Bài học từ Nhật và Mỹ về cung cấp dịch vụ tài chính cho người nghèo

11/05/2018 13:42 PM | Xã hội

Khi cho những khách hàng có tiềm lực tài chính yếu vay tiền, khả năng mất vốn cao. Câu hỏi ở đây là ai sẽ chịu khoản thiệt hại đó?

Diễn giả vĩ đại nhất mà tôi từng có dịp được diện kiến chính là cựu Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi. Năm 2005, khi đứng trên một cây cầu, tôi nhìn vào ông từ trên cao khi ông đang diễn thuyết với một đám đông bên ngoài nhà ga tàu.

Chủ đề của bài phát biểu của ông khi đó khá nhàm chán. Nó nói về kế hoạch biến Bưu điện Nhật (Japan Post) thành một vài công ty tư nhân thuộc quyền quản lý của một công ty mẹ có vốn tư nhân.

Ông Koizumi đã chiến thắng các đảng đối lập, kế hoạch của ông được triển khai dù quá trình này mất đến hơn một thập kỷ. Đợt IPO của Bưu điện Nhật vào năm 2015 có quy mô lớn nhất thế giới trong năm đó.

Hiện nay, chính phủ Nhật vẫn nắm phần lớn cổ phần của Bưu điện Nhật và bán cổ phiếu ra công chúng định kỳ với mục tiêu giảm tỷ lệ nắm giữ xuống chỉ còn tương đương khoảng 30% so với hơn 50% hiện tại.

Tuy nhiên, dù đã tư hữu hóa phần nào nhưng quy mô của Bưu điện Nhật vẫn vô cùng lớn. Bưu điện Nhật vẫn là một trong những doanh nghiệp lớn và quan trọng nhất thế giới.

Người ta không khỏi đặt câu hỏi tại sao Nhật lại phải thực hiện con đường tư nhân hóa dài và gian khổ đến như vậy? Và tại sao Thủ tướng Koizumi lại có thể có chiến thắng cách biệt so với các đối thủ chỉ nhờ vào lời hứa đó?

Nguyên nhân đơn giản bởi người Nhật không hài lòng với dịch vụ của ngân hàng bưu điện Nhật, người Nhật đang giữ 1/4 tài sản trong ngân hàng này và các công ty bảo hiểm có liên kết.

Vấn đề ở chỗ ngân hàng bưu điện Nhật không chỉ nhận tiền gửi mà còn cho vay tiền. Ngân hàng cho nhiều công ty "xác sống", là những công ty hoạt động không hiệu quả nhưng tồn tại nhờ vào lãi suất thị trường thấp, vay tiền. Sự hiện diện của nhóm công ty "xác sống" tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh cho nhóm công ty hoạt động hiệu quả và có lãi.

Khi hoạt động tín dụng được thực hiện bởi ngân hàng trực thuộc chính phủ, nó có thể là công cụ để các chính trị gia bơm tiền cho bạn bè và thân hữu. Những người Nhật bỏ phiếu cho ông Koizumi chiến thắng vào năm 2005 muốn chấm dứt hình thức chủ nghĩa tư bản thân hữu này.

Bài học của Japan Post rất quan trọng với nước Mỹ ở thời điểm nước Mỹ cũng đang tính biến dịch vụ bưu điện thành một ngân hàng. Gần đây, Thượng nghị sỹ New York, bà Kirsten Gillibrand đã đưa ra đề xuất biến Dịch vụ bưu điện Mỹ thành ngân hàng. Nhiều thượng nghị sỹ cấp tiến như Bernie Sanders và Elizabeth Warren đã ủng hộ ý tưởng. Không chỉ vậy, nhiều người thuộc giới tri thức Mỹ cũng đánh giá cao quan điểm chính sách trên.

Lý do để biến bưu điện thành ngân hàng rất hợp lý: để cung cấp dịch vụ tài chính giá rẻ cho nhiều người. Hiện nay, khoảng 7% người Mỹ hoặc thậm chí có thể lên đến 25% người Mỹ theo một số thống kê khác đang không có tài khoản ngân hàng. Các ngân hàng thương mại thông thường không có nhiều động lực để phục vụ cho những khách hàng nghèo, chính vì vậy, chính phủ cần phải can thiệp để giúp cho những người này có tài khoản và được sử dụng ATM miễn phí.

Thế nhưng các ngân hàng bưu điện sẽ không chỉ đơn thuần dừng ở cung cấp tài khoản ngân hàng, cho phép khách hàng rút tiền và hưởng tiện ích. Theo đề xuất của thượng nghị sỹ New York – bà Gillibrand, các bưu điện cũng sẽ được cho phép cung cấp dịch vụ tín dụng với lãi suất tương đương với lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.

Thế nhưng việc cung cấp các khoản vay tiêu dùng với lãi suất tương đương với loại tài sản có rủi ro thấp nhất thế giới tiềm ẩn vô cùng nhiều rủi ro. Nếu nhóm ngân hàng bưu điện định cung cấp tín dụng cho những khách hàng nghèo, họ cần phải tính lãi suất cao để bù lại cho việc tỷ lệ vỡ nợ cao.

Người ta không khỏi hoài nghi chính phủ sẽ làm gì nếu người vay tiền vay từ các ngân hàng bưu điện và sau đó không hoàn trả khoản vay này. Dịch vụ bưu điện Mỹ vốn đã không có lãi, và nếu dịch vụ lỗ vì các khoản vay sẽ chỉ khiến cho tài chính của chính phủ Mỹ thêm khó khăn.

* Tác giả bài viết là ông Noah Smith, một cây bút bình luận của Bloomberg. Ông từng là phó giáo sư tài chính tại Đại học Stony Brook.

Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM