vào 3 vấn đề mà chính họ cũng không biết. Đó là nhà ở, phương tiện di chuyển và thực phẩm, chưa kể các khoản thuế thu nhập và an sinh xã hội.

Ở một số vùng thậm chí những khoản tiền lãng phí dành cho nhà cửa, phương tiện giao thông và thực phẩm còn có thể cao hơn. Điều đó gây khó khăn cho việc tích lũy và làm giàu. Với Grant Sabatier, nếu biết cách cố gắng chi tiêu trong tầm thì vẫn có thể đạt được mục tiêu tài chính của mình sớm hơn.

“Nếu bạn có thể chi tiêu ít hơn cho những chi phí đó, bạn có thể tạo ra sự khác biệt”, triệu phú Grant Sabatier viết trên trang blog tài chính. Ông tiếp tục chia sẻ nếu như chúng ta chuyển đến một căn hộ vừa đủ cho mọi thành viên sinh hoạt, đi làm và nấu ăn ở nhà thì đã có thể tăng tỷ lệ tiết kiệm lên mức 25% và cao hơn nữa.

"Việc quản lý chi tiêu 3 vấn đề trên đã giúp tôi tiết kiệm được hàng triệu USD trong vòng 5 năm. Để làm được điều này, bạn phải có khả năng kiểm soát và sáng tạo riêng. Tuy nhiên, về cơ bản vẫn cần phải học hỏi những nguyên tắc này', triệu phú Sabatier cho biết.

Nhà ở

Mua nhà hoặc xây dựng nhà cửa từ lâu đã là công việc hệ trọng trong cuộc sống mỗi con người. Lẽ dĩ nhiên, ai cũng mong muốn được sống trong căn hộ riêng của mình. Vì thế việc sử dụng một khoản tiền thích hợp để mua nhà vẫn luôn là vấn đề đau đầu với không ít người.

Nếu bạn thuộc nhóm người sẵn sàng chi trả khoản tiền lớn cho nhà ở mà không cần suy xét đến khả năng tài chính của mình thì nên xem xét lại. Hãy bắt đầu bằng cách tìm kiếm một nơi ở mà bạn có thể đáp ứng tối thiếu 30% chi phí, hoặc ít hơn mức thuế thu nhập của bạn.

Vì hầu như không phải ai cũng có khả năng chi trả cho toàn bộ căn nhà trong một thời gian ngắn nên thường sẽ dùng đến khoản tiền vay mượn. Nếu bạn thực sự muốn tiết kiệm thì càng phải giới hạn khoản chi phí dành cho nhà cửa, đồng nghĩa với việc vay mượn càng ít càng tốt.

Nên nhớ rằng, giàu có như Warren Buffett – vị tỷ phú nắm trong tay khối tài sản lớn thứ 2 trên thế giới vẫn sống trong căn hộ cũ tại Omaha suốt hàng chục năm. Thậm chí, căn nhà đó cũng chỉ có giá trị chưa đến 0,001% số tài sản của ông.

Tỷ phú Warren Buffett, huyền thoại của giới đầu tư vẫn sống trong căn nhà cũ và đi chiếc xe cổ trong hàng chục năm qua.

Phương tiện

Sau nhà ở thì phương tiện di chuyển là khoản chi tiêu lớn thứ 2 của mọi gia đình, theo dữ liệu từ Cục thống kê Lao động Hoa Kỳ. Không có gì phải ngạc nhiên khi mỗi năm số lượng người vay tiền để trả cho chi phí xe cộ không ngừng gia tăng. Thậm chí, số tiền mua sắm và bảo dưỡng phương tiện đi lại của một số gia đình còn cao hơn chi phí giáo dục.

Sở hữu một chiếc xe đáng tin cậy là quan trọng. Nhưng bạn không cần thiết phải dành đến 500 USD mỗi tháng để trả góp cho khoản tiền mua xe trong vòng 5 – 6 năm. Khi mua một chiếc xe hơi, hãy chắc chắn rằng bạn có thể trả toàn bộ số tiền ngay lập tức hoặc chỉ kéo dài các khoản vay trong khoảng thời gia tối đa là 3 năm.

Thực phẩm

Theo khảo sát của tạp chí Business Insider, ăn uống chiếm 43% chi tiêu hàng năm của mỗi gia đình, một vấn đề rõ ràng có thể tiết kiệm hơn. Tiết kiệm chi phí dành cho thực phẩm không có nghĩa là bạn phải ăn uống khổ cực hay nhịn ăn…

Thay vào đó, bạn hoàn toàn có thể cắt giảm các khoản chi phí dành cho các mặt hàng tạp hóa linh tinh như đồ ăn nhanh và đặc biệt, tránh mua quá nhiều đồ ăn mà không sử dụng hết. Nên ước tính số người và mua lượng thực phẩm tương đương để không phải đổ thừa hoặc lưu trữ quá lâu làm mất giá trị dinh dưỡng của thực phẩm.

Theo Nguyễn Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM