Bạn có bao giờ nghĩ mình sẽ phải "deal lương" với một con robot? Đó là chuyện sắp xảy ra ở nước Anh

01/11/2019 15:21 PM | Công nghệ

Và theo các chuyên gia đánh giá, được phỏng vấn chốt lương cùng một con robot sẽ là lợi thế lớn dành cho người lao động, chứ không gây hại gì cơ.

Thời đại 4.0, khoa học dần phát triển ra những hệ thống có thể thay thế con người trong rất nhiều việc. Thậm chí, đã có những lo ngại cho rằng loài người sẽ sớm bị máy móc đào thải, dẫn đến chuyện rất nhiều người không kịp thích nghi sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp.

Nhưng ngay đến chuyện phỏng vấn xin việc, có bao giờ bạn nghĩ mình sẽ phải phỏng vấn cùng một con robot chưa? Câu chuyện ấy sắp trở thành thật, ít nhất là ở Anh Quốc. Cụ thể thì Pactum - một công ty tại Estonia (quốc gia thuộc châu Âu) - mới đây đã tạo ra một hệ thống chatbot ứng dụng AI có khả năng phỏng vấn các ứng viên và "chốt lương" cho họ.

Theo công ty, mục đích khi tạo ra con chatbot này là để giúp các ứng viên có thể deal được lương tốt hơn khi phỏng vấn, trong đó tính cả các điều khoản hợp đồng, vị trí sinh sống và chế độ đãi ngộ lúc nghỉ phép. Điều đặc biệt là hệ thống sẽ không bị ảnh hưởng từ các yếu tố như giới tính, sắc tộc, độ tuổi hay tầng lớp - điều gần như không tưởng khi phỏng vấn với người thật.

"Mỗi lần phỏng vấn là một lần căng thẳng, ai cũng thế," - Kaspar Korjus, đồng sáng lập công ty cho biết. "Giả dụ công ty tuyển bạn và bắt đầu hỏi về mức lương mong muốn, áp lực lập tức ập đến. Bạn có thể không biết phải nói gì vào lúc này, hoặc không biết cách bày tỏ nguyện vọng cho đúng."

Giải phóng áp lực cho người trẻ xin việc

Hệ thống chatbot được xây dựng bởi những người từng sáng lập ra Skype và Transferwise, được cho là có khả năng loại bỏ cảm giác lo lắng đối với các ứng viên. Lý do là vì họ sẽ phỏng vấn thông qua một ứng dụng điện thoại.

Ban đầu, hệ thống AI sẽ đặt ra một chuỗi các câu hỏi. "Ví dụ, công ty sẽ sẵn sàng trả lương cho bạn cao hơn sau khi xét đến 10 yếu tố: chức danh, ngày nghỉ, hoặc có thể làm việc tại nhà vào cuối tuần," - Kaspar cho biết.

Thuật toán sau đó sẽ tự đưa ra offer dựa trên những câu trả lời, và các ứng viên có quyền chấp nhận hoặc từ chối ngay lúc đó.

Bạn có bao giờ nghĩ mình sẽ phải deal lương với một con robot? Đó là chuyện sắp xảy ra ở nước Anh - Ảnh 1.

Kaspar tạo ra Pactum cùng 2 người anh của mình là Kristjan và Martin Rand, với kỳ vọng tạo ra một "sân chơi" công bằng hơn cho doanh nghiệp và người lao động. Ở thời điểm hiện tại, hệ thống của họ đã được sử dụng để thỏa thuận hợp đồng ban đầu, nhưng trong tương lai có thể mang lại lợi ích lớn hơn, như giúp người lao động tự tin thỏa thuận tăng lương.

Theo một nghiên cứu từ ĐH Carnegie Mellon, nam giới khi xin tăng lương thường có cơ hội cao hơn phụ nữ tới 4 lần. Hơn nữa khi phụ nữ đứng ra đàm phán, họ thường chỉ yêu cầu mức thấp hơn khoảng 30% so với phái mạnh. Chính từ những số liệu này, phụ nữ thường bị làm khó trong những lần ký hợp đồng hoặc khi đòi quyền lợi cho mình.

Kaspar tin rằng việc đàm phán với robot sẽ là giải pháp cho câu chuyện này. "Kể cả với những người đã lớn tuổi và không thích máy tính, họ cũng sẽ thích nó thôi," - ông tự tin cho biết. Thuật toán của Pactum cũng giúp tiết kiệm thời gian hơn cho doanh nghiệp khi đàm phán ký hợp đồng với người lao động.

Không phải ai cũng đồng tình

Corinne Mills - tổng giám đốc công ty quản trị nhân lực Personal Career Management tỏ ra lo ngại rằng tính chất của AI sẽ khiến các ứng viên tiềm năng cảm thấy bị thiếu tôn trọng. "Đa số chúng ta, chẳng ai muốn bị xem là công cụ cả."

Kristjan thì không nghĩ vậy. Ông tin rằng AI sẽ sớm thay thế con người trong nhiều vị trí, và đây là xu hướng khó tránh khỏi. "Trong 20 năm tới, con người sẽ không cần can dự vào quá trình ký hợp đồng nữa. Việc đưa ra offer lương sẽ được thực hiện bởi AI."

Ở thời điểm hiện tại, AI đã thực sự tham dự vào quá trình này rồi. Tháng 9/2019, Unilever đã sử dụng AI để phân tích lời nói, tông giọng và biểu cảm của người lao động ứng tuyển vào tập đoàn. Hirevue - một công ty của Mỹ cũng đã phát triển hệ thống AI hỗ trợ phỏng vấn, cho phép thực hiện một vòng trò chuyện ban đầu thay cho bước lọc CV nhạt nhẽo thông thường.

Theo JD

Cùng chuyên mục
XEM