Bạn đang định mua lại một quán trà, làm thế nào để định giá đúng và không bị mua "hớ"?

22/02/2018 09:26 AM | Kinh doanh

Nếu bạn là một người mê chương trình Shark Tank thì hẳn bạn không còn lạ lẫm gì với những câu hỏi vặn vẹo, những màn định giá, mặc cả trong chương trình giữa các Shark và các doanh nghiệp kêu gọi vốn. Vậy làm thế nào để định giá doanh nghiệp cho đúng, hãy cùng nghe lời khuyên của một chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực này nhé.

Liên quan đến vấn đề định giá cho các doanh nghiệp, Steve Robbins, founder và chủ tịch của LeadershipDecisionworks Inc., một công ty khá nổi tiếng trong lĩnh vực tư vấn và đào tạo nhân lực đã giải đáp thắc mắc của một độc giả như sau.

Hỏi: Tôi đang tìm mua lại một quán bán trà. Người chủ quán đã gặp và đề nghị tôi đưa ra một mức giá cho quán trà của anh ấy nhưng tôi không chắc là mức giá mình đưa ra có đúng hay không. Tôi có nên yêu cầu được xem sổ sách và định giá quán dựa trên số liệu trong đó không nhỉ? Và tôi nên định giá quán theo khung thời gian thực tế như thế nào? Nếu như mức giá tôi đưa ra được chấp nhận thì nên làm gì tiếp theo?

Trả lời: Có rất nhiều cách để định giá một doanh nghiệp. Nhưng trong đó thì cũng không có một cách định giá nào chung nhất cả bởi hầu như tất cả đều có điểm mạnh yếu riêng của mình. Cuối cùng thì một doanh nghiệp sẽ chỉ thực sự có giá trị khi bạn nghĩ rằng nó có giá trị. Và với mỗi người thì họ lại định giá một doanh nghiệp dựa theo các tiêu chí khác nhau.

Bạn có thể bắt đầu tập định giá một doanh nghiệp dựa trên giá trị các tài sản mà doanh nghiệp này đang sở hữu. Hãy tìm hiểu kĩ xem doanh nghiệp đó đang sở hữu những gì? Lượng thiết bị máy móc là bao nhiêu? Hàng tồn kho như thế nào? Nếu bạn để ý kĩ thì sẽ thấy các Shark trong Shark Tank rất hay hỏi về các số liệu này. Nếu trong trường hợp quán bán trà ở trên như bạn nói chưa có một chút thiết bị gì thì bạn sẽ cần phải cân nhắc tới chi phí sắm sửa tất cả lại từ đầu.

Các thông tin về tài sản của doanh nghiệp có thể được tìm thấy trong bảng cân đối kế toán. Còn nếu doanh nghiệp bạn đang định mua lại không có sổ sách rõ ràng cho vấn đề này thì bạn nên xem xét lại quyết định mua lại nó vì bạn có thể gặp rủi ro với người đối tác khi mà họ thậm chí còn chẳng biết tình hình kinh doanh của công ty mình ra sao. Trong Shark Tank, bạn có thể thấy rằng chỉ cần các con số tài chính nhập nhằng cũng sẽ khiến các nhà đầu tư quay mặt bỏ đi ngay lập tức.

Một cách định giá khác mà bạn có thể tham khảo đó là định giá dựa trên dòng tiền. Bạn có thể định giá tình hình kinh doanh dựa trên dòng tiền của công ty mà bạn đang nhắm đến. Thực sự thì cách định giá dựa trên doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp như thế này không có những quy chuẩn rõ ràng.

Đơn cử như khi doanh nghiệp mà bạn đang định mua lại có doanh thu mang về khi bán các sản phẩm của mình là 100.000 USD một năm, giá trị của doanh nghiệp này có thể được tính bằng việc nhân mức doanh thu này với một hệ số nhất định. Hệ số này sẽ tùy thuộc vào từng lĩnh vực mà doanh nghiệp đang kinh doanh. Bạn nên tìm kiếm một chuyên gia, một nhà nghiên cứu hiểu rõ thị trường, lĩnh vực mà bạn đang muốn đầu tư, như ở đây là kinh doanh trà, để tham khảo và họ sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh hơn, tìm ra hệ số chính xác hơn để định giá doanh nghiệp theo doanh thu của nó.

Dẫu vậy nhưng có doanh thu lại không hoàn toàn đồng nghĩa với việc có lợi nhuận. Nếu bạn nghi ngờ câu này thì hãy cứ nhìn vào trường hợp của Amazon.com.

Vào năm 2002, Amazon có doanh thu lên tới 4 tỷ USD nhưng trên thực tế không hề mang lại một đồng lợi nhuận nào. Thực tế thì theo nhiều ước tính, Amazon chưa sinh ra một đồng lãi nào kể từ khi nó được thành lập cho đến nay. Số lãi đến từ doanh thu 4 tỷ USD sao có thể bù lại được nếu năm nào bạn cũng phải "bơm" thêm vào công ty 380 triệu USD?

Từ đây, chúng ta lại có thêm cách định giá bằng cách lấy lợi nhuận của doanh nghiệp nhân với một hệ số nhất định. Ví dụ như một công ty hiện đang có lợi nhuận là 10.000 USD, số tiền đó có thể được dùng để trả cổ tức cho bạn, cho các nhà đầu tư khác hay có thể được dùng để tái đầu tư. Sau đó thì tiến hành ước lượng về doanh thu của các năm tiếp theo dựa trên các yếu tố có thể gây ảnh hưởng tới doanh thu trong lĩnh vực này.

Người nổi tiếng dùng tới phương pháp định giá về dòng tiền có thể kể đến là Warren Buffett, ông thường xuyên tính chiết khấu dòng tiền, xem xét xem một doanh nghiệp sẽ mang về được bao nhiêu giá trị tiền mặt mỗi năm, tính toán xem giá trị của nó trong tương lai như thế nào dựa trên lãi suất của Tín Phiếu Kho Bạc (T-Bill). Đây là cách tính toán đơn thuần mà đa phần các nhà làm kinh tế đều biết.

Hay bạn cũng có thể tính nhanh và khái quát bằng cách chia luôn lợi nhuận năm nay cho lãi suất dài hạn của Tín Phiếu Kho Bạc. Ví dụ, nếu như cửa hàng mang về lợi nhuận 10.000 USD cho năm nay và T-Bill trả lãi suất là 3% thì giá trị của cửa hàng sẽ là 333.333 USD.

Về cơ bản thì cách tính này quy đổi giá trị cửa hàng này sang bằng 333.333 USD T-Bill bởi cùng lượng giá trị T-Bill như thế này sẽ mang lại cho bạn lãi suất là 10.000 USD mỗi năm giống như cửa hàng đang nói đến ở trên. Cách tính này sẽ cho bạn một định hướng cho mức giá trần khi thương thảo mua lại cửa hàng bởi nếu giá người bán đưa ra cao hơn mức 333.333 USD thì bạn có thể đem số tiền này đi đầu tư T-Bill, vẫn nhận được ít nhất 10.000 USD tiền lãi mỗi năm như khi mua cửa hàng mà lại chẳng mất công quản lý gì nhiều.

Tất cả những cách định giá ở trên từ định giá dựa trên tài sản, doanh số, lợi nhuận hay dòng tiền… đều chỉ là tính toán trên phương diện tài chính. Giá trị thực của một doanh nghiệp còn có thể tăng hay giảm dựa trên các yếu tố bên lề khác mà các con số tài chính không thể chỉ ra được.

Đơn cử như bạn có thể trả giá cao hơn các tính toán tài chính nếu cửa hàng trà kia nằm ngay cạnh một cửa hàng ăn mà bạn đang sở hữu bởi bạn có thể kết hợp để hai mô hình kinh doanh này giúp hỗ trợ nhau. Hay đơn giản hơn là bạn đã và đang khát khao, mơ ước có được một quán trà thì bạn cũng có thể trả giá cao hơn.

Tôi mong rằng những chia sẻ khái quát kia sẽ giúp bạn và những độc giả khác hiểu hơn về cách để định giá một doanh nghiệp đúng cách.

Thế Anh

Cùng chuyên mục
XEM