Bài viết gây sốt mùa họp phụ huynh: Quanh năm vứt con ở trường, đến lúc thầy cô bảo học kém thì mắng con liệu có hợp lý không?

16/01/2019 21:15 PM | Sống

Theo tác giả chia sẻ, cha mẹ đi họp phụ huynh về không nên trách con học kém, cũng không nên khen con học giỏi, vì vô hình trung sẽ tự tạo áp lực cho con mình rằng thành tích học tập là thứ quan trọng nhất.

Hầu như đứa học sinh nào cũng sợ học phụ huynh, sợ cảm giác chờ cha mẹ đi họp về, ở nhà cứ nơm nớp thấp thỏm chẳng biết mình có phạm lỗi gì không, có bị cô chê không, điểm kém cô có báo với cha mẹ không, cô có nhớ mà khen mình không? Buổi họp phụ huynh từ buổi tổng kết kết quả học tập, gặp gỡ trao đổi giữa cha mẹ và thầy cô trở thành buổi họp kinh hoàng cho nhiều gia đình, trở thành nỗi ác mộng của nhiều học sinh.

Bài viết dưới đây của tác giả Phạm Gia Hiền, một vị phụ huynh từng nhiều lần đi họp cho con và cũng từng bị mời phụ huynh lên họp nhiều lần thời học sinh, chia sẻ những điều mà cha mẹ nên làm. Một điều thú vị là bài viết này lại nhận được sự đồng cảm rất lớn của nhiều học sinh, đó dường như là nỗi lòng mà họ muốn gửi gắm đến cha mẹ mình, mong cha mẹ đừng biến buổi họp phụ huynh thành nỗi ám ảnh kinh hoàng nữa.

Bài viết gây sốt mùa họp phụ huynh: Quanh năm vứt con ở trường, đến lúc thầy cô bảo học kém thì mắng con liệu có hợp lý không? - Ảnh 1.

Cha mẹ ơi, đừng biến buổi họp phụ huynh thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của con!

Mùa họp phụ huynh đã đến giai đoạn đoạn cao trào, khắp Faecbook thấy các bố mẹ đua nhau khoe bảng thành tích của con. Mình cũng đi họp rồi, và đặc biệt kỳ diệu phi thường là hồi xưa mình cũng từng bị mời phụ huynh đi họp suốt. Nên gộp 2 kinh nghiệm ấy để có mấy chia sẻ này.

1. Nếu con mình học giỏi. Con người khác cũng thế. Sẽ có 2 trạng thái cảm xúc: Một là, ơ sao con nhà người ta giỏi thế nhỉ? Hai là, ờ con mình giỏi quá, hơn đứt bọn khác. Dù mình suy nghĩ thế nào thì cũng chả sao, nhưng đừng nói điều đấy với bọn trẻ. Bọn nó hoàn toàn không biết đến khái niệm đánh giá đâu, cho đến khi người lớn dạy cho chúng biết.

2. Con mình chưa giỏi. Con người khác cũng thế. Cũng sẽ có 2 trạng thái cảm xúc: Một là, đùa chứ chả hiểu chúng nó học hành kiểu gì mà kém thế. Hai là, có nên xem lại xem thầy cô dạy dỗ như thế nào không? Cả 2 câu hỏi này đều dành cho cả 2 đối tượng là con mình, và thầy cô của con.

Nhưng trước khi đi hỏi, thì tự hỏi bản thân câu này đã: Sao đến lúc họp phụ huynh mình mới biết con mình học kém?

3. Các loại tiền trường, nhiều ít, đừng thắc mắc với cô chủ nhiệm làm gì, rất khổ tâm người ta vì họ không giải quyết được vấn đề gì? Nếu có thắc mắc, hãy thắc mắc thẳng với Ban giám hiệu nhà trường.

4. Các loại quỹ lớp, cần bảo nhau rạch ròi. Mỗi nhà mỗi cảnh, đóng góp phải đồng thuận và kín đáo. Ví dụ bảo đề nghị góp quỹ lớp 10 triệu/ học kỳ, ai đồng ý giơ tay biểu quyết. Thì anh đi Lexus anh giơ cả 2 tay, tôi đang thất nghiệp chui gầm bàn cho đỡ nhục à? Cái này tôi thấy nhiều Ban phụ huynh thiếu tế nhị, thậm chí lôi ra cãi nhau ngay ở buổi họp phụ huynh, mất lòng nhiều người.

Bài viết gây sốt mùa họp phụ huynh: Quanh năm vứt con ở trường, đến lúc thầy cô bảo học kém thì mắng con liệu có hợp lý không? - Ảnh 2.

Sợ cô giáo kể tội 1 mà sợ cha mẹ về nhà mắng, đánh thì 10

5. Khi cô giáo hỏi câu chốt: Các anh chị có còn ý kiến gì không ạ?

Đừng phàn nàn về tiền trường.

Đừng phàn nàn về kết quả học của con.

Đừng phàn nàn về cơ sở hạ tầng của trường.

Nhưng cũng đừng im lặng.

Hãy đề nghị các thầy cô bớt bài tập cho bọn trẻ, thêm nhiều giờ sinh hoạt ngoại khóa hơn, và chính cô cũng nên nghỉ ngơi nhiều hơn. Đấy là những thứ thiết thực mà một buổi họp phụ huynh có thể giải quyết được.

6. Cuối cùng, dù kết quả thế nào, con học giỏi hay bình thường, thì ra khỏi lớp là bỏ qua đi. Mình quanh năm vứt con cho trường, bản thân chúng nó cũng phải nỗ lực hàng ngày, bây giờ sau mấy tiếng họp phụ huynh tự nhiên mình thấy mình quan trọng quá, thế có hợp lý không?

Dù thế nào thì cũng tỏ thái độ bình thản vừa đủ với con thôi. Con mình có những điểm tốt, và chưa tốt, nhưng dù thế nào thì cũng phải cố gắng hơn.

Cá nhân tôi thì không thưởng con vì thành tích học, chưa bao giờ, vì thưởng khi có thành tích, tức là cho nó thấy thành tích rất quan trọng. Và khi thành tích nó không tốt, sẽ thành áp lực. Chả phải chúng ta vẫn thường ra rả bảo nhau: không gây áp lực cho con đấy ư?

Phạm Gia Hiền

Cùng chuyên mục
XEM