Bán "cơm không ngon", doanh nghiệp này vẫn đều đặn thu về hơn 1 tỷ đồng mỗi ngày

21/08/2016 13:39 PM | Kinh doanh

Mức giá trên 60.000 đồng cho mỗi suất ăn nhìn chung không hề rẻ nhưng chất lượng đồ ăn thường nhận được phản hồi không mấy tích cực từ phía khách hàng.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng không trong những năm qua đang mang lại niềm vui cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng không và dịch vụ liên quan như kho bãi, bốc xếp hàng hóa hay cung cấp suất ăn.

Tại Cảng hàng không Nội Bài, CTCP Suất ăn hàng không Nội Bài- Noibai Catering ( NCS ) là doanh nghiệp độc quyền cung cấp suất ăn cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế như Vietnam Airlines, Qatar Airways, Asiana Airlines, All Nipon Airlines…

Với vị thế độc quyền cung cấp thức ăn cho các chuyến bay, đặc biệt là Vietnam Airlines, kết quả kinh doanh của NCS trong suốt những năm qua tương đối ổn định và tỷ lệ thuận với mức tăng trưởng đội bay của Vietnam Airlines.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2015, NCS ghi nhận doanh thu thuần 466 tỷ đồng, LNTT 78 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 18% và 71% so với năm trước đó. Đây cũng là kết quả tốt nhất NCS đạt được kể từ khi thành lập tới nay.

Hiện tại, nguồn thu của NCS đến từ bán suất ăn hàng không, cung cấp dịch vụ, bán phế liệu. Trong đó, doanh thu từ hoạt động bán suất ăn hàng không chiếm khoảng 80% tổng doanh thu công ty.

Trong năm 2015, NCS đã phục vụ suất ăn trên 37.833 chuyến bay, tăng trưởng 7% so với năm trước đó và mang về doanh thu 374 tỷ đồng. Tính trung bình mỗi ngày, NCS thu về hơn 1 tỷ đồng từ hoạt động “bán cơm” máy bay.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của NCS trong những năm qua ngoài yếu tố nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày càng gia tăng còn đến từ việc công ty liên tục mở rộng thêm khách hàng. Năm vừa qua, NCS đã ký hợp đồng cung cấp suất ăn cho 2 khách hàng mới là Kenya Airways và Lao Airlines.

Mới đây, Vietnam Airlines- khách hàng lớn nhất của NCS đã được nâng hạng hãng hàng không 4 sao và điều này chắc hẳn sẽ mang lại nhiều niềm vui cho NCS bởi việc nâng cao chất lượng món ăn sẽ là một trong những tiêu chuẩn mà Vietnam Airlines bắt buộc phải thực hiện.

Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng NCS vẫn gặp thách thức không nhỏ bởi sự bùng nổ các hãng hàng không giá rẻ như VietJet Air, Jetstar Pacific…bởi lẽ giá vé các hãng hàng không này sẽ không đi kèm đồ ăn để giảm chi phí cho khách hàng và đây là sự khác biệt so với các hãng hàng không truyền thống như Vietnam Airlines với giá vé đi kèm đồ ăn.

Đồ ăn hàng không đắt nhưng không ngon

Trong năm 2015, NCS đạt sản lượng gần 6 triệu suất ăn, tương ứng mỗi ngày doanh nghiệp phục vụ khoảng 16.300 suất ăn, tăng 10% so với năm trước và gấp đôi so với năm 2008.

Trong khoảng 4 năm trở lại đây, giá bán ra mỗi suất ăn của NCS khá ổn định quanh mức 60.000 đồng mỗi suất. Riêng trong năm 2015, NCS giá bán nhích nhẹ lên 62.800 đồng và doanh nghiệp thu về khoản lợi nhuận 11.000 đồng cho mỗi suất ăn.

Đây là mức giá bình quân mà NCS cung cấp cho khách hàng của mình. Còn các hãng hàng không tính giá bao nhiêu cho mỗi suất ăn lại là câu chuyện khác.

Mức giá trên 60.000 đồng cho mỗi suất ăn trên máy bay nhìn chung không hề rẻ nhưng chất lượng đồ ăn thường nhận được phản hồi không mấy tích cực từ phía khách hàng. Tuy vậy, đây là vấn đề của hầu hết các hãng cung cấp suất ăn hàng không trên thế giới bởi món ăn thường được chế biến sẵn dưới mặt đất, sau đó hâm nóng lại trên máy bay và điều này khiến chúng trở nên kém phần hấp dẫn.

Ngoài ra, theo một số nghiên cứu khoa học thì môi trường áp suất trên cao cùng tiếng ồn của máy bay sẽ khiến vị giác khách hàng thay đổi. Do đó, việc chất chất lượng đồ ăn bị đánh giá “tệ” cũng không hoàn toàn có nguyên nhân từ các hãng cung cấp suất ăn.

Ngoài NCS, Vietnam Airlines còn có một công ty con khác kinh doanh suất ăn hàng không là Cty TNHH MTV Suất ăn hàng không Việt Nam (VACS), có trụ sở tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Năm 2015, VACS đạt 129 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - cao gấp rưỡi so với NCS.

Theo Hoàng Anh

Cùng chuyên mục
XEM