Bài toán khó cho người kế vị 33 tuổi của tập đoàn lớn nhất Indonesia

31/03/2019 09:54 AM | Kinh doanh

John Riady chắc chắn sẽ là người tiếp tục chèo lái Lippo, tập đoàn gia đình lớn nhất Indonesia. Doanh nhân 33 tuổi này không mong được giao trọng trách quá sớm như vậy, nhất là trong bối cảnh công ty đối mặt với nhiều áp lực tài chính, bê bối nghiêm trọng.

“Thú thực là tôi chưa chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện này”, John chia sẻ về thời điểm cuối năm ngoái, khi anh bị “thúc ép” đảm nhận vị trí CEO của công ty phát triển bất động sản Lippo Karawaci- trái tim kiêm bộ não của tập đoàn trị giá 8 tỷ USD Lippo Group.

Ông nội của John đồng thời cũng là người sáng lập tập đoàn, Mochtar Riady, đã có những chia sẻ nhằm động viên “người kế vị”. Sự ủng hộ cũng đến từ người chú Stephen Riady và cha của anh- ông James Riady.

“Khi đó mọi người đều ở nhà và mọi thứ đến một cách khá ngẫu nhiên”, John nhớ lại. “Tôi đã phải dành cả kỳ nghỉ lễ đón năm mới để suy nghĩ về đề nghị này”.

Lippo Karawaci đã chính thức công bố thông tin này hôm 12/3, nhưng công ty vẫn phải đợi quyết định chính thức đến từ các cổ đông khác trong cuộc họp thường niên của tập đoàn, dự kiến diễn ra trong tháng 4.

Bài toán khó cho người kế vị 33 tuổi của tập đoàn lớn nhất Indonesia - Ảnh 1.

Từ trái sang là tân CEO Lippo Karawaci John Riady, cha anh James Riady và ông nội Mochtar Riady. Ảnh: AP.


Sự lưỡng lự của John có thể dễ dàng được thông cảm. Lippo Karawaci đang phải đối mặt với sự sụt giảm tín nhiệm nghiêm trọng trong năm 2018 do những quan ngại liên quan đến tính thanh khoản cũng như khả năng chi trả các khoản nợ của công ty.

Những cáo buộc hối lộ liên quan đến 4 nhân viên của Lippo Group trong một dự án phát triển bất động sản lớn của công ty- thành phố Meikarta, nằm tại khu vực ngoại ô thủ đô Jakarta, đã khiến danh tiếng của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế nhưng, anh vẫn chấp nhận thử thách gian nan đó.

“Sự minh bạch và công tác điều hành là những yếu tố đặc biệt quan trọng để giúp công ty có thể vượt qua tình trạng khó khăn này”, anh trả lời trong một cuộc phỏng vấn ngay sau khi thông báo của công ty được công bố.

Kinh nghiệm cũng như những lợi thế khi được đào tạo trong môi trường quốc tế là nền tảng cho những kỳ vọng rằng anh hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu minh bạch hóa hoạt động của công ty. Sinh ra New York, John tốt nghiệp trường đại học Georgetown và sau đó theo học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại Trường kinh doanh Wharton. Anh cũng có bằng tiến sĩ luật của trường luật của Đại học Columbia.

Trước khi trở thành CEO của công ty, anh là người giúp Lippo đặt những bước đầu tiên vào nền kinh tế số thông qua việc cho ra đời nền tảng thanh toán trực tuyến Ovo. John đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giúp Ovo trở thành một trong những nền tảng thành công nhất trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến tại Indonesia, ngang hàng với các đối thủ sừng sỏ như Go-Pay của công ty cung cấp ứng dụng đặt xe Go-Jek.

Một nguồn tin thân cận với công ty cho biết, Ovo đã trở hành một “kỳ lân” công nghệ, đồng nghĩa giá trị vốn hóa của công ty đã vượt qua ngưỡng 1 tỷ USD.

Tại Lippo Karawaci, anh phải nỗ lực chèo lái một “con thuyền” đang có nguy cơ bị “đắm” với những vấn đề hoàn toàn khác biệt so với lĩnh vực thương mại điện tử từng đảm nhiệm.

Công ty đã trải qua một vài quý với tình trạng dòng tiền thiếu hụt, giữa bối cảnh thị trường bất động sản Indonesia đang có dấu hiệu “đóng băng”. Đó là lý do công ty chuyên đánh giá, xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ mức tín nhiệm của công ty 3 lần trong vòng 18 tháng qua, trong khi Fitch cũng đưa ra những đánh giá không mấy tích cực về tỷ lệ nợ xấu dài hạn của các định chế tài chính- chủ nợ của tập đoàn, liên quan đến những rủi ro thanh khoản.

Việc Lippo Karawaci vay quá nhiều bằng USD, khoảng 90% các khoản nợ của công ty, là nguồn gốc lo ngại khi giá trị đồng rupiah của Indonesia rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm.

Nhưng ít nhất, John cũng có một kế hoạch tài chính rõ ràng hơn, thông qua một quá trình gọi vốn lên đến 1 tỷ USD.

Lippo Karawaci kỳ vọng thu về khoảng 730 triệu USD trong một đợt phát hành cổ phiếu ưu đãi dưới sự bảo trợ của chính gia tộc nhà Riady, trong khi khoảng 280 triệu USD còn lại đến từ việc thanh lý tài sản.

Khoảng hơn 1 nửa trong số 1 tỷ USD đó sẽ được sử dụng để cải thiện tình hình tài chính của công ty. Công ty đồng thời cũng tiến hành công bố một mức giá chào mua cổ phần ưu đãi nhằm giải quyết số nợ lên đến 150 triệu USD, đáo hạn vào năm 2022. 125 triệu USD cũng sẽ được sử dụng cho việc thanh toán các khoản nợ khác sẽ đáo hạn trong hai năm tới.

Bài toán khó cho người kế vị 33 tuổi của tập đoàn lớn nhất Indonesia - Ảnh 2.

Ảnh chụp dự án Meikarta ở ngoại ô Jakarta hồi tháng 4/2018. Ảnh: Lippo.


“Những gì chúng tôi đã công bố hoàn toàn là một giải pháp dễ hiểu với mục tiêu giúp công ty vượt qua hàng loạt các thách thức hiện tại”, John cho biết. “Nó sẽ giúp giải quyết vấn đề thanh khoản và củng bố tình hình tài chính của công ty”.

Dòng tiền đầu tư sắp tới cũng sẽ được sử dụng để “nhanh chóng hoàn thiện” các dự án đang còn dang dở của công ty, trong đó khoảng 200 triệu USD sẽ được “bơm” cho dự án Meikarta.

Felicia Barus, một chuyên gia phân tích thuộc tập đoàn Citigroup, viết trong một báo cáo: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào kế hoạch gọi vốn, quá trình tái cơ cấu bộ máy lãnh đạo cũng như sức sống mới của Lippo Karawaci. Những thay đổi đó sẽ giúp nâng cao sự tin tưởng của các nhà đầu tư cũng như hình ảnh của công ty trong mặt khách hàng”.

Cuộc “cải tổ” dưới sự lãnh đạo của John sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính: nhà ở thành thị, các tiện ích chăm sóc sức khỏe và các trung tâm mua sắm tích hợp các dịch vụ nghỉ ngơi, giải trí. Vị thuyền trưởng mới này chia sẻ rằng những lĩnh vực trên sẽ giúp “vực dậy công ty, giúp công ty thu được lợi nhuận cũng như tăng quy mô hoạt động kinh doanh”.

John cũng dành nhiều tham vọng cho dự án Meikarta trị giá 21 tỷ USD, dự án mà Lippo đã giới thiệu như là “câu trả lời” của Indonesia cho đặc khu Thâm Quyến của Trung Quốc. Dự án lớn nhất của tập đoàn bao gồm hệ thống chung cư, văn phòng cho thuê đi cùng với các tiện tích khác như trung tâm mua sắm, trường học, cơ sở y tế và khách sạn.

Meikarta sẽ là nơi ở của khoảng 1 triệu cư dân khi công ty chuyển hướng từ cung cấp bất động sản cao cấp sang dịch vụ nhà ở vừa với túi tiền của tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tăng tại quốc gia Đông Nam Á này.

Dự án đã bị đình trệ bởi hàng loạt các cáo buộc, từ việc giấy phép đầu tư chưa hoàn thiện đến việc công ty chậm thanh toán các khoản tiền quảng cáo cũng như nợ lương nhân viên. Vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra vào cuối năm ngoái khi 4 cá nhân được cho là có liên quan trực tiếp đến Lippo Group đã bị bắt giữ liên quan đến nghi án hối lộ các quan chức địa phương với số tiền lên đến 13 triệu rupiah (914.000 USD).

Billy Sindoro là một trong số những người bị bắt tại thời điểm đó và sau đó nhận bản án lên đến 3,5 năm tù từ tòa án Bandung hồi đầu tháng 3 vừa qua, thấp hơn so với đề nghị từ phía cơ quan viện kiểm sát. 3 người còn lại cũng bị kết án tù giam, nhưng trường hợp của Sindoro được chú ý hơn cả.

“Nếu chúng ta gạt đi những lùm xùm xung quanh dự án Keikarta, và tôi nghĩ có rất nhiều sự hiểu lầm trong dự án đó, thì đây đúng là một dự án hoàn hảo”.

“Với mức giá hiện tại, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho rất nhiều người có được nhà ở, và chúng tôi cũng thu lại được lợi nhuận”, anh cho biết. “Đó là một kết quả đáng kể cho công ty cũng như các cổ đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện dự án dày. Meikarta sẽ là dự án mẫu tiên phong mà chúng tôi muốn nhân rộng ra nhiều khu vực khác trên lãnh thổ Indonesia”.

John đã dần chứng tỏ được năng lực và chiếm được lòng tin của các nhà đầu tư.

Trong khi giá cổ phiếu của công ty đã rơi gần xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 15 năm qua sau thông báo hôm 12/3, điều đó cũng có ảnh hưởng lên giá chào bán cổ phiếu ưu đãi như dự định ở trên, khiến cho giá bán cổ phiếu để bù đắp các khoản nợ USD đáo hạn trong năm 2022 giảm 4% và cho các khoản nợ đáo hạn năm 2026 giảm gần 2%.

Trong khoảng thời gian đó, Moody’s giữ nguyên mức tín nhiệm B3 cho Lippo Kawaraci nhưng lại thay đổi triển vọng của công ty từ tiêu cực sang ổn định, dựa trên những đánh giá tích cực về “nguồn tài chính hiện có của công ty sẽ tăng trưởng sau khi công ty chào bán cổ phiếu ưu đãi. Lippo Karawaci sẽ có đủ nguồn tiền để duy trì hoạt động cũng như có khả năng thanh toán các khoản nợ đáo hạn trong 12-18 tháng tới”.

Thế nhưng, Moody’s cũng cho rằng khoản đầu tư 200 triệu USD vào dự án Meikarta có thể sẽ là một điểm trừ vì với việc công ty chỉ nắm một phần quyền sở hữu của dự án sẽ hạn chế khả năng tiếp cận toàn bộ số vốn. Vì dự án vẫn đang trong giai đoạn triển khai, Moody’s cho rằng dòng tiền duy trì hoạt động của dự án có thể sẽ trong tình trạng âm “trong vòng 3 đến 5 năm tới”.

Bài toán khó cho người kế vị 33 tuổi của tập đoàn lớn nhất Indonesia - Ảnh 3.

Ảnh: Nikkei.


Việc bổ nhiệm John như là một “lời nhắn” đến với thị trường. Cho đến thời điểm hiện tại, ông Mochtar vẫn tương đối phân tách giữa việc nắm quyền sở hữu với công tác điều hành. Ông không quá nóng vội đưa các thành viên trong gia đình nắm công tác điều hành tại các công ty trụ cột của tập đoàn. Nhưng đưa John lên nắm vị trí lãnh đạo của Lippo Kawaraci “đã phán ánh đúng, với hy vọng thị trường sẽ thấy được điều gì đó, lời cam kết của gia đình” khi sẽ nỗ lực chèo chống con tàu vượt qua giông bão.

John sẽ thay thế Ketut Wijaya, người đã giữ công tác điều hành tại Lippo và một số công ty khác. Ở Lippo, sự thiếu hụt kinh nghiệm về lĩnh vực bất động sản của anh sẽ được bù đắp bởi người chú - ông Stephen- một nhân vật kỳ cựu trong giới bất động sản Indonesia, một trong những cố vấn của công ty.

Tuy nhiên những vấn đề của tập đoàn này không chỉ gói gọn trong lĩnh vực phát triển bất động sản. Hai công ty con của tập đoàn đang hoạt động trong lĩnh vực internet đã bị từ chối cung cấp dịch vụ 4G hồi cuối năm ngoái do không thanh toán đủ các khoản nợ phí. Vụ việc này cũng gây ra ảnh hưởng không tốt lên danh tiếng của tập đoàn.

Liệu một người trẻ, được hưởng nền giáo dục tân tiến tại Mỹ có thể giúp Lippo đứng dậy sau gục ngã?

“Trong quá khứ, chúng tôi tập trung quá nhiều vào tốc độ tăng trưởng”, John cho biết. Tuy nhiên, anh cũng bổ sung rằng: sẽ là rất quan trọng nếu như đảm bảo được sự bình đẳng giữa các dự án; duy trì và nuôi dưỡng niềm tin của hơn 60 triệu khách hàng, nói theo cách khác, đó tầng lớp trung lưu của Indonesia.

“Ngày nay, Indonesia là một quốc gia hoàn toàn khác và nhu cầu của khách hàng cũng đa dạng hơn xưa”, John cho biết.

Khi chia sẻ về những dự định trên cương vị người lãnh đạo Lippo, mọi người có thể dễ dàng nhầm lẫn John với một doanh nhân khởi nghiệp, so với việc anh là người thừa kế của tập đoàn được thành lập vào những năm 50 của thế kỷ trước.

“Tôi nghĩ thế hệ trẻ hôm nay, họ làm việc vì họ muốn trở thành một phần của doanh nghiệp”, John cho biết. Anh muốn biến Lippo thành một môi trường làm việc lý tưởng cho những người trẻ. Anh muốn họ phải thốt lên rằng: “Đây là một môi trường mà tôi được thử thách, nơi tôi có thể phát triển bản thân và cũng là nơi tôi cảm thấy mình được trân trọng”.

John cũng chỉ ra một vài giải pháp để đạt được mục đích đó.

“Tôi nghĩ chúng tôi cần phải làm tốt hơn công tác truyền thông, chia sẻ cho mọi người thấy tầm nhìn của tập đoàn, với sứ mệnh phục vụ tầng lớp trung lưu tại Indonesia và kiến tạo một cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ”, anh chia sẻ.

Anh cũng cho rằng tập đoàn cần phải mở rộng hơn các mối quan hệ hợp tác cũng như bám sát hơn với nhu cầu của khách hàng.

“Quan trọng hơn bao giờ hết, trong thế giới số ngày hôm nay, bạn sẽ không thể là một thực thể đóng. Tôi là một người có niềm tin mãnh liệt vào quan niệm mở. Các công ty trong tập đoàn, các thành phố, các khu đô thị, trung tâm mua sắm, các tài sản có thể là những có thể là những mô hình kinh doanh đóng có hiệu quả. Nhưng tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu như chúng có độ mở với bên ngoài”.

Ovo là một sản phẩm được xây dựng trên quan niệm này. Thay vì tự phát triển, John đã kêu gượi sự hợp tác đầu tư của ứng dụng gọi xe của Singapore là Grab và công ty thương mại điện tử Tokopedia của Indonesia, cả hai đều là những “kỳ lân” công nghệ, để chung tay xây dựng nền tảng Ovo. Grab đồng thời cũng là một nhà đầu tư vào Ovo.

“Chúng ta đang sống trong một thế giới mở. Nếu như bạn không cung cấp cho khách hàng những gì tốt nhất mà họ muốn, họ sẽ mở điện thoại ra và cơ hội của chúng ta sẽ trôi đi ngay lập tức”. Sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các công ty trong tập đoàn là “chìa khóa” cho sự phát triển của Lippo, nhưng John cũng cho rằng “việc tập trung xung quanh khách hàng cũng quan trọng không kém”.

Tuy nhiên, ông nội của anh cũng đã đưa ra những cảnh báo, rằng khách hàng không phải là tất cả.

Trước Ovo, John chịu trách nhiệm điều hành MatahariMall.com, một nền tảng thương mại điện tử chuyên về mảng thời trang nữ. Trang web này tạo ra rất nhiều hiệu ứng tích cực khi vừa mới ra đời năm 2015, nhưng sau đó đã phải khá chật vật để lôi kéo thêm người dùng giữa bối cảnh các đối thủ khác như Tokopedia và Bukalapak gia nhập thị trường.

“Tôi đã có những chia sẻ với John, rằng cậu ấy đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng. Cấu ấy chỉ nghĩ cho khách hàng thôi, còn người bán hàng thì cậu ấy ngó lơ”, Mochtar nói hồi năm 2018. “Đó chính là sai lầm của cậu ấy”.

John đã rút kinh nghiệm trong trường hợp của Ovo, nhưng những sai lầm hầu như không được phép xảy ra khi giờ đây, John đã ở một cương vị mới- giám đốc điều hành của Lippo Karawaci.

Theo Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM